Hà Nội, TP HCM có số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em nhiều nhất cả nước

Thứ Năm, 18/04/2019, 17:00 [GMT+7]

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực. Đáng chú ý, TP HCM, Hà Nội là các địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại nhất.
 
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng ngày (18/4).

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Đại đa số vụ việc liên quan đến trẻ em đã bị xử lý. Tuy nhiên, theo nhận định của Lãnh đạo Bộ, số vụ việc được phát hiện chưa phản ánh đúng tình trạng bạo lực, xâm hại ở nước ta hiện nay.
 

1
Toàn cảnh hội thảo.


Dẫn số liệu thống kê của Bộ Công an, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, trong 5 năm, từ 2013 đến 2017, mỗi năm bình quân có 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Theo số liệu của 63 tỉnh, thành phố năm 2018, toàn quốc phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Ðặc biệt, có tới 43 vụ án giết trẻ em cực kỳ dã man.

Nơi xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em nhất là hai đô thị lớn: Hà Nội (88 vụ), TP Hồ Chí Minh (77 vụ).

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) nhận định, trong các hình thức xâm hại trẻ em, bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến học sinh đánh nhau trong, ngoài trường học và thầy cô giáo có hành vi bạo lực đối với học sinh. Gần đây, có nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.
 
Trong số các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) năm 2017 và 2018, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi: Người quen, hàng xóm là 59,06%; người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,12%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%; các đối tượng khác là 13,79%.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức. Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra. Trong đó, có trường hợp trẻ em bị chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học bạo lực và xâm hại. Bên cạnh đó, quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện", bà Hà nhấn mạnh.
 
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng lấy ví dụ như quy định và hướng dẫn về việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi còn chưa cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý về một quy trình tố tụng thân thiện, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bắt đầu từ giám định pháp y cho đến xét xử, phục hồi, hòa nhập đối với trẻ em tham gia quá trình tư pháp chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung./.
 
 

 

Theo Mai Trang/VOV

.