Đồng bào Hà Nhì liên kết bảo vệ rừng

Thứ Hai, 15/04/2019, 13:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong khi nạn phá rừng lấy đất để canh tác nương rẫy diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương trong huyện Mường Nhé, thì tại các bản vùng đồng bào Hà Nhì vẫn đang âm thầm từng ngày liên kết thành những tổ, nhóm bảo vệ rừng, bảo vệ mái nhà chung. Bởi với đồng bào Hà Nhì, rừng là nhà, là nguồn sống và cũng là nơi thiêng liêng của cả cộng đồng.

Tả Ló San, một trong những bản của người Hà Nhì ở xã Sen Thượng, nhiều năm nay nổi tiếng một vùng bởi kỳ tích giữ rừng. Cả bản chỉ có 21 mái nhà, nhưng chăm sóc, bảo vệ đến hơn 2.760 ha rừng. Cho nên, trên cả tuyến biên giới những cánh rừng của bản Tả Ló San mang mầu xanh ngút ngàn. Ðưa chúng tôi tham quan cánh rừng đặc dụng xanh mướt phía sau bản, Trưởng bản Tả Ló San, Lỳ Khò Chừ say sưa nói về rừng và những quy định bảo vệ rừng của người Hà Nhì nơi đây.

1
Một góc bản Tả Ló San. ảnh KT

 

Rừng không chỉ cho người Hà Nhì sản vật mà còn có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần. Người Hà Nhì ở đây cho rằng, mỗi cánh rừng đều có một vị thần trị vì, là phúc thần của mỗi bản làng. Do vậy, đời sống của dân bản có mối liên hệ mật thiết tới sự tồn vong của khu rừng ấy. Ðối với người Hà Nhì, rừng là mái nhà lớn che chở cho con người, cho nên mọi hành vi xâm phạm rừng đều bị lên án và xử phạt thích đáng.

Ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé cho biết: Lý của dân tộc Hà Nhì thì hàng năm chúng tôi có cúng ở đầu bản, trong rừng. Việc cúng này là của cả cộng đồng nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước cũng như tài nguyên của tương lai dân tộc Hà Nhì. Ngày xưa chúng tôi có quan niệm chặt hạ cây to là kiêng kị. Kiêng là vì cây to và rừng đều có thần linh.

Ðể bảo vệ, chăm sóc rừng bản Tả Ló San đã họp bàn, thống nhất chia rừng thành từng khu, sau đó giao cho mỗi gia đình quản lý. Rừng thuộc sự quản lý của gia đình nào thì gia đình đó được tận dụng cây khô, củi mục; được thu hái lâm sản, chăn thả gia súc trong khu rừng của mình nhưng phải bảo đảm gia súc không làm gãy cây, phá rừng của các gia đình lân cận. Nhà nào vi phạm quy định của bản thì tùy theo mức độ sẽ bị phạt; nhẹ bị phạt bằng tiền, nặng thì bản không chia rừng để tiếp tục trông coi .
 
Còn đối với người dân bản Tả Kố Khừ, xã Sín thầu thì luôn coi rừng như báu vật. Rừng đã và đang mang lại cho họ nhiều nguồn lợi để nuôi sống gia đình, cho con cái được học hành và những điều may mắn. Những năm gần đây, đời sống của người dân trên địa bàn xã Sín Thầu nói chung bản Tả Kố Khừ nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm còn dưới 30%. Người dân tích cực chuyển đổi giống cây trồng cho năng suất cao, đặc biệt cả bản không còn hộ gia đình nào canh tác lúa nương.

Ông Khoàng Cà Chừ, Trưởng bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: Vấn đề bảo vệ rừng của chúng tôi hiện nay rất thuận lợi, Đảng, Nhà nước giao hay không thì trách nhiệm bảo vệ rừng chúng tôi vẫn thực hiện từ ngày xưa. Bây giờ nhân dân được hưởng lợi nhiều từ rừng thì càng ý thức trách nhiệm hơn; quản lí để phòng cháy chữa cháy; hàng tháng thì luôn luôn phải đi tuần tra để bảo vệ rừng.

Do đặc thù địa lý, hầu hết đường biên giới qua xã Sín Thầu nằm gọn trong những cánh rừng nguyên sinh. Vì vậy, với người Hà Nhì tại xã Sín Thầu, việc bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sự bình yên trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Trung Quốc.

Ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của sự vẹn toàn đường biên mốc giới, nhiều năm qua, 100% số gia đình người Hà Nhì ở xã Sín Thầu tự nguyện đăng ký bảo vệ rừng gắn với bảo vệ đường biên cột mốc. Định kỳ, bà con luân phiên tuần tra, bảo vệ rừng; mỗi năm vào mùa khô họ lại cùng nhau phát đường băng cản lửa trong các cánh rừng.

1
Bản Tả Ló San đã họp bàn, thống nhất chia rừng thành từng khu, sau đó giao cho mỗi gia đình quản lý

 

Trao đổi với chúng tôi về cách thức bảo vệ rừng của người Hà Nhì, ông Lỳ Á Thành, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu cho biết: Một phần do tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, một phần vì nhận thấy lợi ích rừng đem lại, cho nên công tác bảo vệ, chăm sóc rừng ở Sín Thầu thuận lợi hơn.
 
Sín Thầu là xã có độ che phủ rừng cao nhất của huyện Mường Nhé với tỷ lệ trên 66%. Để bảo vệ rừng, bà con các bản đã thành lập các tổ bảo vệ rừng và hoạt động trên hương ước đã được xây dựng, ban hành từ trước. Theo đó, mỗi bản thành lập từ 2 – 3 tổ, do trưởng bản đứng đầu và giao nhiệm vụ cho từng tổ viên trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Vào đầu mùa khô, trưởng bản thường tổ chức các buổi họp bản để các hộ dân ký cam kết bảo vệ, giữ rừng, không phát rừng làm nương rẫy. Với diện tích nương cũ, khi muốn đốt nương chủ nương phải báo với trưởng bản để cử người đi kiểm tra, kịp thời dập lửa khi có dấu hiệu lan sang rừng.

Vì vậy, nhiều năm nay xã Sín Thầu đã hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng do làm nương rẫy. Việc chăn nuôi đại gia súc đã được người dân các bản quy hoạch từng khu, vùng, nếu ai vi phạm thả trâu, bò vào rừng bị tố giác sẽ bị bản phạt hành chính theo quy định của bản.
 
Toàn huyện Mường Nhé có hơn 72.100 ha đất có rừng thuộc địa bàn 11 xã. Diện tích rừng và đất rừng lớn song chỉ một số xã có nhiều đồng bào Hà Nhì sinh sống như: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn còn nhiều rừng nguyên sinh. Trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc, giữ rừng, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện luôn lấy tấm gương giữ rừng của cộng đồng người Hà Nhì để đồng bào các dân tộc khác học tập, làm theo. Coi rừng như “báu vật”, người Hà Nhì ở Mường Nhé luôn ý thức, giữ rừng là bảo vệ cuộc sống của thế hệ hôm nay và mai sau./.

 

 

Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN

.