Con đường kéo pháo huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Chủ Nhật, 28/04/2019, 15:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - “Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi; Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”. Những ca từ bất hủ ấy trong bài hát Hò kéo pháo của nhạc sỹ Hoàng Vân, đã phần nào tái hiện những gian khó của quân đội ta, khi kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 65 năm trước. Giờ đây, con đường kéo pháo năm xưa, đã trở thành con đường huyền thoại.

Đèo Pha Đin, chính là điểm khởi đầu gian nan nhất của hành trình kéo pháo bằng sức người của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Bắt đầu từ đây, qua nhiều đèo, dốc, vực sâu, núi cao kéo pháo vào trận địa,  để những viên đạn pháo rời nòng súng, hướng tới cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, Hầm De Castries

1
Kéo pháo vào tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là một kỳ tích của quân và dân ta. ảnh KT

 

Ông Nguyễn Văn Thẩm, Cựu chiến binh ĐBP cho biết: Trèo rừng lội suối đi đâu chúng tôi cũng đi, trinh sát dẫn đến đâu là chúng tôi tiến tới đó, đến bờ đến biên là phải bố chí trận địa và chỉ huy đánh ở đâu là đánh ở đó, lúc đó anh em chỉ biết là quyết tâm đánh thắng chứ cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài quyết thắng.

Trên tuyến đường kéo pháo chưa từng có trên thế giới ấy, có một quãng đường đặc biệt, hoàn thành chỉ trong 20 giờ, với chiều dài 15km, chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, Bản Ngịu, nay thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên.

1
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thẩm kể lại những kỷ niệm của ông khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

 

Trên đoạn đường ấy, bộ đội ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn hoàn toàn bằng sức người, vượt qua dốc núi cheo leo, đèo cao hiểm trở, vực sâu và máy bay địch gầm rít trên đầu.

Và tấm gương hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện, đã anh dũng hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực, là biểu trưng cho tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của những chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa.Tấm gương hi sinh cứu pháo của Tô Vĩnh Diện được toàn mặt trận học tập noi theo đưa pháo ra an toàn.

ÔNG Phạm Đức Cư, Cựu chiến binh ĐBP cho biết: Kết quả của chiến dịch chúng tôi đã đóng góp bắn hạ rất nhiều máy bay địch, nhưng chúng tôi hi sinh cũng không phải là ít, một đại đội bị xóa sổ, rồi anh hùng Tô Vĩnh Diện mới đôi mươi… chính bản thân tôi cũng đã bị vùi 2 lần do bom nó thả, anh em đi tìm và đào về…

Vượt qua bao khó khăn, gian khổ không kể xiết, để rồi 40 khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm vẫn kịp đồng loạt bắn cấp tập vào Trung tâm đề kháng Him Lam, trận mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ lúc 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954.

Trọng pháo 105mm lần đầu tiên xuất trận. Với sức công phá và hiệu quả đặc biệt, trọng pháo đã gây nên nhiều bất ngờ cho quân địch và mang lại những chiến thắng quan trọng trong những trận đánh quyết định của chiến dịch Điện Biên Phủ.

1
Những khẩu pháo tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đang để trưng bày tại Bảo tàng chiếm thắng Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên

 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ pháo 105mm lần đầu được xuất trận, vũ khí hạng nặng mặt đất đầu tiên mà quân đội ta sử dụng trong chiến tranh. Quyết định đưa trọng pháo vào chiến dịch cũng là một quyết định táo bạo. Bởi con đường lên Điện Biên Phủ gian nan, vận chuyển hậu cần đã khó, đối với một loại vũ khí nặng hơn 2 tấn lại càng khó hơn. Xong với quyết tâm dành thắng lợi, quân đội ta đã khắc phục mọi khó khăn để đưa pháo vào trận địa.    

Con đường kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đã trở thành con đường huyền thoại. Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20 km về hướng Bắc, nơi đây dựng một cụm tượng đài vinh danh bộ đội pháo binh trên triền đồi Bó Hôm năm nào. Đó cũng là những việc làm tri ân của các thế hệ con cháu hôm nay và mãi ngàn đời sau, bày tỏ lòng biết ơn tới thế hạ cha ông đã anh dũng hy sinh vì độc lập - tự do cho dân tộc./.
 

 

 

Bùi Quang - Đức Trung/DIENBIENTV.VN

.