Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Cống

Chủ Nhật, 10/03/2019, 15:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng gần 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu sinh sống chủ yếu tại bốn bản thuộc ba xã của ba huyện, gồm: bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Huổi Moi, bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên. Sau 6 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi.

Nếu như trước đây người dân tộc Cống trong bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé chỉ biết lên rừng lấy cây măng, củ sắn, phá rừng làm nương trồng cấy theo kiểu tự nhiên, đến cuối vụ thu thóc, ngô thu về cũng không đủ ăn, cuộc sống nghèo đói cứ đeo bám quanh năm. Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, giờ đây người dân trong bản đã có sự thay đổi.

1
Một góc bản bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé

 

Gia đình bà Lùng Thị So cũng như nhiều gia đình trong bản, trong xã được Nhà nước hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đã biết làm chuồng nuôi nhốt đàn gia súc, gia cầm, từng bước biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, năng suất sản lượng cây trồng vật nuôi tăng lên. Cuộc sống từ đó đã có nhiều thay đổi, không còn thiếu ăn như trước nữa.

Trong cái nắng nóng đầu mùa hè, già làng Mào Văn Pản, người có uy tín ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ kể: Lúc mới định cư tại bản này, cuộc sống của người dân chỉ dựa vào thiên nhiên là chính, sản xuất manh mún, cuộc sống đã khó lại càng khó hơn.

Dịch bệnh, mất mùa xảy ra triền miên khiến cuộc sống của bà con  trong vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo. Qua rồi một thời gian khó, với sự chung tay góp sức của Đảng và Nhà nước, cộng đồng các dân tộc anh em kề bên sát cánh đã mang đến cuộc sống ấm no đủ đầy hơn cho đồng bào dân tộc Cống.

Nhờ những Chương trình 134/CP, Chương trình 135/CP, đặc biệt là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống, tỉnh Điện Biên” đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi; hạ tầng giao thông nông thôn; đưa điện lưới quốc gia về bản, hỗ trợ bà con làm nhà ở... tạo tiền đề vững chắc giúp kinh tế Lả Chà có bước chuyển mình rõ rệt.

1
Sự đổi thay toàn diện về đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh

 

Ông Mào Văn Pản, Bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ cho biết: "Người dân tộc Cống chúng tôi trước đây cuộc sống khó khăn lắm, gạo không đủ ăn, người dân đói nghèo cơ cực. Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chương trình, dự án giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nên người dân tộc Cống chúng tôi đã khá giả hơn trước nhiều rồi."

Năm 2012, Tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên" giai đoạn 2011 – 2020. Từ nguồn hỗ trợ của Đề án, đã lồng ghép với nhiều nguồn vốn khác để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh làm đường giao thông, cầu treo thôn bản, công trình nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi để phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ xóa mù và tiếng phổ thông; Hỗ trợ khôi phục và truyền bá văn hóa dân tộc.

Theo đó, tổng kinh phí vốn giao để thực hiện Đề án giai đoạn 2013 – 2017 là gần 7,5 tỷ đồng. Một trong những hạng mục hỗ trợ được ví là chiếc “cần câu” đắc lực giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, đó chính là hạng mục hỗ trợ người dân đảm bảo các điều kiện để phát triển sản xuất.

Trong đó, hỗ trợ mua giống vật tư, vật nuôi, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật, tham quan học hỏi kinh nghiệm giúp vùng đồng bào dân tộc Cống có điều kiện cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong 6 năm qua trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân với các gói hỗ trợ: Cấp cơ số thuốc cho tủ thuốc thôn bản, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, trợ cấp cho phụ nữ mang thai và sau sinh, hỗ trợ nhân viên y tế thôn bản.

Qua đó, đã giúp cho đồng bào dân tộc Cống, có điều kiện khám, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Công tác giáo dục và đào tạo đối với con em dân tộc Cống cũng được chú trọng, hệ thống giáo dục vùng thụ hưởng Đề án được củng cố và phát triển.

1
Từ nguồn hỗ trợ Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên" giai đoạn 2011 – 2020 đã xây dựng đường giao thông, cầu treo thôn bản...tạo điều kiện thuận lợi cho vùng bà con dân tộc Cống phát triển

 

Cùng với đó, việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần được phát huy, cụ thể trong 5 năm qua Tỉnh đã hỗ trợ trang bị nhà sinh hoạt cộng đồng cho 4/5 bản; hỗ trợ cho gần 200 hộ mua radio, sản xuất các nhạc cụ truyền thống, trang phục dân tộc, đặc biệt, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Cống khôi phục và truyền bá văn hóa dân tộc cũng như phục dựng các lễ hội truyền thống. Bản làng dân tộc Cống đang đổi thay từng ngày. Sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đã tạo cơ sở để người dân có thêm động lực vươn lên từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo.
 
Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống” đã thực sự mang luồng gió mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh cơ bản được nâng lên, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 80 %, năm 2012 xuống còn 50 % năm 2018; nhận thức, trình độ sản xuất, phong tục tập quán đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đại đa số đồng bào được tiếp cận cơ bản các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; ý thức sản xuất, lao động của người dân cũng dần chuyển biến tích cực tạo sự đổi thay toàn diện về đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh./.

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.