Điện Biên

Nỗ lực xoá "điểm đen" tai nạn giao thông

Thứ Hai, 14/01/2019, 10:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Là địa bàn vùng cao, hầu hết các tuyến giao thông nối đến trung tâm tỉnh ta đều có độ dốc lớn, góc cua gấp, khuất, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, trên tuyến Quốc lộ 12, Quốc lộ 279 thuộc địa phận các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Mường Chà và khu vực TP. Ðiện Biên Phủ đã hình thành các điểm thường xuyên xảy ra TNGT với số vụ, số người chết và bị thương cao, là các “điểm đen” giao thông cần tập trung các giải pháp để xóa bỏ.

Nhằm xóa “điểm đen” tai nạn giao thông trên các tuyến đường, một mặt các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cắm các biển cảnh báo “khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông”. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tích cực tham mưu các phương án như: Kẻ vạch ranh giới, lắp đặt đèn vàng cảnh báo nguy hiểm, làm gờ giảm tốc.v.v... để đảm bảo an toàn giao thông.

1
Tại Km179 đến 181 trên Quốc lộ 12 qua bản Cò Chạy, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên là một trong những điểm xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trong những năm qua

 

Hàng năm, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp Sở Giao thông - Vận tải xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí triển khai xóa bỏ các “điểm đen” giao thông. Ðiển hình như vị trí cầu Búng Lao, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng được xác định là “điểm đen” TNGT. Sau khi khảo sát và đề nghị cơ quan chuyên môn kẻ gờ giảm tốc, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông; thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là lỗi vi phạm tốc độ của các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe khách.

Ðến nay, “điểm đen” này đã được xóa bỏ. Bên cạnh một số điểm đã xóa bỏ, hiện nay vẫn còn nhiều điểm chỉ mới khắc phục tạm thời vì nguồn kinh phí hạn hẹp. Hiện nay, cơ quan chức năng xác định trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Điện Biên có 8 “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao, cùng 24 điểm tiềm ẩn nguy cơ về TNGT rải đều trên cả 4 tuyến Quốc lộ: 279, Quốc lộ 6, Quốc lọ 12 và 4H. Do địa hình bị chia cắt phức tạp nên hệ thống giao thông trong tỉnh có nhiều điểm cua, cong, dốc bị che khuất tầm nhìn, tạo các “điểm đen” TNGT. Một số điểm được tạo thành do bố trí giao thông bất hợp lý ảnh hưởng lớn đến an toàn của người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Thượng tá Trần Văn Vang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Sở giao thông vận tải, Quản lý đường bộ, Ban ATGT cũng các cơ quan chức năng đi kiểm tra các điểm thường xuyên xẩy ra tai nạn giao thông, những điểm bất hợp lý trog công tác đảm bảo ATGT, nhưng nơi hay xẩy ra ùn tắc và tai nạn giao thông, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp khắc phục. Những điểm đã được khảo sát, kiến nghị thì cơ quan chức năng đã tiến hành sử lý các điểm đen, hiện nay các điểm đó đã thuận lợi, đảm bảo ATGT, song cũng còn một số điểm chưa được khắc phục kịp thời vì vậy vẫn còn những tiềm ẩn TNGT.

Ðể giải quyết các “điểm đen” này, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ cùng với các phòng, ban chuyên môn của Sở Giao thông Vận tải tiến hành khảo sát và xây dựng các phương án xử lý. Tại những vị trí đường cong khuất tầm nhìn bố trí gương cầu, kẻ vạch cưỡng bức tốc độ; cắm biển giới hạn tốc độ, biển cảnh báo đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn.

Ðây là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm hạn chế TNGT trên địa bàn. Tại Km179 đến 181 trên Quốc lộ 12 qua bản Cò Chạy, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên là một trong những điểm xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trong những năm qua. Ðây là đoạn đường khá hẹp, độ dốc lớn và nhiều cua gấp, khuất tầm nhìn nên các phương tiện đi tốc độ cao khi vào đoạn đường này thường giảm tốc độ đột ngột, phanh gấp, đi lấn làn đường dễ gây TNGT.

Thời gian qua, tuy hệ thống an toàn giao thông như cọc tiêu, biển báo hiệu, hệ thống hộ lan trên tuyến đã được đầu tư, nhưng vẫn liên tục xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Trong năm 2018, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ cho phép xử lý điểm đen với tổng mức trên 17 tỷ đồng thực hiện cắt cua, mở rộng tầm nhìn, kết hợp xây dựng hộ lan hai bên đường và làm gờ giảm tốc.

Ông Đỗ Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Việc xử lý điểm đen này rất hiệu quả, tuyến đường đã rút ngắn đi được khoảng 500m đường, các yếu tố bán kinh đường cong tăng lên rõ rệt, vận tốc xe lưu thông trên đèo được tăng lên đáng kể, giảm thiểu tối đa nguy cơ TNGT mà hàng năm 2 đoạn này vẫn thường xẩy ra TNGT.

Ngoài điểm đen này, trong 2 năm 2017, 2018 chúng tôi đã xử lý được trên 80 điểm với kinh phí trên 150 tỷ đồng. Những điểm đen mà chúng tôi xử lý thì hầu như các TNGT đã không còn, tỷ lệ TNGT trên các đoạn, tuyến này cũng giảm thiểu.

1
Trong năm 2018, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ cho phép xử lý điểm đen với tổng mức trên 17 tỷ đồng thực hiện cắt cua, mở rộng tầm nhìn, kết hợp xây dựng hộ lan hai bên đường và làm gờ giảm tốc.


Bên cạnh một số điểm đã xóa bỏ, hiện nay vẫn còn nhiều điểm chỉ mới khắc phục tạm thời vì nguồn kinh phí hạn hẹp. Ðơn cử như điểm ngã tư A1, đường Võ Nguyên Giáp, TP. Ðiện Biên Phủ cũng được xác định là “điểm đen” TNGT. Khu vực này tổ chức giao thông chưa hợp lý, chưa có vạch sơn phân làn, dẫn hướng; chưa có gờ cưỡng bức tốc độ, chiều đường từ cầu A1 đến ngã tư rẽ phải quá hẹp, không có bục để tổ chức phương tiện đi theo làn đường nên dễ xảy ra TNGT.

Lực lượng cảnh sát giao thông phải trực tiếp xuống đường, phân làn, hướng dẫn người và phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông. Điểm ngã tư khu vực Trường tiểu học Hà Nội-Điện Biên Phủ và Sân vận động cũng là một điểm khá phức tạp về ATGT. Do không có vạch kẻ đường, vạch dừng đỗ đèn tín hiệu cũng như hệ thống biển báo giao thông, chính vì thế diễn  ra cảnh lộn xộn, mạnh ai nấy đi nhất là vào giờ tan tầm.
 
Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, đặc biệt tại cổng các trường học vào giờ cao điểm, tuy nhiên, việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông tại những khu vực trên vẫn bị xem nhẹ, làm cho những “điểm đen” về ATGT tồn tại dai dẳng gây bức xúc trong Nhân dân.

Hầu hết các điểm đen giao thông đều có tầm nhìn hạn chế, bị che khuất, nhất là tại vị trí các góc của ngã ba, ngã tư; góc cua hẹp, không có hệ thống đèn chiếu sáng về ban đêm; không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các đường giao nhau với Quốc lộ tại ngã tư không đồng nhất. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, chất lượng mặt đường không đảm bảo, hệ thống biển báo, vạch sơn giải phân cách mờ có nơi không có, mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, nhiều rãnh sâu khá dài.

Đây cũng là một phần nguyên nhân dễ dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm. Để hạn chế tình trạng này, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã tăng cường lực lượng, tổ chức tuần tra khép kín địa bàn, xử lý các trường hợp vi phạm. Kịp thời điều tiết giao thông mỗi khi thời tiết xấu hoặc vào giờ cao điểm. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Luật Giao thông đường bộ đến từng phường xã, cơ quan, doanh nghiệp và trường học.

1
Điểm ngã tư khu vực Trường tiểu học Hà Nội-Điện Biên Phủ và Sân vận động cũng là một điểm khá phức tạp về ATGT


Thượng tá Trần Văn Vang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh cho biết: Phòng Cảnh sát giao thông đã tuyên truyền cho quần chúng nhân dân và người tham gia giao thông biết những điểm đen, những điểm tiềm ẩn TNGT để bà con nhân dân, đặc biệt là đội ngũ lái xe biết những điểm đó để từ đó nâng cao ya thức chấp hành và phòng tránh TNGT.

Tăng cường tuần tra, kiểm xoát, sử lý những hành vi có nguyên nhân dẫn đến TNGT như chạy quá tốc độ quy định, phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành hệ thống báo hiệu đèn, chở quá số người quy định, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông để nâng cao dăn đe, từng bước làm giảm và kiềm chế TNGT.

Mặc dù gặp khó khăn về vốn nhưng có thể thấy trong những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã quan tâm, nỗ lực trong việc xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Nhiều vị trí nguy hiểm về giao thông trên các tuyến Quốc lộ và một số tuyến đường nội tỉnh đã được xử lý đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT cần giải quyết. Khó khăn về kinh phí luôn là “bài toán” nan giải, nhưng thiết nghĩ việc bố trí vốn để giải quyết vấn đề này cần phải được ưu tiên thỏa đáng hơn, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ngoài vấn đề kinh phí đầu tư cho hạ tầng, các cấp, ngành cần quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Giải pháp rất quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng tham gia giao thông cho người dân./.

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.