Điện Biên

Nhiều công trình thủy lợi chưa phát huy hiệu quả

Chủ Nhật, 20/01/2019, 14:00 [GMT+7]

 Điện Biên TV - Nhằm khắc phục tình trạng phá rừng làm nương, hướng người dân đến canh tác lúa nước bền vững, huyện Mường Nhé đã tập trung nguồn lực phát triển các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho người dân khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước. Đây được xác định là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số công trình thủy lợi chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí có công trình tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng mà không phát huy hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 59 công trình thủy lợi, đảm bảo năng lực tưới tiêu thực tế cho hơn 1.000ha lúa ruộng, trong đó diện tích sản xuất lúa 2 vụ là gần 100ha. Khi mới thành lập, huyện có gần 300ha lúa ruộng 1 vụ, tập trung chủ yếu tại 4 xã: Mường Nhé, Mường Toong, Chung Chải, Sín Thầu; đến nay huyện có gần 1.000ha sản xuất lúa nước phân bố tại 11/11 xã.

Việc canh tác lúa nước cho sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với canh tác lúa nương và một số cây trồng trên nương khác đã góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác manh mún, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên của người dân.

1
Một số công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Mường Nhé chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí có công trình tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng mà không phát huy hiệu quả

 

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Nhằm tăng quỹ đất sản xuất cho người dân trên địa bàn, với huyện đặc thù như Mường Nhé có nhiều đồng bào di cư tự do đến, do đó chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đầu tư các danh mục công trình thủy lợi. Thực tế trong những năm qua, huyện cũng đã được đầu tư nhiều công trình thủy lợi để phục vụ tưới tiêu cho hơn 1.000 ha lúa 2 vụ. Phải nói là các công trình thủy lợi được đầu tư đã nâng quỹ đất sản xuất của người dân.

Dù đã đạt được những kết quả khá tích cực, song thời gian qua, việc đầu tư, phát triển thủy lợi trên địa bàn huyện Mường Nhé còn tồn tại một số khó khăn, bất cập. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: Chương trình 135/CP; Nghị quyết 30a..vv.. mỗi năm bình quân huyện Mường Nhé đầu tư trên 20 tỷ đồng phát triển thủy lợi. Suất đầu tư lớn, nhưng hiệu quả các công trình thủy lợi thấp, chưa tương xứng với vốn đầu tư. Cùng với đó một số công trình thời gian thi công kéo dài đã làm ảnh hưởng đến sản xuất của Nhân dân, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Điển hình là công trình thủy lợi Pờ Nhù Khồ, xã Sín Thầu được khởi công xây dựng vào cuối tháng 4 năm 2011. Sau 8 năm thi công, công trình này đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do thi công chậm trễ nên đến nay nhiều đoạn kênh dẫn đã bắt đầu xuống cấp và bị vùi lấp bởi đất đá. Bên cạnh đó, nhiều nhiều đoạn kênh dẫn nước thiết kế thấp hơn mặt ruộng nên không thể cung cấp nước cho người dân canh tác.

Ông Sừng Ván Phù, Bản Pờ Nhù Khồ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: Nhà nước đầu tư cho công trình thủy lợi xuyên qua khu ruộng của nhà tôi cũng như nhiều gia đình khác nhưng chúng tôi chưa được hưởng lợi. Năm nào công trình này cũng thi công nhưng không đâu vào đâu cả. Tôi thấy đập đầu mối làm thấp quá, nếu kéo dài lên phía trên khoảng hơn 1km nữa chắc chắn sẽ đủ nước tưới tiêu cho cánh đồng; cũng do đập đầu mối thấp nên họ hạ thấp kênh dẫn nước thấp hơn cả mặt ruộng nhà tôi nên không có nước vào ruộng.

1
Công trình thủy lợi Pờ Nhù Khồ có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng được khởi công từ năm 2011 đến nay sau 8 năm công trình vẫn chưa hoàn thành và người dân vẫn từng ngày mong nước về ruộng.

 

Công trình thủy lợi Pờ Nhù Khồ có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng và sử dụng nguồn vốn theo chương trình 120 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt – Trung. Công trình gồm một đập đầu mối, hai nhánh kênh chính, trong đó kênh tả có chiều dài hơn 3.200m, kênh hữu là gần 550m. Theo công suất thiết kế công trình cung cấp nước cho hơn 40ha lúa nước hai vụ tại hai bản Pờ Nhù Khồ và A Pa Chải. Cũng từ ngày công trình khởi công người dân hai bản Pờ Nhù Khồ và A Pa Chải nuôi niềm hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh canh tác phụ thuộc vào nguồn nước trời, để nâng cao năng suất cây trồng. Vậy mà hy vọng đó sau hơn 8 năm vẫn chỉ là hy vọng và người dân vẫn từng ngày mong nước về ruộng.

Ông Chu Khai Rèn, Trưởng bản Pờ Nhù Khồ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: Từ trước Nhân dân bản Pờ Nhù Khồ chỉ làm ruộng một vụ. Năm 2011 được Nhà nước đầu tư cho công trình thủy lợi, đến nay công trình này thi công gần xong và cũng chưa bàn giao cho Nhân dân sử dụng. Trước chúng tôi vẫn lấy nguồn nước tự nhiên về canh tác. Từ khi công trình thủy lợi thi công cũng đã làm ảnh hưởng đến một số diện tích của người dân do bị chặn mất nguồn nước tự nhiên. Nhân dân bản Pờ Nhù Khồ cũng mong muốn thủy lợi nhanh chóng có nước để cho bà con tưới tiêu làm 2 vụ lúa, giúp bà con an tâm canh tác phát triển kinh tế.

Khi chưa có công trình thủy lợi này đầu tư ở Pờ Nhù Khồ thì người dân ở đây đã có hệ thống mương phai tạm để phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng và nguồn nước cũng khá ổn định. Tuy nhiên, công trình này đầu tư để giúp cho bà con được nâng từ 1 vụ lên 2 vụ nhưng do công trình kéo dài trong suốt 8 năm chưa hoàn thành nên đã làm lấp mương phai tạm của họ khiến họ không khắc phục được. Điều đó đồng nghĩa với bằng đấy thời gian bà con không có nước tưới trong mỗi mùa vụ.

Theo ông Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị là chủ đầu tư công trình thủy lợi Pờ Nhù Khồ cho biết nguyên nhân dẫn đến công trình thủy lợi này chậm tiến độ là: Do công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho thi công công trình cũng còn nhiều vướng mắc, phức tạp, kéo dài nhiều năm; các chính sách Nhà nước về đất đai, tài sản, hoa màu thay đổi theo từng năm, từ đó công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc thi công của công trình. Cũng theo ông Kiên, năng lực nhà thầu yếu cũng là nguyên nhân dẫn đến công trình chậm trễ trong thi công.

1
Nhiều diện tích ruộng của nhân dân vẫn đang thiếu nước để sản xuất

 
Như vậy, theo đại diện chủ đầu tư, nguyên nhân chính khiến việc thi công kéo dài là: Vốn đầu tư nhỏ giọt. Bởi vậy, sau 4 năm tạm dừng thi công, đến nay, đoạn kênh dẫn bê tông cuối cùng này của công trình thủy lợi Pờ Nhù Khồ mới được tiếp tục xây dựng và vừa hoàn thành cách đây không lâu. Theo thiết kế, công trình vẫn còn 700 mét đường ống dẫn nước nữa mới hoàn thành toàn tuyến với tổng chiều dài 4 km. Nhưng việc thi công 700 mét đường ống, hiện lại bị tạm dừng không rõ lí do.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, từ khi thành lập đến nay huyện Mường Nhé đã được đầu tư không dưới 200 tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi nhưng hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài chưa tương xứng. Có thể nhận diện một số công trình như: Thủy lợi Nậm Pố, xã Mường Nhé, có công suất thiết kế tưới 180ha lúa vụ mùa và 60ha lúa vụ chiêm, nhưng cũng chỉ tưới cho gần 14ha lúa 2 vụ; thủy lợi Nậm Xả, bản Mường Toong 1,2 - xã Mường Toong có năng lực tưới cho hơn 70ha nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu tưới cho khoảng 1/2 diện tích này

1
Mường Nhé đã được đầu tư không dưới 200 tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi nhưng hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài chưa tương xứng, nhiều công trình không phát huy hiệu quả cao trong việc cung cấp nước cho sản xuất

 

Thủy lợi Nậm San hiện nay năng lực tưới chỉ đáp ứng khoảng 1/10 công suất thiết kế và nhiều công trình chỉ đáp ứng dưới 50% công suất thiết kế. Bên cạnh đó, một số công trình khác như: Thủy lợi Huổi Đeng Tở, xã Mường Nhé; thủy lợi Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn; Huổi Pinh, xã Mường Toong..vv.. do tiến trình khai thác sản xuất của người dân có sự thay đổi về vị trí canh tác nên cần nối dài các tuyến kênh nhằm đảm bảo nguồn nước cung ứng đến nhưng đến nay chưa thể thực hiện.
 
Một số công trình thủy lợi chưa phát huy được hiệu quả, bên cạnh những nguyên nhân khách quan do địa hình chia cắt bởi nhiều núi cao, vực sâu; phần lớn các bãi tưới có diện tích nhỏ, hẹp; địa chất thiếu ổn định, thường xảy ra lũ bùn, lũ quét, sụt sạt trong mùa mưa thì những nguyên nhân chủ quan cũng đã và đang ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả các công trình thủy lợi. Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết thêm: Một số công trình thủy lợi có chất lượng thi công chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, yếu tố này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuổi thọ và khả năng tưới của công trình.
 
Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song con số đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi nhưng hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế- xã hội ở một huyện biên giới Mường Nhé còn nhiều khó khăn ./.

 

 

Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN

.