Điện Biên Đông đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thứ Tư, 16/01/2019, 14:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những vấn đề được huyện Điện Biên Đông quan tâm, triển khai. Thông qua các lớp dạy nghề đã góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc học nghề, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với các nghề nông nghiệp, huyện cũng hướng người dân học các nghề phi nông nghiệp, nâng cao trình độ tay nghề để đáp ứng tiêu chuẩn đi lao động tại các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động. Từ đó, tăng tỷ lệ lao động có việc làm góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Gia đình anh Lầu A Thái ở xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông là một trong những hộ phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò sinh sản. Trước đây, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình anh chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, đàn bò thường chỉ duy trì từ 2 - 3 con. Do khó khăn về nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, không chủ động được nguồn thức ăn nên gia đình không mở rộng được quy mô chăn nuôi.

1
anh Lầu A Thái ở xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông là một trong những hộ phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò sinh sản

 

Sau đó, từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội anh đầu tư mua thêm bò giống. Cùng với đó, anh tham gia các lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc. Nhờ đó, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt, cách tổ chức sản xuất, chăn nuôi của gia đình anh Thái cũng thay đổi. Hiện đàn bò của gia đình anh đã tăng lên trên 30 con và mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Anh Lầu A Thái - xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng nuôi bò nhưng nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế không hiệu quả. Sau đi học hỏi anh em, bạn bè tôi đã mở rộng phát triển trang trại, làm chuồng trại, tiến hành trồng cỏ tại chỗ để cho bò ăn, việc chăn thả cũng đỡ hơn trước vì mình có sẵn nguồn thức ăn, trước thì chỉ chăn thả rông rất khó vì dân đông nên đất chăn thả không có nhiều nữa.

Không riêng gì anh Thái, trong những năm qua, hàng nghìn lao động nông thôn trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã được tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Trong đó, đại đa số người dân tham gia các lớp dạy nghề nông nghiệp như: Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, kỹ thuật trồng quản lý dịch hại cho cây ngô.v.v. Các nghề phi nông nghiệp như xây dựng, hàn xì, sửa xe máy nhu cầu học ít hơn.

Trong năm 2018, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 400 lao động chỉ đạt gần 60% kế hoạch tỉnh và huyện giao. Đây không chỉ là thực trạng của riêng huyện Điện Biên Đông mà là tình trạng chung của nhiều huyện thị khác trong công tác đào tạo nghề. Nguồn kinh phí hạn hẹp, người dân không mặn mà, việc tuyển sinh khó khăn là những nguyên nhân được nhắc đến để lý giải cho tỷ lệ đào tạo nghề đạt thấp so với kế hoạch được giao.

Trước tình hình trên, huyện Điện Biên Đông một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia đăng ký các lớp đào tạo nghề, mặt khác tích cực điều tra, khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để tổ chức các lớp đào tạo với ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng dạy nghề, giải quyết việc làm sau đào tạo.

Ông Bùi Xuân Thức - Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội - huyện Điện Biên Đông cho biết: Những năm gần đây công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện không chú trọng số lượng mà quan tâm đến chất lượng sau đào tạo. Do vậy, hàng năm trên cơ sở nhu cầu đăng ký học nghề của người lao động, huyện đưa ra những ngành nghề phù hợp gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế như hỗ trợ chăn nuôi, giao đất giao rừng để phát huy thế mạnh của địa phương. Trong thời gian tới, gắn với xây dựng nông thôn mới, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huyện cũng sẽ đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn lao động trong thực tế chứ huyện không tiến hành đào tạo ồ ạt nữa.

1
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm không chỉ giúp huyện Điện Biên Đông nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế các tệ nạn xã hội mà còn góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo tại địa phương

 

Với chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động, trong thời gian qua, huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo Trung tâm dạy nghề huyện nay là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chủ động triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo đó, các lớp đào tạo nghề, nhất là nghề nông nghiệp được triển khai ngay tại thôn bản nơi người dân đăng ký học nghề. Đồng thời, với phương pháp cầm tay, chỉ việc, đào tạo gắn với các mô hình sản xuất trong thực tế đã phát huy tối đa hiệu quả của việc truyền dạy, chuyển giao kiến thức, khoa học kỹ thuật. Thực tế cho thấy, điểm đáng ghi nhận của các lớp đào tạo nghề nhất là các nghề nông nghiệp, người dân đã tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Những mô hình trồng nấm, chăn nuôi gia súc, lợn thịt, nuôi gà, ngan, vịt giống mới xuất hiện ngày càng nhiều. Từ đó, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm qua, huyện Điện Biên Đông đã giảm được hơn 570 hộ nghèo tương đương trên 5% so với năm 2017, thu nhập bình quân đầu người/ năm tăng so với những năm trước.  
 
Song song với đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn cũng được huyện Điện Biên Đông quan tâm, chú trọng. Bởi trong bối cảnh nhu cầu lao động phục vụ trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp không còn đòi hỏi nhiều như trước trong khi nguồn lực lao động trên địa bàn huyện dồi dào việc giải quyết việc làm cho lực lượng lao động dôi dư, nhàn rỗi là bài toán không dễ có lời giải.

Chính bởi vậy, bên cạnh việc định hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ gắn với các nghề đã đào tạo, huyện Điện Biên Đông tích cực tìm kiếm, kết nối, tổ chức đưa lao động địa phương đi làm việc tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động đi các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Thực tế, trong giai đoạn trước đây, việc giải quyết việc làm cho người lao động ngoài lĩnh vực nông nghiệp của huyện gặp rất nhiều khó khăn do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn ít, quy mô nhỏ, nhu cầu tuyển dụng lao động không nhiều nếu có tuyển cũng chỉ mang tính chất thời vụ.

Việc vận động, tổ chức cho người lao động đi làm ăn xa còn khó khăn hơn gấp bội do tâm lý đồng bào dân tộc không muốn xa nhà, việc học tiếng nước ngoài, trình độ tay nghề hạn chế. Để tạo bước đột phá trong công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động huyện đã thực hiện nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động; nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề; hướng người lao động vào những nghề thông dụng mà các thị trường lao động đang có nhu cầu cao; hỗ trợ tiền vé xe đi lại, xây dựng kế hoạch tổ chức đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh.v.v...

Kết quả, trong năm 2018, huyện đã giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 610 lao động đạt 130% kế hoạch tỉnh và huyện giao. Tổng số người đi làm việc ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp là trên 1300 lao động trong đó đi có tổ chức là trên 260 lao động đạt 220% theo Nghị quyết HĐND huyện giao từ đầu năm. Toàn huyện có 33 người đăng ký xuất khẩu lao động trong đó đã có 11 người xuất cảnh, tăng 3 người so với năm 2017, đạt 50% kế hoạch giao.
 
Rõ ràng việc đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Không những thế, những lao động này sau khi trở về sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, có tay nghề cao hơn hẳn và sẽ trở thành những nhân tố tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương.

Với đặc thù của huyện vùng cao còn nhiều khó khăn việc thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm không chỉ giúp huyện Điện Biên Đông nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế các tệ nạn xã hội mà còn góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bởi vậy, trong thời gian tới, huyện Điện Biên Đông cần chú trọng hơn nữa tới việc khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn.

Từ đó có kế hoạch xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Quan tâm đến việc giải quyết, tạo công ăn việc làm tại chỗ, đồng thời đẩy mạnh công tác kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động./.

 

 

Chu Linh/DIENBIENTV.VN

.