Nhiều tài khoản facebook công khai quảng cáo bán tiền giả, vũ khí

Thứ Sáu, 14/12/2018, 16:35 [GMT+7]

MXH đang bị lợi dụng để truyền bá những thông tin xấu độc, những phát ngôn thù ghét, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục, nền tảng văn hóa...

Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) nhằm phát triển MXH lành mạnh, an toàn, có ích cho người sử dụng, thúc đẩy tác động tích cực của MXH cho xã hội, tổ chức, cá nhân. Điều này cũng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đồng tình, ủng hộ.

Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook nói riêng và có khoảng 55 triệu người dùng MXH nói chung. Với số lượng người sử dụng MXH chiếm khoảng 57% dân số, cho thấy MXH đang trở thành một môi trường quan trọng trong việc cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực.

x
Mục tiêu của Bộ Quy tắc ứng xử này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cung cấp và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.


Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, hiện nay, người sử dụng MXH có thể dễ dàng chia sẻ tình cảm, tương tác với bạn bè, cộng đồng, đăng tải các quan điểm cá nhân…Tuy nhiên, MXH đang bị lợi dụng để truyền bá những thông tin xấu độc, cùng với những tin tức giả mạo, những phát ngôn thù ghét, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục, nền tảng văn hoá, đạo đức, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân…Vì vậy, việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử MXH là một yêu cầu cấp thiết.

“Nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên MXH nhằm phát triển MXH lành mạnh, an toàn, có ích cho người sử dụng, thúc đẩy tác động tích cực của MXH cho xã hội, tổ chức, cá nhân; đồng thời hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của MXH, ngăn ngừa có hiệu quả mặt trái, trong đó có việc hạn chế lan truyền những thông tin xấu độc trên mạng. Bên cạnh các quy định của pháp luật, cần có một thể chế mềm, để bổ sung cho các khung khổ pháp lý của Nhà nước. Do vậy, việc ban hành một Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trên MXH là rất cần thiết trong tình hình hiện nay”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho khoảng 400 MXH hoạt động tại Việt Nam, với một số MXH có nhiều người sử dụng, như Facebook, Youtube – Google, Zalo, Tik Tok… Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: Hiện có rất nhiều tài khoản Facebook bất chấp quy định pháp luật của nước ta, quảng cáo bán nhiều loại tiền giả, vũ khí, động vật hoang dã, đăng thông tin không chính xác…

Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bất cứ nội dung quảng cáo nào cũng được quảng cáo trên Facebook, theo kiểu là mua quảng cáo, thì cũng được đăng tải.

Đơn vị đã làm việc với các cấp lãnh đạo của Facebook, để yêu cầu họ phải gỡ bỏ những tài khoản phục vụ cho những mục đích sai trái như thế. Họ cũng đã gỡ, nhưng chưa được nhiều như các yêu cầu. Bởi vì các tài khoản sai trái đó lại núp dưới danh nghĩa là các tài khoản cá nhân, chưa kể là mức chế tài xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe.

“Chẳng hạn, một người người phát tán nội dung phản động bằng tờ rơi như kiểu truyền đơn, thì có thể bị đi tù từ 15 đến 20 năm, nhưng khi làm như vậy trên môi trường mạng, tác động đến hàng triệu người, thì cũng chưa có giải pháp và biện pháp nghiêm khắc để xử phạt, nên hiện tượng này đang tồn tại khá nhiều”, ông Lê Quang Tự Do cho hay.

Công tác quản lý MXH dựa trên những quy định cụ thể trong các Nghị định và Thông tư về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet, thông tin trên mạng. Ngoài ra, các hành vi phát ngôn bôi nhọ, nói xấu, phỉ báng tổ chức hoặc cá nhân cũng được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật khác như: Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo…

Cụ thể như, theo điều 155, Bộ Luật Hình sự thì “Trong trường hợp mục đích của người phát tán ảnh, clip sex nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tính, danh dự của người trong ảnh, clip đó, thì đối tượng thực hiện hành vi có thể bị khởi tố về tội làm nhục người khác”.

Theo Điều 253, Bộ Luật Hình sự, người truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà đối tượng phát tán các hình ảnh, clip nhạy cảm có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Thế nhưng, dù đã có những quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý Nhà nước về các hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ, song vẫn chưa thể loại trừ hết các thông tin xấu độc, vẫn chưa thể hạn chế hoàn toàn mặt trái của MXH.

Nên chăng, Bộ quy tắc ứng xử trên MXH sẽ chủ động đặt vấn đề đạo đức của người sử dụng lên hàng đầu, mỗi cá nhân đừng hành động như “anh hùng bàn phím”, đừng khiến mạng xã hội trở thành nơi phỉ báng, bôi nhọ người khác, thậm chí dẫn đến những trường hợp tự tử vì bị đăng clip riêng tư lên đó.

 “Để Bộ quy tắc đi vào đời sống, tôi mong muốn chúng ta cần có phương pháp tổ chức chiến dịch truyền thông cụ thể, rõ ràng và phù hợp, đánh đúng tâm lý, cảm xúc, điều chỉnh hành vi ở trên MXH. Hình thành những thói quen, hình thành những cái suy nghĩ là bản thân mỗi người không làm điều ảnh hướng đến người khác, không làm điều bất lợi, tiêu cực cho xã hội”, ông Nguyễn Hải Nam, Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh phân tích.

Như vậy, Bộ quy tắc ứng xử MXH khi được ban hành  sẽ chỉ có thể tạo nên một môi trường mạng lành mạnh, an toàn nếu như mỗi người sử dụng tự hình thành những thói quen tốt, chủ động giữ gìn các giá trị đạo đức trên môi trường mạng. Có như vậy, Việt Nam sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên MXH phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế và hoàn toàn khả thi./.

 

Theo Mai Hạnh/VOV

.