Điện Biên

Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ Hai, 31/12/2018, 10:37 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Điện Biên được ghi nhận phong phú, với nhiều loại động, thực vật quý hiếm có trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Trong những năm qua, các ngành chức năng tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn các nguồn gen động thực vật đặc hữu và quý hiếm. Nghiêm cấm các hoạt động săn bắt các nguồn gen và động vật hoang dã. Phục hồi các diện tích rừng, góp phần mở rộng môi trường sống cho các loài động, thực vật hoang dã.

Tỉnh Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên gần 956.300 ha, trong đó diện tích rừng có gần 760.500 ha, chiếm khoảng 80% tổng diện tích tự nhiên; độ che phủ rừng đạt 41%. Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, các khu rừng còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn. Điện Biên có hệ sinh thái rừng gồm 950 loài thực vật, trong đó cây gỗ là 280 loài.

Hiện có 41 loài thực vật được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ của IUCN. Hệ sinh thái cây bụi, tre nứa có thành phần loài thực vật khá phong phú, với hơn 400 loài, trong đó có 3 loài quý hiếm là: Kim cang nhiều tán; kim cang petelo và hà thủ ô đỏ. Hệ sinh thái trảng cỏ có 260 loài, ở dạng thứ sinh hình thành sau cháy rừng, đốt nương rẫy hoặc đốt các trảng cỏ vào mùa khô. Bên cạnh đó, hệ động vật cũng đa dạng, với 55 loài bao gồm: 4 lớp thú, chim, bò sát và ếch, nhái. Lớp chim có gần 190 loài; lớp bò sát có gần 40 loài; lớp ếch nhái có 14 loài.

1
Tỉnh Điện Biên có gần 760.500 ha diện tích rừng tự nhiên

 

Trong những năm gần đây, dân số trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, cùng với quá trình di cư tự do đã dẫn tới tình trạng đốt, phá rừng làm nương; chuyển đổi đất rừng tự nhiên thành đất sản xuất nông nghiệp, trồng câycông nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng hồ thủy lợi, thủy điện, đã phá vỡ hệ sinh thái và sinh cảnh tự nhiên. Làm cho đa dạng sinh học bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm như: Pơ mu, thông tre, sao mặt quỷ, trầm hương và gấu, linh trưởng, niệc cổ hung.v.v... đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

Bên cạnh đó, tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán, quảng cáo, sử dụng trái phép động vật hoang dã chưa được ngăn chặn triệt để; hoạt động nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm phát triển thiếu kiểm soát; vấn đề vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức.

Thực tế trên làm suy giảm nguồn lợi động, thực vật trong thiên nhiên; phá hủy hệ sinh thái, môi trường; gây tác động tiêu cực đến quần thể các loài động vật nói chung và ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các Công ước quốc tế mà Việt Nam là tổ chức thành viên. Người dân sống tại vùng đệm khu bảo tồn phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, trình độ và nhận thức còn hạn chế nên việc tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết: Mặc dù đã phân công phân nhiệm cho các tổ công tác của xã tuy nhiên vấn đề này chưa cụ thể, chưa dõ dàng và công tác phối hợp cũng chưa được thường xuyên. Việc phát hiện các vụ việc phá rừng còn khó khăn, các vị trí phá xa và thường là các điểm khuất, ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng còn hạn chế, vẫn còn che dấu; cộng đồng phát hiện ra, nhân dân phát hiện ra song không báo cáo lại cấp có thẩm quyền, vẫn còn hiện tượng lé tránh chính vì vậy chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, sử lý.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trong những năm qua tỉnh Điện Biên đã lồng ghép công tác bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường dần được nâng lên. Diện tích rừng phần nào đã được bảo vệ, chất lượng rừng ở nhiều nơi đang tăng lên; nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị cao đã được bảo vệ, gây nuôi.

1
Tỉnh Điện Biên đề ra các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ rừng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt 9 dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố làm cơ sở để thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 đã đề ra một số mục tiêu.

Trước hết là hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên; bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường. Đồng thời, nâng cao công tác quản lý, phát triển, chăm sóc, nhân giống các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, bị suy thoái nhằm bảo tồn bền vững đa dạng sinh học và nguồn gen.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh cũng đề ra các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Trước hết là huy động nguồn ngân sách từ Trung ương, địa phương để triển khai các dự án thành phần trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Cùng với đó là triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng đệm, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
 
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cho biết: Diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh là gần 300.000 ha rừng, trong đó có 3 vùng lưu vực bào gồm: Lưu vực Sông Đà, lưu vực Sông Mã lưu vực nội tỉnh. Diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng ở từng lưu vực thì khác nhau, đối với vùng lưu vự thuộc lưu vực Sông Đà, riêng năm 2017 chúng tôi cho trả với định mức là 800.000/1 ha. Lưu vực Sông Mà và lưu vự nội tỉnh tiền chi trả dịch vụ rất thấp song năm 2018 với tiền mà Trung ương đang xây dựng kế hoạch điều phối cho tỉnh thì hy vọng lượng tiền sẽ tăng lên gấp nhiêu lần, ở 2 lưu vực song này có thể lên 400.000, với lượng tiền như vậy, hy vọng dằng người dân sẽ rất phấn hời trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách không chỉ góp phần bảo vệ rừng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn đa dang sinh học, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật; ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Từ đó nâng cao được hiệu quả bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đa dang sinh học./.

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.