Điện Biên

Lan tỏa sức mạnh đoàn kết từ các cuộc vận động

Thứ Hai, 03/12/2018, 16:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã được tỉnh Điện Biên triển khai sâu rộng, hiệu quả với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Cuộc vận động và ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần tăng cường sự đoàn kết trong Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai từ năm 2016, hướng đến việc củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững.

Để Cuộc vận động đi vào cuộc sống, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai Cuộc vận động đến các đoàn viên, hội viên ở cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động. MTTQ tỉnh Tổ chức triển khai điểm Cuộc vận động tại 2 bản của huyện Điện Biên và thị xã Mường Lay; cấp huyện tổ chức điểm tại hơn 50 khu dân cư. Đồng thời hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 5 nội dung của cuộc vận động đã đi sâu vào đời sống Nhân dân, mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Chuyển biến tích cực

1
Bản Hạ, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biêntrong ngày Đại đoàn kết

 

Bản Hạ, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên được MTTQ tỉnh triển khai thực hiện điểm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Sau một năm sơ kết, bản Hạ đã xóa được hơn 10 nhà tạm, dột nát; 25 hộ xây dựng được công trình vệ sinh; số hộ nghèo tại bản giảm từ 28 hộ đầu năm 2017 xuống còn 17 hộ.

Toàn bản Hạ đã có trên 30 hộ đạt gia đình văn hóa tăng 12 hộ so với năm 2016. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân trong bản được nâng cao thông qua việc thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường nhằm duy trì đều đặn, thường xuyên. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình chủ động đào hố thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, không vứt rác bừa bãi.
 
Tại huyện Tuần Giáo, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội được các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể từ xã, thôn, bản quan tâm triển khai thực hiện.

Nhờ đó, hủ tục dần được xóa bỏ, văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ và phát huy. Ngoài ra, hưởng ứng cuộc vận động cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, Ban công tác mặt trận khu dân cư cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, hiến công xây dựng đường nội bản, nhà văn hóa bản.

Tiêu biểu như gia đình ông: Lò Văn Vinh, bản Cuông, xã Quài Cang hiến gần 1.000m2 đất làm trường mầm non; ông Lò Văn Trung hiến hàng nghìn mét vuông đất làm nhà văn hóa bản. Cùng với đó, các mô hình tự quản ở khu dân cư đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả. Ðến nay, toàn huyện có 237 khu dân cư có mô hình “Tổ an ninh tự quản” với hơn 1.000 hòa giải viên; 104 khu dân cư có mô hình “5 không”; 154 khu dân cư có “Tổ tự quản vệ sinh môi trường”.
 
Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong 3 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã vận động Nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống. Để người nghèo có thêm động lực vươn lên, công tác chăm lo cho người nghèo ngày càng được quan tâm.

CM DDK 30-11 - Lan toa suc manh doan ket tu cac cuoc van dong.avi_snapshot_07.25_[2018.11.26_15.46.39] copy.jpg
Các tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm tham gia góp ủng hộ và xây dựng “Quỹ Vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh Điện Biên

 

 

Thông qua việc vận động, các tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm tham gia góp ủng hộ và xây dựng “Quỹ Vì người nghèo” với số tiền trên 11 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã có gần 760 căn nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng và sửa chữa. Mặt trận Tổ quốc các cấp còn tổ chức huy động các nguồn lực tổ chức thăm hỏi, động viên 20.000 hộ gia đình nghèo, khó khăn trong dịp tết Nguyên đán hàng năm.

Các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các mô hình hỗ trợ hội viên, đoàn viên xóa đói giảm nghèo như mô hình “Xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù”, Dự án “Ngân hàng bò”, hỗ trợ trâu, bò sinh sản luân chuyển cho các hộ nghèo của Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân, Hội Chữ Thập đỏ, Quỹ “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn lao động tỉnh; “Nhóm cổ phần tài chính tự quản” của Hội Liên hiệp phụ nữ đã giúp đỡ được trên 60.000 lượt hộ nghèo với số tiền gần 50 tỷ đồng.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các tầng lớp Nhân dân, sau 3 năm đã có gần 3.400 hộ gia đình thoát nghèo. Đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 15 triệu đồng/người/năm, tăng 4,9 triệu đồng so với năm 2015.
 
Đối với nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư không chỉ dừng lại ở việc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà đã huy động được đông đảo lực lượng xã hội tích cực đóng góp các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, xây dựng các điểm sinh hoạt văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ sáng tạo văn hoá của Nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 75.700 gia đình đạt gia đình văn hóa, 985 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa. Một số địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư như thành phố Điện Biên Phủ, có 95% gia đình văn hóa, 89% khu dân cư văn hóa; thị xã Mường Lay có gần 87% gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, công tác bảo vệ môi trường, phổ biến pháp luật, được MTTQ các cấp thường xuyên quan tâm và có nhiều tiến bộ đáng kể. Đến nay, đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên hơn 1.300 “Tổ tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” ở các khu dân cư; các tổ chức đoàn thể phân công quản lý, đảm bảo vệ sinh tại 366 đoạn đường nội thôn, bản, tổ dân phố.

Hơn 800 công trình nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, hố đựng và tiêu hủy rác, hầm Biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi, 65 lò đốt rác tại các xã được xây dựng. Ngoài việc nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh trong mỗi gia đình, khu dân cư, Nhân dân đã có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, Đoàn thanh niên các cấp tổ chức trồng và chăm sóc 20.00 cây xanh dọc các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.
 
Hằng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, phối hợp tổ chức các hộ gia đình ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự ở khu dân cư. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”

Đến nay trong toàn tỉnh đã xây dựng và hoạt động có hiệu quả hơn 4.000 tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần cung cấp thông tin, tình hình an ninh trật tự ở khu dân cư, phối hợp với lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được trên 1.800 tổ hòa giải với gần 11.600 hòa giải viên.

CM DDK 30-11 - Lan toa suc manh doan ket tu cac cuoc van dong.avi_snapshot_20.12_[2018.11.26_15.48.27] copy.jpg
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các tầng lớp Nhân dân, sau 3 năm đã có gần 3.400 hộ gia đình thoát nghèo

 

Bên cạnh đó, MTTQ đã huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi văn hóa – xã hội ở từng địa bàn dân cư. Vận động đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất, góp đất làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, trường học, trạm y tế..vv.. tổng giá trị trên 72 tỷ đồng. Đến nay, đã có gần 630 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa – nơi sinh hoạt cộng đồng, 52/130 xã, phường có nhà văn hóa xã; 130/130 xã, phường có đường giao thông, đảm bảo Nhân dân đi lại được các mùa trong năm.

Tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

Đối với việc tổ chức ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, trong 15 năm qua, ngày hội Đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh được tổ chức diễn ra trong không khí sôi nổi, phấn khởi và thu hút được sự tham gia của người dân. Có thể thấy, từ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên mà đến nay đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi.

Ngoài ra, thông qua việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết đã tuyên truyền, vận động các Đảng viên, hội viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo và các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.
 
Từ đầu tháng 11 hàng năm, không khí tất bật và vui tươi hiện diện trên khắp các địa phương trong tỉnh với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Ngày hội được triển khai tổ chức sâu rộng và có nhiều đổi mới cả về mặt nội dung cũng như hình thức, việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết theo hướng thiết thực, ý nghĩa, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các hộ gia đình. Ngày hội cũng đã tập trung các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khích lệ tinh thần, cósự gắn bó, đoàn kết giữa các hộ gia đình, các thành phần dân tộc với nhau. Do đó đã tạo lên không khí đầm ấm, hòa thuận của tình làng, nghĩa xóm để tiếp túc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngay từ cơ sở, cộng đồng dân cư.

1
Không khí tất bật và vui tươi hiện diện trên khắp các địa phương trong tỉnh với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

 

Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” MTTQ và các cấp đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã khẳng định được vai trò là cầu nối tin cậy của Đảng, chính quyền với quần chúng Nhân dân trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như góp phần giữ vững trật tự kỷ cương xã hội.

Với 15 năm tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; việc khen thưởng, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu trong ngày hội góp phần xây dựng lối sống tốt đẹp tại mỗi gia đình ở khu dân cư.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, tiếp tục củng cố tăng cường, mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại cơ sở, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.

Qua đó, tiếp tục động viên Nhân dân tự giác chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương. Đồng thời tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương./.

 

 

Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN

.