Nhà tạm lánh cộng đồng - Khi nạn nhân không dám lên tiếng

Thứ Tư, 28/11/2018, 14:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong khi công tác phát hiện, can thiệp và xử lý vấn đề bạo lực gia đình của các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế, mô hình nhà tạm lánh cộng đồng tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đã trở thành nơi lánh nạn cho các nạn nhân của vụ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa số các nạn nhân của vụ bạo lực gia đình vẫn cam chịu số phận, không dám lên tiếng để đòi quyền bình đẳng cho mình.

Khi những mâu thuẫn nhỏ nhặt hàng ngày không được giải quyết hoặc khi cả 2 vợ chồng không cùng chung tiếng nói, hay chỉ đơn thuần là do các tác nhân như: rượu, ghen tuông…vv… cách để giải quyết vấn đề chính là những vụ bạo lực mà nạn nhân không ai khác chính là người phụ nữ.

1
Chị Lò Thị M - xã Thanh Yên, huyện Điện, kể chuyện về những lần bị bạo lực từ gia đình mình

 

Tiếp cận với nạn nhân của vụ bạo lực gia đình, chị Lò Thị M, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên - người thường xuyên lãnh đủ mọi trận đòn từ người chồng nghiện hút. Nhiều năm qua, cứ mỗi lần không đòi được tiền để đi hút thì những trận đòn với chị M trở thành cơm bữa.

Chị Lò Thị M - xã Thanh Yên, huyện Điện Biên tâm sự: “Do là tôi không có tiền cho chồng tôi mua thuốc phiện là chồng tôi quay ra đánh cho. Cứ mỗi lần chồng tôi đòi tiền tôi không có tiền là chồng tôi lại đánh. Vừa đánh vừa đấm nhiều lúc mặt sưng tím, cả người tôi tím hết lên, tôi cũng không biết phải làm thế nào”.

Thực tế, nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra, người gây ra bạo lực cũng đến từ những người nông dân hiền lành, chất phác. Cũng chính bởi tư tưởng “xấu chàng hổ ai” rất nhiều chị em phụ nữ đã cam chịu không dám lên tiếng tố giác nên số vụ bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Việc ra đời các địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng là điều cần thiết.

Các nạn nhân khi đến với nhà tạm lánh được hỗ trợ về thức ăn, nước uống, tham vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng giải quyết căng thẳng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thành lập, nhà tạm lánh cộng đồng tại xã Thanh Yên mới chỉ tiếp cận, giúp đỡ được 3 trường hợp bị bạo hành. Nguyên nhân chính là do các nạn nhân của vụ bạo lực gia đình đều không dám lên tiếng để đòi quyền bình đẳng giới cho mình.

Các nạn nhân khi đến với nhà tạm lánh được hỗ trợ về thức ăn, nước uống, tham vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn...
Các nạn nhân khi đến với nhà tạm lánh được hỗ trợ về thức ăn, nước uống, tham vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn...

 

Chị Hoàng Thị Phương Thúy, Phó Ban chỉ đạo Nhà tạm lánh cộng đồng xã Thanh Yên, huyện Điện Biên cho biết:  “Các nạn nhân của vụ bạo lực gia đình thường có tâm lý e ngại không muốn cho ai biết chuyện gia đình. Ở thôn bản chúng tôi đã tập huấn cho tất cả cán bộ trong Ban công tác mặt trận thôn bản, khi nạn nhân bị bạo lực sẽ đến tạm lánh tại nhà trưởng thôn bản . Đồng thời trưởng thôn bản sẽ thông báo với Ban chỉ đạo của xã và Ban chỉ đạo sẽ xuống hỗ trợ nạn nhân, đưa nạn nhân xuống địa chỉ nhà tạm lánh của xã”.

Bạo lực gia đình đã khiến cho nhiều gia đình tan vỡ, ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tinh thần, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ nhỏ. Thiết nghĩ, mô hình “Nhà tạm lánh cộng đồng” chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng hơn là cần phải nâng cao nhận thức trong mỗi gia đình, trong cộng đồng và các cấp chính quyền địa phương để cùng lên án cũng như hỗ trợ, bảo vệ kịp thời cho các nạn nhân của vụ bạo lực gia đình./.
 

 

 

Hoàng Út/DIENBIENTV.VN

.