Điện Biên

Còn nhiều bất cập về môi trường ở các xã nông thôn mới

Chủ Nhật, 25/11/2018, 16:40 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân; bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp; quản lý tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý phế thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh.v.v… cũng chính là các tiêu chí nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho nông thôn. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện XDNTM, tiêu chí môi trường vẫn đang được đánh giá là tiêu chí còn nhiều bất cập với các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
 
Theo thống kê tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình XDNTM tỉnhĐiện Biên, toàn tỉnh đã có 16/116 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 21/116 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường. Đây là một trong 3 tiêu chí NTM tỉnh ta có số xã đạt thấp nhất hiện nay. Không những thế qua khảo sát thực tế ở một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, thực tế còn cho thấy dù đã được công nhận đạt về tiêu chí môi trường, nhưng các xã mới chỉ thực hiện được một vài điểm trong tiêu chí này.

Sau chặng đường nỗ lực xã Thanh Hưng huyện Điện Biên đã cùng với 7 xã khác của huyện cán đích nông thôn mới năm 2017. Để thực hiện tiêu chí môi trường, cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể xã đã tích cực vận động người dân xây dựng môi trường, cảnh quan thôn bản xanh, sạch, đẹp. Mỗi thôn bản đều có đội tự quản giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm ; vận động người dân quy hoạch nhà cửa, khu chăn nuôi hợp lý.

1
Sau nhiều năm thực hiện XDNTM, tiêu chí môi trường vẫn đang được đánh giá là tiêu chí còn nhiều bất cập với các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh

 

Xã cũng kí hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải của huyện để đưa rác thải sinh hoạt từ bể chứa rác công cộng xử lí. Tuy nhiên, xã có 20 tổ, đội dân cư mà chỉ có 2 điểm thu gom rác thải tập trung. Hai bể chứa rác thải công cộng ở hai điểm này chủ yếu chứa rác thải sinh hoạt của dân cư khu vực trung tâm xã, nhưng các bể rác vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, chất thải từ chăn nuôi của các hộ dân trên địa bàn, rác thải trên đồng ruộng vẫn chưa được hạn chế.
 
Ở xã Thanh An, huyện Điện Biên thực hiện tiêu chí môi trường, phần lớn bà con nhân dân trong xã đã có ý thức giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng khuôn viên nhà ở xanh, sạch đẹp. Xã cũng xây dựng hố rác công cộng, hàng ngày có đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt đưa đi xử lí. Trong sản xuất bà con được vận động nâng cao ý thức xây dựng mô hình sản xuất an toàn, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và giảm thiểu các hoạt động sản xuất gây hiệu ứng nhà kính. Các cơ sở chăn nuôi được vận động kí cam kết bảo vệ môi trường.
 
Nhìn vào những biện pháp trên tưởng như vấn đề môi trường ở Thanh An đã được giải quyết triệt để, nhưng khi nhìn vào nguồn nước thải cùng các nguy cơ ô nhiễm từ trang trại nuôi lợn nằm ngay giữa khu dân cư này, chúng ta có thể thấy nguồn ô nhiễm hãy còn đó, chính quyền cũng chưa có giải pháp giải quyết triệt để.

Ngay trên đường vào trụ sở UBND xã Thanh An, Hố rác công cộng của xã Thanh An ngày nào cũng có công nhân môi trường chuyển rác thải đi xử lí. Tuy nhiên, với đủ loại rác thải vứt bừa bãi xuống các lòng mương thủy lợi và các khu ruộng xung quanh, cộng với khối lượng không nhỏ loại rác thải khó xử lí bị bỏ lại, hố rác công cộng của xã đã trở thành điểm ô nhiễm cục bộ.    

Tiêu chí môi trường là tiêu chí khó trong XDNTM, nhất là ở các xã vùng cao tỉnh ta. Ở các xã vùng thấp, mật độ dân cư tập trung đông, cơ sở chăn nuôi nhiều thì không khí, nguồn nước luôn bị đe dọa bởi rác thải sinh hoạt, nước thải, chất thải chăn nuôi. Ở các xã vùng cao, do bà con dân tộc vẫn còn tập quán nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn hoặc gần ngay nhà ở, nhiều hộ gia đình chưa xây dựng được khu vệ sinh, nhà tắm đảm bảo, nên môi trường sống bị ảnh hưởng. Với các xã có công nghiệp chế biến, rác thải, chất thải từ công nghiệp chế biến chưa được xử lí xả thẳng ra môi trường cũng là một bất cập lớn.  

Xã Ảng Nưa huyện Mường Ảng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Vào thời điểm này, Ảng Nưa được đánh giá là một trong các xã thực hiện tốt tiêu chí môi trường nông thôn. Thành công của xã là đã vận động được người dân thực hiện tốt việc quy hoạch chuồng trại ra xa khuôn viên nhà ở, tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh công cộng và cảnh quan làng bản. Tuy nhiên, sau hai năm trở lại đây, điều mà chúng tôi ghi nhận được ở một số khu dân cư lại cho thấy: Ảng Nưa chưa thực sự có giải pháp quyết liệt ngăn chặn nguồn ô nhiễm do công nghiệp chế biến xả thải.

Cứ đến mùa thu hái và chế biến cà phê người dân bản Cang, Xã Ảng Nưa lại phải sống chung với mùi xú uế nồng nặc do nước thải, chất thải từ các cơ sở chế biến cà phê thải ra cống rãnh. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở các khu vực bị ô nhiễm. Hàng chục hộ gia đình ở gần cơ sở chế biến cà phê này, hàng ngày đều phải hít thở không khí ô nhiễm. Vào mùa cà phê nguồn nước ngầm cũng như ao hồ nuôi thả cá của họ đều bị ảnh hưởng. Mọi người đều bức xúc, nhưng người thì ngại va chạm, người thì ý kiến mãi tình trạng vẫn không được xử lý, nên nỗi bức xúc của họ vẫn tiếp tục tái diễn mỗi mùa thu hoạch, chế biến cà phê đến.

1
Nước thải, chất thải từ các cơ sở chế biến cà phê gây ô nhiễm môi trường

 
Xã Ảng Nưa có gần 800 ha cà phê. Riêng bản Cang và các bản Co Củ, Co Hắm của xã đã có tới gần hai chục hộ gia đình thu mua và sơ chế cà phê. Trồng và chế biến cà phê đem lại cho người dân trong xã việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, vào mùa thu hái và chế biến cà phê, các cơ sở thu gom, sơ chế cà phê trong xã thường xuyên xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và gây bức xúc cho cộng đồng dân cư. Thừa nhận thực tế này, nhưng UBND xã cho đây là nguồn ô nhiễm cục bộ và thực sự chưa có cách giải quyết triệt để.
 
Tiêu chí môi trường đã được các xã nông thôn mới tỉnh ta nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết các xã mới chỉ thực hiện được một số chỉ tiêu của tiêu chí này như: Xây dựng cảnh quan khu dân cư xanh, sạch, đẹp ; cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các hộ dân ; đảm bảo chỉ tiêu về số hộ gia đình có nhà tắm và nhà vệ sinh tự hoại.

Tuy nhiên chất thải, nước thải khu chăn nuôi hoặc nước thải, chất thải từ các cơ sở công nghiệp chế chế thì chưa được xử lí triệt để. Ô nhiễm trong canh tác nông nghiệp với việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi cũng chưa được chú ý. Đây là một số bất cập về vấn đề môi trường ở các xã nông thôn mới. Để môi trường nông thôn thực sự được cải thiện, cần có sự vào cuộc quyết liệt, có các biện pháp giải quyết triệt để của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng./.

                                                                               

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.