Tuần Giáo giảm nghèo từ nội lực

Thứ Bảy, 20/10/2018, 14:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xác định giảm nghèo nhanh và bền vững là chương trình mang tính chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nên những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo, đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng.

Sống trên khu vực vùng núi đá vôi có độ dốc lớn, khan hiếm mạch nước ngầm, mùa khô kéo dài, còn mùa mưa nguy cơ lũ lụt thường xuyên đe dọa không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên bà con nông dân xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo luôn tích cực, chủ động tìm tòi, đưa các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào phát triển.

Trước đây để sản xuất, sinh sống, nông dân Pú Nhung kết hợp làm ruộng với làm nương và chăn nuôi gia súc trên núi cao. Cần cù lao động và ham học hỏi, họ nhanh chóng biết cách trồng trọt xen canh, gối vụ, đa dạng hóa các loại cây trồng. Ngoài trồng lúa để đảm bảo lượng thực, họ còn trồng ngô, sắn, lạc, đậu tương để chăn nuôi gia súc và bán ra thị trường.

1
Người dân Pú Nhung tích cực lao động, sản xuất đời sống từng bước nâng lên. ảnh KT

 

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, những năm gần đây, nông dân Pú Nhung tiếp tục tìm tòi, học hỏi, đưa thêm một số cây trồng mới vào sản xuất để cải thiện thu nhập. Trước đây, bà con nông dân xã Pú Nhung chủ yếu trồng cây đậu tương, cây ngô và cây lúa nương. Nhờ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2010 đến nay Hội Nông dân xã Pú Nhung đã vận động bà con nông dân tìm các loại cây có giá trị cao như cây mía, cây dứa và một số cây như cây sa nhân.

Đến bây giờ tình hình đời sống nhân dân cũng khá hơn trước.  Hội cũng phối kết hợp với Ngân hàng Chính sách cho nông dân vay vốn, hỗ trợ nông dân mua các loại cây giống để mà sản xuất. Nhờ đó, hộ nghèo ở Pú Nhung đến nay giảm xuống còn 38%. Nhiều hộ gia đình vươn lên trong sản xuất, cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm.
 
Thời gian qua, mặc dù kinh tế - xã hội của huyện vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn do đặc điểm địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn dẫn đến việc lưu thông hàng hóa, phát triển dịch vụ còn hạn chế; thời tiết diễn biến bất thường; giá vật tư, phân bón tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân nhưng huyện vẫn chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên các lĩnh vực để khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu  đề ra.

Huyện đã tập trung cho lĩnh vực chủ đạo là sản xuất nông, lâm nghiệp bằng cách tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi những giống mới cho năng suất, chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ kịp thời và xây dựng các mô hình trồng trọt, thủy sản hiệu quả cao để làm mẫu.

1
Người dân bản Đề Chia A, xã Pú Nhung trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây dứa. ảnh KT

 

Huyện đã tổ chức 26 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao năng lực cho 1.300 người là cán bộ khuyến nông xã, trưởng bản và các hộ nông dân tại 19 xã, thị trấn. Xây dựng mô hình trồng 14ha bưởi da xanh tại 3 xã: Quài Nưa, Mùn Chung, Rạng Đông và 4,5ha na tại 2 xã Mùn Chung, Rạng Đông. Mở 8 lớp tập huấn kỹ thuật trồng ngô mới cho 620 lượt người tại các xã: Phình Sáng, Rạng Đông, Pú Nhung và Tỏa Tình.

Công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được ưu tiên và quan tâm hàng đầu. Hàng nghìn hộ nghèo đã được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng - vật nuôi để vươn lên thoát nghèo... Huyện cũng lồng ghép các chương trình định canh, định cư để từ đó người dân có đời sống ổn định lâu dài và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, dự án có liên quan đến giảm nghèo nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, huyện Tuần Giáo đã hỗ trợ tiền điện cho gần 10.000 hộ nghèo với kinh phí trên 3 tỷ đồng; đồng thời huyện đã thực hiện theo Quyết định 755/QĐ-TTg, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 350 hộ và mua máy móc, nông cụ cho gần 1.000 hộ trên địa bàn huyện. Qua đó, đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số biết cách làm ăn, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.
 
Trong các chính sách giảm nghèo ở Tuần Giáo, vay vốn tín dụng được đánh giá là một trong những chính sách hiệu quả, phù hợp. Hàng năm, các ngân hàng ở Tuần Giáo mà chủ yếu là Ngân hàng Chính sách - Xã hội đã giải ngân cho hàng trăm lượt hộ nghèo vay vốn để giải quyết việc làm; đầu tư chăn nuôi trâu, bò và các loại gia súc khác.

Từ năm 2012 đến nay toàn huyện có gần 30 nghìn lượt người vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, bình quân hơn 100 tỷ đồng/năm. Toàn huyện mở gần 100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt cán bộ khuyến nông và người dân; xây dựng gần 30 mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi với gần 600 hộ dân tham gia, như: mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Quài Nưa, Rạng Đông và Mùn Chung; mô hình trồng cây bơ tại xã Tỏa Tình; mô hình chăn nuôi bò bền vững ở 3 xã: Quài Nưa, Chiềng Đông, Chiềng Sinh.

1
Nhờ được hỗ trợ giống ngô lai từ chương trình 135/CP, gia đình anh Mùa Súa Hạng, bản Ten Hon, xã Tênh Phông có điều kiện vươn lên thoát nghèo. ảnh KT

 

Để các hộ nghèo sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, chính quyền các xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hút bà con tham gia các mô hình sản xuất mới bằng cách hỗ trợ giống, phân bón... Chính vì vậy, người dân đã có ý thức vươn lên giảm nghèo, tận dụng các cơ hội và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng sản xuất, biết áp dụng kỹ thuật canh tác, ứng dụng nhiều mô hình kinh tế.
 
Tuần Giáo là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, hầu hết người dân sinh sống bằng nghề nông nên huyện tập trung duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến việc đưa các giống mới năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, từ đó, bảo đảm lương thực tại chỗ cũng như xuất bán ra thị trường mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho nhân dân. Đồng thời thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững.

Đến nay, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực không ngừng tăng lên. Năm 2017, diện tích gieo trồng cây lương thực đạt hơn 13.000ha, sản lượng đạt gần 37.000 tấn. Bên cạnh đó, huyện cũng chuyển dần diện tích lúa nước 1 vụ, lúa nương kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, như: Mía, dứa, đậu xanh. Xác định chăn nuôi là ngành quan trọng, huyện duy trì tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2015 - 2017 đạt trên 4%. Ðến nay, huyện có trên 62.000 con lợn; trên 21.000 con trâu; hơn 8.000 con bò.

Trong tái cơ cấu theo vùng và phương thức chăn nuôi, vùng thấp bước đầu chuyển đổi dần từ chăn nuôi hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại và bán công nghiệp. Ðiển hình như trang trại của gia đình ông Doanh tại xã Rạng Ðông hàng năm cung cấp ra thị trường trên 2.000 con lợn; Dự án Chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo do Công ty Cổ phần Chăn nuôi Uva thực hiện với quy mô đến năm 2020 đạt 100.000 con bò.

Khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp các sản phẩm thịt bò và nguồn bò giống chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Huyện cũng khuyến khích phát triển nuôi cá nước lạnh. Ðiển hình như mô hình nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông do Công ty TNHH Sơn Hạnh đầu tư từ năm 2016 với 12 bể, tổng diện tích mặt nước khoảng 700m2 đã mang lại hiệu quả cao.

Mỗi năm, đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 100 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí thu lãi từ 2 - 2,5 tỷ đồng. Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ và phát triển rừng từng bước được nâng lên; tình trạng đốt, phá rừng làm nương giảm. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện trồng mới hơn 300ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 34,5%. Các mô hình sản xuất, như: Trồng cây dược liệu dưới tán rừng; trồng cây sơn tra... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

1
Từ nhiều nguồn vốn, đường nội bản Biếng, xã Quài Tở được bê tông hóa tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. ảnh KT

 

Huyện cũng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng giống, vật tư nông nghiệp; cơ giới hóa, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng nông thôn mới. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, nên kinh tế - xã hội trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực và đúng hướng.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu bình quân 11%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xét theo tiêu chí nghèo đa chiều là hơn 52%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm. Thu nhập bình quân đầu người hơn 20 triệu đồng/năm.
 
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phục vụ đắc lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong đó, tập trung duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến việc đưa các giống mới năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, từ đó, bảo đảm lương thực tại chỗ cũng như xuất bán ra thị trường mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho nhân dân.

Huyện xác định đến năm 2020 phấn đấu thu nhập của người dân đạt khoảng 32 triệu đồng/người/năm, 100% số xã có điện lưới quốc gia, trên 90% hộ được sử dụng điện và 100% hộ dân được xem truyền hình. Với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, những đổi thay sẽ không dừng ở đó mà đồng bào dân tộc huyện Tuần Giáo sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục giữ vững truyền thống trên quê hương cách mạng cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế, duy trì an ninh trật tự, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc./.
 

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.