Thủ tướng: Khắc phục ngay các bất cập trong thi cử, sách giáo khoa

Thứ Hai, 22/10/2018, 15:22 [GMT+7]

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục ngay các bất cập trong thi cử, sách giáo khoa phổ thông.
 
Sáng 22/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
 

1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại kỳ họp (ảnh: PV/VOV.VN)


Tạo việc làm cho trên 1,62 triệu lượt người

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đó là nước ta đã triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác người có công với cách mạng. Đã hỗ trợ cho trên 178.000 hộ theo Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công. Hồ sơ người có công tồn đọng được tập trung giải quyết; đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Tập trung thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết của Quốc hội; huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động giảm nghèo, nhất là đối với vùng có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,2 - 5,7%, giảm 1 - 1,5% (riêng các huyện nghèo giảm trên 4%).

Nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định và cải thiện đời sống. Chiến lược nhà ở quốc gia, nhà ở xã hội được tích cực thực hiện. Dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt trên 183.000  tỷ đồng (tăng 28,8% so với năm 2015). Tạo việc làm cho trên 1,62 triệu lượt người, trong đó đưa trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 3,14% (mục tiêu năm 2020 là dưới 4%). Tăng cường nghiên cứu, dự báo, kết nối cung cầu, phát triển hiệu quả hơn thị trường lao động. Tăng lương theo lộ trình; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời hỗ trợ người lao động khi có vấn đề phát sinh. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong độ tuổi lao động đạt 30,2%.

Ban hành và chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động triển khai Nghị quyết Trung ương về công tác y tế, dân số trong tình hình mới. Quan tâm phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Cơ bản khống chế được các dịch bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán; chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 26,5 giường, hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ gắn với bảo hiểm y tế toàn dân, phát triển y tế ngoài công lập; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 86,9%, vượt chỉ tiêu đề ra (85,2%). Kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, thiết lập cơ sở dữ liệu đối với trên 20.000 loại thuốc. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung chỉ đạo. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh. Giáo dục đại học, đào tạo nghề có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên. Quy mô đào tạo nghề tăng; kỹ năng nghề được cải thiện.

Việt Nam đạt kết quả cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN. Tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia, khung Chương trình khoa học công nghệ về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ban hành chính sách đặc thù phát triển một số khu công nghệ cao.

Nhiều quỹ đầu tư được thành lập; nhiều nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gọi vốn thành công. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ tăng nhanh. Thị trường khoa học công nghệ tiếp tục phát triển. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2018 tăng 02 bậc, đứng thứ 45/126 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh; ban hành Nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa. Tổ chức Hội nghị toàn quốc, chú trọng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa; có thêm 11 di tích và 29 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xếp hạng. Hoạt động lễ hội được chấn chỉnh, giảm tiêu cực, phản cảm. Chú trọng xây dựng, bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều lễ hội dân gian có giá trị được khôi phục.

Thể thao giành được nhiều thành tích ấn tượng tại các giải đấu quốc tế. Tổ chức Hội nghị toàn quốc, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Công tác dân tộc, tôn giáo, người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được chú trọng. Công tác thông tin, truyền thông đã góp phần tạo đồng thuận xã hội, niềm tin trong nhân dân. Đưa hệ thống phân tích và chia sẻ nguy cơ tấn công mạng vào hoạt động; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; điều tra, phân tích dư luận xã hội qua mạng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và bảo đảm an ninh, trật tự.
 

1
Đại biểu tham dự kỳ họp hứ 6, Quốc hội khóa XIV (ảnh: PV/VOV.VN)


Vẫn còn tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng
 
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng,  lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm.  Đó là tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bị thiên tai còn cao; nguy cơ tái nghèo lớn.

Nguồn lực thực hiện chính sách xã hội còn hạn chế; vẫn còn tình trạng trục lợi chính sách. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp. Công tác y tế nhiều mặt hạn chế; vẫn còn tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng. An ninh, an toàn bệnh viện một số nơi chưa bảo đảm. Xảy ra nhiều vụ mất an toàn thực phẩm.

Chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp chưa cao; cơ cấu chưa hợp lý. Cơ sở vật chất giáo dục đào tạo nhiều nơi chưa bảo đảm. Biên chế giáo viên thừa, thiếu cục bộ. Xảy ra sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông ở một số địa phương. Vấn đề sách giáo khoa phổ thông gây bức xúc dư luận. Ứng dụng công nghệ cao còn chậm; sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học chưa hiệu quả; phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ còn khó khăn. Còn những biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội; xảy ra nhiều vụ việc bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em. Quản lý báo chí, thông tin, nhất là trên internet còn bất cập; việc lợi dụng mạng xã hội đưa tin xấu, độc, phá hoại còn nhiều.

Phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 88%

Đề cập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%.

Về môi trường, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Chăm lo đời sống người có công, đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ thiếu thông tin. Chú trọng giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực triển khai các Nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tiền lương; phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững, không bao cấp tràn lan. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp.

Chấn chỉnh, khắc phục ngay các bất cập

Thủ tướng yêu cầu cần khắc phục hiệu quả các hạn chế, bất cập trong công tác y tế, giáo dục đào tạo. Tăng cường phòng chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hiệu quả của y tế cơ sở.

Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý, khám, chữa bệnh; xây dựng hệ thống thông tin theo dõi sức khỏe nhân dân; chống lạm dụng bảo hiểm y tế. Nâng cao y đức, bảo đảm an toàn bệnh viện. Khuyến khích y tế ngoài công lập, mô hình y tế gia đình; mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế. Làm tốt công tác quản lý thuốc chữa bệnh, đấu thầu thuốc tập trung, bảo đảm giá thuốc tốt nhất cho người dân; phát triển công nghiệp dược, y học cổ truyền. Mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Giải quyết tốt các vấn đề về chất lượng dân số, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Chấn chỉnh, khắc phục ngay các bất cập trong thi cử, sách giáo khoa phổ thông. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp công lập; tăng cường kiểm định chất lượng. Thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục đào tạo cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách.

Phát triển văn hóa, tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá. Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá; thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Quản lý hiệu quả hoạt động tổ chức lễ hội, biểu diễn nghệ thuật. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; quan tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục, ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống và phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội. Phát triển thể dục, thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao, chuyên nghiệp./.

 

 

Theo Bích Lan/VOV

.