Lúng túng giải quyết tranh chấp đất sản xuất tại làng thanh niên lập nghiệp

Thứ Ba, 30/10/2018, 16:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Làng thanh niên lập nghiệp ở xã Na Tông hay còn gọi là bản Tân Quang gần chục năm nay đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Một trong những khó khăn mà họ phải gánh chịu bao năm qua là đất nương cấp cho họ chưa đảm bảo tính pháp lý, dẫn đến tranh chấp với dân sở tại. Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp thì còn nhiều lúng túng và chưa quyết liệt.                               

Theo chính quyền địa phương cũng như người dân bản Tân Quang, mỗi hộ khi về bản lập nghiệp theo dự án, họ được nhà nước cấp 1,2 nghìn mét vuông đất ở, đất vườn và 5 nghìn mét vuông đất sản xuất. Nhưng khi bà con sản xuất trên diện tích đã được giao theo kiểu khoanh vùng cho bản thì dân sở tại lại không cho sản xuất.

Anh Tòng Văn Toan - Bản Tân Quang - Na Tông - H.Điện Biên cho biết: “Bây giờ không cắm mốc ranh giới, mình canh tác nó cứ bảo đó là đất của nó Nhà nước chưa đền bù, giải tỏa cho chúng nó. Bây giờ bản này nhiều nhà còn không có tý nương, tý ruộng nào để cấy lúa đấy.”

1
Lúng túng giải quyết tranh chấp đất sản xuất tại làng thanh niên lập nghiệp ở xã Na Tông huyện Điện Biên

 

Nguyên do là hiện chưa hộ nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời trong quá trình giao đất, cơ quan chức năng cũng không cắm mốc, phân định rõ ràng danh giới giữa đất đã thu hồi, đền bù, bàn giao cho bản Tân Quang với đất của người dân sở tại.

Ông Vì Văn Biến - Chủ tịch UBND xã Na Tông -H.Điện Biên cho biết: “Cả bản có khoảng 71ha diện tích tổng thể, khi giao đất sản xuất có chỗ còn là rừng tái sinh, không quan sát được hết. Quá trình giao cho bản để chia cho dân canh tác thì một số hộ sở tại họ bảo chưa được đền bù họ không cho. Mặc dù có hộ cũng đã được nhận tiền đền bù giải tỏa rồi nhưng không cắm mốc lại không có hồ sơ để quản lý nên mới xảy ra tranh chấp.”

Bởi vậy, 50 hộ dân ở bản Tân Quang trong suốt 10 năm qua không chỉ bất ổn trong đời sống sinh hoạt, mà việc sản xuất cũng không yên. Khi bà con lấy đất đã được giao để sản xuất, nơi thì vướng vào đất của bản Na Hươm do chưa xác định rõ ràng ranh giới đất, chỗ lại vướng với tài sản trên đất của bản Na Ố do chưa được đền bù như đã kiểm đếm. Hiện xã Na Tông hay huyện Điện Biên cũng vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết tình trạng này.

Bởi vậy, hiện Tân Quang - nơi có 50 hộ dân là những thanh niên về đây lập nghiệp suốt 10 năm qua vẫn chưa ổn định cuộc sống, trong đó có tình trạng tranh chấp đất sản xuất vẫn chưa biết đến khi nào mới được giải quyết./.

 

 

Lê Dung/DIENBIENTV.VN

.