Loạn siêu xe gắn "bùa" hộ đê: Coi thường pháp luật, thất thoát tiền tỷ

Thứ Bảy, 06/10/2018, 09:05 [GMT+7]

Những “siêu xe” như Cadillac, Lexus lạm dụng “bùa” xe hộ đê để trốn phí, lòe thiên hạ, chạy như "xe vua", không thể chấp nhận được, phải xử lý nghiêm.
 
Hiện nay, có rất nhiều xe sử dụng phù hiệu "xe hộ đê rởm” để trốn phí, trốn xử lý vi phạm Luật giao thông, trộm thẻ qua các trạm BOT...Việc lạm dụng phù hiệu “xe hộ đê” cần phải xử lý, thậm chí có thể xử lý hình sự.
 

1
Hình ảnh 2 "siêu xe" Cadillac, Lexus dùng phù hiệu "xe hộ đê" để qua trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được chụp lại từ camera đơn vị quản lý đường cao tốc.


Trốn phí, lòe thiên hạ, chạy như "xe vua"

Do “xe hộ đê” có những quyền ưu tiên nhất định như: không mất phí đường bộ, không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều..., nên bằng nhiều cách khác nhau, những chiếc xe ô tô từ trung bình tới siêu sang, tìm mọi cách để gắn cho được phù hiệu “xe hộ đê”.

Việc sử dụng biển hiệu này gần như không ai giám sát. Không những thế, thực tế đã xuất hiện hàng loạt xe có dấu hiệu làm giả biển xe hộ đê, trong đó, có cả siêu xe như Cadillac, Lexus…bị phát hiện những ngày qua.

Thống kê của Công ty Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (Vidifi) cho biết, thời gian gần đây, số lượng xe ô tô được cấp phù hiệu “xe hộ đê” đi qua trạm thu phí BOT bỗng tăng đột biến.
 

1
Xe BKS 14A - 048.67 gắn phù hiệu "xe hộ đê" qua Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lúc 9h50 sáng 7/9. Tuy nhiên, Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai khẳng định không cấp phù hiệu "xe hộ đê" cho xe này - Ảnh: Đình Quang


“Năm 2016, có 37.538 lượt "xe hộ đê" lưu thông trên cao tốc này được miễn phí; năm 2017 là 25.103 lượt "xe hộ đê" được miễn phí và 8 tháng đầu năm nay, số lượng miễn phí cho "xe hộ đê" tại dự án này là 4.294 lượt xe” đại diện Vidifi cho hay.

Vidifi cho biết, thời gian qua có nhiều xe biển trắng (biển tư nhân) mang phù hiệu “xe hộ đê” đi qua liên tục trên tuyến cao tốc do đơn vị quản lý. Thậm chí nhiều “siêu xe” biển trắng như Cadillac, Lexus...được cấp phù hiệu “xe hộ đê”.

“Bất kể mùa mưa hay mùa khô, mỗi ngày đều có từ vài chục lượt xe hộ đê băng băng qua trạm của chúng tôi quản lý, không hiểu xe đi xử lý sự cố bão lũ gì”, đại diện Vidifi tỏ ra nghi ngờ và đặt câu hỏi.

Là đơn vị trực tiếp quản lý gần 500km đường cao tốc, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, “trong quá trình quản lý khai thác, chúng tôi phát hiện rất nhiều xe dùng phù hiệu “xe hộ đê” giả, hết hạn, sử dụng không đúng mục đích, không đúng địa bàn”.

Đáng chú ý, các xe này thường gây khó khăn cho đơn vị thu phí, như đầu vào không trưng phù hiệu, vẫn lấy thẻ thu phí, tới đầu ra mới trưng phù hiệu hộ đê, không trả thẻ cho đơn vị quản lý. Điều này gây thất thoát kép khi không thu được phí lẫn thẻ (mỗi thẻ có giá hơn 200.000 đồng/chiếc).

“Mỗi năm VEC mất khoảng 4.000-5.000 chiếc thẻ trên toàn hệ thống, thất thoát tính ra tiền là không nhỏ. Đặc biệt, không ít trường hợp lái xe có phù hiệu hộ đê lái rất ẩu, khi bị nhân viên thu phí phản ứng tài xế có hành vi thiếu văn hóa, thậm chí còn nhục mạ, chống đối với lực lượng thi hành nhiệm vụ. Nhiều lần VEC phải phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến để xử lý,” ông Nhi nhấn mạnh.
 

1
Một trường hợp làm biển giả, chữ ký giả nhằm trốn phí được phát hiện. (Ảnh Ban quản lý cung cấp).


Đề cập đến một số tài xế sang Lexus, Cadilac...lại được cấp phù hiệu xe hộ đê, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đặt câu hỏi: “Sao đã sở hữu ô tô vài tỷ mà vẫn cố tình ăn trộm vài chục tới vài trăm nghìn đồng phí đường bộ?".

Theo ông Thanh, ở đây có chuyện thích ra oai, coi thường kỷ cương pháp luật chứ không chỉ chuyện trốn phí đường bộ...Từ đó, ông Thanh kiến nghị cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra trách nhiệm cơ quan tổ chức buông lỏng quản lý cấp phù hiệu, đối tượng sử dụng phù hiệu giả để trục lợi. Và, phải xử lý hình sự làm rõ trách nhiệm cá nhân vi phạm.
 
Cần xử lý hình sự “xe hộ đê” giả

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, việc cấp biển “xe hộ đê” có những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng.

“Việc sử dụng phù hiệu “hộ đê”, trục lợi chính là ăn cắp tiền của người dân, của Nhà nước. Trong khi đó, các công ty quản lý, khai thác cao tốc cũng có biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm với thực trạng này. Nhiều năm trời thất thoát hàng chục tỷ mà không phản ánh đề xuất giải pháp. Phải chăng là nếu hụt thu thì lại xin kéo dài thời gian thu phí?,” ông Thanh bày tỏ lo ngại và nghi ngờ.
 

1
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh kiến nghị cơ quan chức năng khởi tố vụ án này, xử lý những người làm giả biển "xe hộ đê".


Để ngăn chặn tình trạng này, ông Thanh cho rằng, trước hết, cần phải xử lý hình sự làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức sai phạm, không thể để vụ việc nhanh chóng chìm xuồng.

“Bộ GTVT cần kiến nghị cơ quan chức năng khởi tố vụ án này”, ông Thanh đề nghị.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông-Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, không chỉ sử dụng phù hiệu xe hộ đê giả, trong quá trình giám sát các lái xe thực hiện rất nhiều hình thức giấy tờ giả để lưu thông với nhiều mục đích khác nhau như giấy ra vào Bộ Công an, giấy Công lệnh Chính phủ, giấy giới thiệu Ban cố vấn đặc biệt Chính phủ…

“Xe có phù hiệu “hộ đê” là loại xe được quy định ưu tiên. Không chỉ dừng lại ở vấn đề trốn phí, mà còn nhiều quyền khác khi tham gia giao thông như đi không hạn chế tốc độ, được đi ngược chiều, đi vào đường ưu tiên...Vì vậy việc này phải ngăn chặn ngay,” ông Nhật nói.

Về việc xử lý vi phạm, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói, trường hợp xe “giả danh,” không có tín hiệu, phù hiệu giả, sử dụng biển giả của xe ưu tiên, theo Nghị định 46 sẽ xử phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Tùy tính chất, mức độ vi phạm, chiếu theo các quy định xử lý hiện nay sẽ phải xử lý hình sự.

Để nhận biết dấu hiệu nhận biết phù hiệu giả, thật, Thượng tá Nhật dẫn theo Nghị định 109 Chính phủ cho hay, tín hiệu xe hộ đê, làm nhiệm vụ hộ đê phải có cờ hiệu cắm phía trước xe, bên trái người lái. Nếu xe không có cờ hiệu thì không phải là xe được ưu tiên.

Ngoài ra, Thông tư 159 Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu phí quy định xe hộ đê còn phải trình được phù hiệu và giấy phép xe ưu tiên, do vậy nhân viên thu phí phải nắm được để giám sát xe có cờ hiệu, phù hiệu xe hộ đê hay không...

Về việc có thể xác minh các hành vi trục lợi, mua bán, làm giả phù hiệu hộ đê hay không, đại diện Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, đã có văn bản gửi sang Bộ Công an đề nghị vào cuộc. Các cơ quan đang tiến hành xác minh.

“Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đang rà soát chấn chỉnh, bổ sung quy định để chấm dứt tình trạng “xe hộ đê” tràn làn như hiện nay”, đại diện Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai khẳng định./.

 

 

Theo Phi Long/VOV

.