Khởi sắc Tà Lèng

Thứ Sáu, 05/10/2018, 15:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Là xã khó khăn của thành phố Điện Biên Phủ với tỉ lệ hộ nghèo cao, bắt tay vào XDNTM, xã Tà Lèng mới chỉ đạt 1/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM. Quá trình xây dựng, cải tạo bộ mặt nông thôn Tà Lèng từng gặp nhiều khó khăn, nhưng sau Tám năm t nỗ lực thực hiện, xã đã cán đích NTM với những bứt phá ngoạn mục. 

Đến với xã Tà lèng - thành phố Điện Biên phủ - trong những ngày đầu tháng Mười này, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi sắc màu tươi mới, no ấm trải lên những thửa ruộng bậc thang. Những vạt nương lô nhô đá cũng đã được phủ lên màu xanh mỡ màng của ngô và các loài cây trái. Chung tay với Nhà nước kiến thiết đường xá và các công trình phúc lợi, cùng nhau trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, Nhân dân Tà Lèng đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ một xã vùng cao nghèo khó, thiếu thốn đủ bề, nay Tà Lèng đã vươn lên trở thành một trong 8 xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn NTM năm 2017. 

1
Tiêu chí về giao thông tưởng chừng khó đạt, nhưng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, đóng góp của người dân, hiện nay đường đến các thôn, bản đã được đổ bê tông. ảnh KT

 

Bản Tà Lèng, xã Tà Lèng có trên 60 hộ dân, là người dân tộc Mông và dân tộc Khơ Mú. Đường giao thông đi lại khó khăn, kinh nghiệm sản xuất của người dân trong bản còn lạc hậu, những năm 2010 – 2011, bản có trên 80% hộ nghèo. Được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Nhà nước, điều kiện sản xuất của người dân trong bản dần được cải thiện. Cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi của các hộ nghèo cũng được mở mang.

Dải ruộng bậc thang đẹp mắt này dần được người dân bản Tà Lèng mở rộng trong nhiều năm, từ chương trình hỗ trợ định canh định cư, khai hoang đồng ruộng của Nhà nước. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài những thửa ruộng bậc thang của bản chỉ cấy được một vụ. Năm 2017, được hỗ trợ từ chương trình XDNTM, bên khu ruộng bậc thang của bản Tà Lèng công trình thủy lợi và đường giao thông nội đồng mới được xây dựng.

Kết cấu hạ tầng sản xuất dần được hoàn thiện, thuận lợi hơn cho việc tưới tiêu, vận chuyển thóc lúa, vật tư nông nghiệp; đồng thời cũng giúp bà con nông dân trong bản dễ dàng hơn trong việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Từ gieo cấy một vụ, nay các chân ruộng bậc thang ở đây đã sản xuất được hai vụ, năng suất, sản lượng lúa mỗi vụ cũng tăng lên. Lương thực được đảm bảo là niềm vui lớn với bà con nông dân trong bản.

Để xóa đói nghèo, nâng cao thu nhập của người nông dân, bên cạnh việc tập trung phát triển các loại cây lương thực đảm bảo đời sống, người dân bản Tà Lèng cũng tích cực phát triển mô hình vườn, ao, chuồng và chăn nuôi đàn đại gia súc, gia cầm. Cán bộ, đảng viên là những người tiên phong, gương mẫu đi đầu để quần chúng nhân dân học theo.

Ông Lò Văn Mấng, Phó Chủ tịch HĐND xã Tà Lèng là người đi đầu trong phát triển kinh tế vườn, ao chuồng ở bản Tà Lèng. Ngay sau giờ làm việc ở công sở, về nhà ông cầm cuốc ra vườn, ra ao lao động sản xuất. Ngoài cấy lúa, gia đình ông còn phát triển thêm mô hình cây ăn quả và nuôi cá thương phẩm. Vất vả đổ mồ hôi làm ra của cải vật chất cho cuộc sống được đủ đầy, việc làm của ông đã lan tỏa thúc đẩy bà con dân bản thay đổi tập tính sản xuất, tích cực áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và nâng cao thu nhập.

Bản Kê Nênh nằm trên địa hình dốc, ruộng nước ít, để phát triển kinh tế người dân ở đây đã tận dụng nương đồi trồng ngô; phát triển chăn nuôi. Ở những khu vực gần nguồn nước bà con đào ao nuôi thả cá. Cần cù lao động, bà con dân bản đã từng bước xây dựng đời sống ngày một no ấm. Bà Lý Thị Dợ trồng ngô trên núi. Điều kiện tưới tiêu trên những vạt nương dốc khá khó khăn, mỗi năm gia đình bà chỉ trồng được một vụ, nhưng Bà cũng như các hộ dân trong bản không để đất hoang. Chỉ một vụ ngô cũng giúp họ có thêm thu nhập, không chỉ có ngô để bán mà ngô còn phục vụ chăn nuôi. Tận dụng đất đai, chăm chỉ làm ăn và thực hành tiết kiệm, đó là cách để người dân Tà Lèng dần thoát nghèo vươn lên có cuộc sống no ấm.
 
Bởi thấy khí hậu trong lành, đất đai rộng cùng nguồn nước thuận lợi, gia đình chị Nguyễn Thị Hà đã chọn bản Kê Nênh, xã Tà Lèng làm nơi xây dựng mô hình kinh tế trang trại quy mô nhỏ. Xây dựng trang trại ở đây được gần 10 năm, gia đình chị hiện có 4 ao nuôi cá thương phẩm và một đàn hươu 10 con nuôi lấy nhung. Mô hình kinh tế của gia đình chị mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

1
Các hộ gia đình chuyển hướng sang nuôi hươu lấy nhung cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. ảnh KT

 

Không chỉ góp phần phát triển sản xuất trên địa bàn, gia đình chị Hà còn tích cực góp phần vào chương trình XDNTM của xã bằng cách hiến đất mở đường. Đây là đường nội đồng Pa 1, chạy qua khu trang trại của gia đình chị Hà, vòng xuống những chân ruộng bậc thang của bản kê Nênh. Khi gia đình chị Hà vào mở trang trại tại đây, con đường chỉ là lối mòn. Chị luôn mong có con đường to, rộng bớt gập ghềnh để thương lái vào thu mua nông sản, mua cá được dễ dàng, nhưng gia đình chị không có đủ điều kiện để mở mang con đường này. Có chương trình NTM xây dựng đường nội đồng, gia đình chị rất phấn khởi, nhiệt tình hiến đất ủng hộ chương trình.
 
Chương trình XDNTM của Nhà nước là chương trình hướng tới mục tiêu thay đổi toàn diện bộ mặt các xã nông thôn. Bắt tay vào XDNTM, năm 2011 xã Tà Lèng chỉ đạt 1/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Để phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí trong vòng 7 năm, đó là cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, Chính quyền và toàn thể Nhân dân trong xã.          

Trong 8 năm qua, xã đã huy động được gần 70 tỷ đồng cho chương trình NTM, trong đó có nguồn vốn đáng kể từ các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, các doanh nghiệp và không thể thiếu sự đóng góp của Nhân dân. Sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động qua từng năm, vận động Nhân dân hiến đất, góp công, xã đã nhựa hóa được trên 10km đường trục liên xã; bê tông hóa được gần 20 km đường trục các bản và đường nội đồng.

Xã cũng vận động các cơ quan, đơn vị kết nghĩa như: Trung đoàn 82; Tiểu đoàn Bộ binh 6 và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ủng hộ, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo xóa nhà tạm và xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các đoàn thể cũng hỗ trợ các bản trong xã xây dựng bể thu gom, xử lí rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

1
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các đoàn thể cũng hỗ trợ các bản trong xã xây dựng bể thu gom, xử lí rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

 

Nhờ ý thức vươn lên của Nhân dân và nhờ có sự chung tay góp sức của cộng đồng, kết cấu hạ tầng nông thôn xã Tà Lèng từng bước được đầu tư xây dựng và cải tạo; bộ mặt nông thôn dần đổi thay rõ nét. Chương trình cho hộ nghèo vay vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế hộ của Ngân hàng Chính sách - Xã hội; chương trình hỗ trợ hộ nghèo nuôi bò sinh sản của Hội Nông dân; mô hình trồng cây ăn quả của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và một số chương trình, dự án quy mô nhỏ khác, cũng được xã Tà Lèng đưa về các bản, tạo điều kiện cho người dân thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập.

Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,6%. Cán đích NTM vào năm 2017 với tất cả sự nỗ lực, Tà Lèng sẽ còn phải tiếp tục phấn đấu hoàn thiện, giữ vững các tiêu chí và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững phía trước.

Mỗi xã có cách phấn đấu riêng trên con đường xây dựng, kiến thiết nông thôn. Vận động Nhân dân đồng thuận, đưa ra những quyết sách kịp thời, vận dụng tốt các nguồn đầu tư, hỗ trợ để cải tạo kết cấu hạ tầng, nhà ở dân cư. Đồng thời, khuyến khích Nhân dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống, đó là cách thức phấn đấu vươn lên của Tà Lèng. Hy vọng Tà Lèng sẽ ngày một vươn lên mạnh mẽ hơn trên con đường đi tới./.

                                                                                 

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.