Giảm tình trạng trẻ bị xâm hại: Phòng ngừa hơn xử lý

Thứ Bảy, 27/10/2018, 18:14 [GMT+7]

Mặc dù ở Việt Nam có rất nhiều tổ chức đảm trách vai trò bảo vệ trẻ em, thế nhưng tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp.
 
Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh luật và thay đổi cách tuyên truyền, tiếp cận cũng như xử lý các vụ xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục thì mới mong giảm tối đa tổn thương cho nạn nhân.

Những bất cập trong công tác bảo vệ trẻ khỏi bạo hành, xâm hại chỉ có thể được cải thiện khi các bên liên quan kết nối chặt chẽ và triển khai mọi quy trình quyết liệt hơn.

Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, đến nay, Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tiếp nhận gần 140 đơn tố cáo hành vi bạo hành, xâm hại trẻ.

Mặc dù Chi hội đã rất cố gắng nhưng có tới 110 vụ phải khép hồ sơ thì thiếu chứng cứ khởi tố vụ án. Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, điều đáng tiếc là trong rất nhiều vụ án nghiêm trọng vì thiếu kiến thức mà chính phụ huynh đã vô tình xóa sạch chứng cứ gây tội của kẻ thủ ác. Bản thân các em nhỏ khi bị xâm hại tình dục vì hoảng loạn nên khai báo quá chậm, ảnh hưởng nhiều đến quá trình thu thập chứng cứ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ phân tích: “Có nhiều trường hợp trẻ sau khi bị xâm hại tình dục còn bị kẻ thủ ác hăm dọa sẽ giết nếu nói với gia đình hoặc sẽ vào trường nói cho bạn bè biết chuyện. Vậy nên khi về nhà các em không dám báo ngay để một tuần, có khi 10 ngày sau mới dám nói.
Lúc đó coi như hồ sơ vụ án khép lại luôn tại vì không đủ chứng cứ mặc dù chúng tôi biết thực hiện hành vi là có. Còn rất nhiều trường hợp mà chúng tôi hiện đang xếp theo thứ tự để cố gắng tìm lại manh mối có thể có”.

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp với những hành vi vô cùng nguy hiểm, thậm chí man rợ. Độ tuổi trẻ bị xâm hại tình dục cũng ngày càng giảm, có trẻ bị xâm hại tình dục khi chưa tròn 3 tuổi, để lại những tổn thương rất lớn về thể xác lẫn tinh thần.

Với những trường hợp bị xâm hại nói chung và xâm hại tình dục nói riêng, điều nạn nhân cần nhất là các chương trình điều trị tâm lý nhằm hạn chế thấp nhất các di chứng ảnh hưởng đến đời sống. Thế nhưng, việc các chuyên gia, chuyên viên tư vấn tiếp cận được với nạn nhân và gia đình trong những trường hợp như vậy là rất khó.

Cụ thể như, Phòng tham vấn miễn phí tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM đi vào hoạt động từ nhiều năm nay tuy nhiên chưa có nạn nhân hay gia đình có con em bị xâm hại nào tìm đến nhờ tư vấn, hỗ trợ.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TPHCM, một trong những chuyên gia tư vấn tại đây trăn trở: “Câu hỏi tôi đặt ra là có phải do mọi người thiếu thông tin nên những người cần không biết tới chúng tôi mà tìm đến hay mọi người không muốn chúng tôi tiếp cận vì vấn đề chia sẻ thông tin. Vấn đề khó khăn, bất cập nhất hiện nay là chúng ta không có được sự kết nối”.

Các đơn vị hỗ trợ khó tiếp cận, bản thân nạn nhân và gia đình vì hoảng loạn, tổn thương, càng trở nên khép kín khiến nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em đi vào ngõ cụt. Theo các chuyên gia, công tác bảo vệ trẻ trước nguy cơ bạo hành, xâm hại gặp khó một phần còn do những bất cập về luật.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng, điều cần thiết nhất bây giờ là ưu tiên bổ sung sửa đổi một số luật liên quan đến tư pháp đối với trẻ em và vị thành niên trong các vụ xâm hại.

Ông Đặng Hoa Nam cho hay: “Trong Bộ luật Tố tụng hình sự cần có những quy định về cách ly và ngăn chặn kịp thời những nghi phạm bị tố cáo có hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần bổ sung, sửa đổi kịp thời Luật về giám định tư pháp làm thế nào để giám định về tư pháp và quá trình điều tra thu thập bằng chứng, chứng cứ về các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục được triển khai một cách kịp thời, nhanh chóng và đúng người đúng tội”.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, chúng ta cần nhanh chóng phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em và phải có cơ chế phối hợp, chuyển tuyến giữa các dịch vụ này để làm sao tất cả mọi trẻ em khi có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại đều tiếp nhận được sự chăm sóc, bảo vệ và tư vấn kịp thời nhất.

Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần đóng góp tích cực hơn thông qua việc không chỉ chú trọng đến quá trình lên án, xử lý vụ việc mà phải đề cập đến biện pháp phòng ngừa.

Cùng suy nghĩ đó, bà Lâm Minh Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi ở quận Gò Vấp cho rằng: Thay vì tiếp tục chạy theo xử lý các vụ việc, các bên liên quan cần xây dựng hệ thống tuyên truyền đồng bộ và hiệu quả hơn cho vấn đề này. Bởi nếu phòng ngừa tốt, trẻ em biết tự bảo vệ tốt, mỗi một gia đình có thể tham gia vào việc này tốt thì mức độ xâm hại, bạo hành hay mức độ trẻ em bị tổn thương sẽ giảm đi.

Thay đổi, bổ sung luật và tăng hình phạt để đảm bảo tính răn đe thôi chưa đủ mà những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn mong chờ một hệ thống kết nối, tuyên truyền hiệu quả thực sự nhằm ngăn ngừa các vụ bạo hành, xâm hại tình dục xảy ra với trẻ./.

 

 

Theo Mỹ Dung/ VOV

.