Các huyện cần đánh giá thực chất mức độ đạt của các tiêu chí nông thôn mới

Thứ Sáu, 05/10/2018, 15:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đó là nội dung mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến chỉ đạo đối với các huyện có xã đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2016 – 2018) và sơ kết 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2017 được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 5/10. Dự hội nghị có các đồng chí: Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

x
Quang cảnh hội nghị

 

Tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 16 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 13 xã đạt chuẩn và 3 xã cơ bản đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu 9 xã (Thu tướng Chính phủ giao giai đoạn 2016 - 2018 là 7 xã).

Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là gân 14%, vượt 7,79% so với nhiệm vụ kế hoạch giao. Bình quân số tiêu chí đạt/xã là 8,11 tiêu chí, tăng 2,6 tiêu chí/xã so với năm 2015 nhưng chưa đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2016-2020 là 8,5 tiêu chí/xã.

Các xã còn lại có 13 xã cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí, có 39 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; còn 24 xã đạt dưới 5 tiêu chí chiếm gần 21%, giảm 44 xã so với năm 2015 (năm 2015 còn 68 xã dưới 5 tiêu chí).

Kế hoạch năm 2018 có thêm 6 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới gồm các xã: Quài Nưa - huyện Tuần Giáo; Mường Mươn - huyện Mường Chà; Mường Luân - huyện Điện Biên Đông;  Noong Luống, Nà Nhạn, Núa Ngam - huyện Điện Biên.

Qua 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trung bình giai đoạn 2015- 2017 đạt 3,23%/năm. Cơ cấu kinh tế nội ngành đã từng bước chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu: Giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng dịch vụ chăn nuôi, dịch vụ.

Cơ cấu ngành nông nghiệp từng bước chuyển dịch đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên, thu hút thêm được nhiều nguồn lực, đặc biệt thu hút được 15 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng và xác nhận được 11 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn; phê duyệt 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô 53ha. Hình thành được liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người dân đối với mặt hàng chủ lực như: Lúa gạo, cà phê, chè, dứa…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng và vận động toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêu chí nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về đời sống của người dân, môi trường, văn hóa, an ninh trật tự.

c
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016  2018.

 

Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, lựa chọn 2 thôn, bản để thực hiện xây dựng thôn, bản “nông thôn mới kiểu mẫu”.

Đối với các nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020, tập trung giữ vững và phát triển các tiêu chí đã đạt, lồng ghép cân đối nguồn lực để thực hiện các tiêu chí gần đạt. Riêng các xã dưới 5 tiêu chí, đồng chí lưu ý các huyện cần đánh giá thực chất mức độ đạt của các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời lập kế hoạch lồng ghép các nguồn lực thực hiện các tiêu chí, trong đó ưu tiên các tiêu chí gần đạt, cần ít nguồn lực…

Đối với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng chí Lò Văn Tiến đề nghị các huyện, thị, thành phố trên cơ sở Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, cần tiến hành rà soát, đăng ký duy nhất một xã, phường một đặc sản của địa phương. Đây là cơ sở để tỉnh xây dựng kế hoạch mỗi xã một sản phẩm, từ đó giúp người dân hiểu hơn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, đồng chí lưu ý mỗi huyện, thị, thành phố xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của đơn vị huyện mình gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 20/10/2018 để theo dõi.

Tại hội nghị, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Giấy khen cho 4 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2017 góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.

 

Diệp Xuân/Dienbientv.vn

.