Sức sống mới của huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ

Chủ Nhật, 02/09/2018, 16:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau 5 năm thành lập, đến nay huyện Nậm Pồ đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh. Với một khoảng thời gian chưa dài, vùng đất và con người nơi phên dậu biên cương của Tổ quốc đã kiên cường vượt gian khó, đánh thức vùng đất nghèo. Đất bạc màu, sỏi đá khô cằn đang cựa mình, sinh sôi, khoác lên mình màu áo mới nhờ những giải pháp đồng bộ trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Huyện Nậm Pồ được thành lập tháng 06-2013 từ huyện Mường Chà và Mường Nhé theo Quyết định số 45 của Chính Phủ.  Những ngày đầu thành lập, huyện Nậm Pồ gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế ở điểm xuất phát thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, địa hình chia cắt, nhất là đường giao thông đến nhiều xã, bản không thuận lợi, trường học và các công trình thiết yếu khác đều thiếu. Huyện có 15 xã thì cả 15 đều thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn; đội ngũ cán bộ, công chức thiếu và yếu, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao; hệ thống chính trị ở cơ sở có mặt chưa đáp ứng yêu cầu…

Một goc
Huyện Nậm Pồ được thành lập tháng 06-2013 từ huyện Mường Chà và Mường Nhé theo Quyết định số 45 của Chính Phủ.

 

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ huyện đã phát huy nội lực, trí tuệ tập thể, xác định những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội mà trước hết là kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở; gắn phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng với ổn định đời sống cho bà con di dân vùng tái định cư, xây dựng nông thôn mới. Chủ động xây dựng các Nghị quyết, chương trình, dự án, đặc biệt, Đảng bộ huyện Nậm Pồ xây dựng 3 Nghị quyết chuyên đề trong đó có Nghị quyết về bảo vệ và phát triển rừng; về phát triển chăn nuôi đại gia súc và Nghị quyết về công tác xóa đói, giảm nghèo.
 
Gắn thực hiện các Nghị quyết với chương trình, dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường giao thông, tu sửa và làm mới các công trình thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp học, nâng cấp hệ thống các trạm y tế... Lấy kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc làm sản phẩm hàng hóa chủ lực và lâu dài; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp đỡ ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các huyện trong tỉnh…

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, chăm sóc bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp đỡ ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Gắn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, khối đại đoàn kết các dân tộc…

1
Huyện Nậm Pồ tập trung huy động nhiều nguồn lực, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, giải quyết đất ở, đất sản xuất, cải thiện điều kiện sản xuất, hỗ trợ giống - vốn để Nhân dân phát triển sản xuất

 

Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Nhiều chương trình, dự án được triển khai lồng ghép, như chương trình 30a, chương trình 135, chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế…

Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động nhiều nguồn lực, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, giải quyết đất ở, đất sản xuất, cải thiện điều kiện sản xuất, hỗ trợ giống - vốn để Nhân dân phát triển sản xuất; hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để trồng cây ngắn ngày, phát triển chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng để tạo nguồn thu. Cùng với đó là lồng ghép và gắn việc giảm nghèo với các chương trình kinh tế - xã hội khác của địa phương, củng cố mạng lưới khuyến nông, tăng cường bồi dưỡng kiến thức và chuyển giao ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con.
 
 Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, hỗ trợ của Đảng và chính quyền các cấp, đồng bào đã ý thức được phải thoát nghèo, phải làm giàu từ đất, từ rừng. Từ sự thay đổi về nếp nghĩ, cách làm, phong trào phát triển kinh tế đồi rừng ở Nậm Pồ đã có những chuyển biến tích cực, các địa phương đã có nhiều nỗ lực tìm các biện pháp canh tác thích hợp. So với những năm trước đây, tình trạng chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy đã giảm đi đáng kể.

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng. Toàn bộ hơn 58.000ha rừng đã được bàn giao tới hộ và cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ. Trong những năm gần đây, huyện Nậm Pồ còn trồng mới được gần 110 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh hơn 3.000ha, nâng độ che phủ rừng lên trên 52% tăng 15% so với năm 2013. Bà con được chi trả hơn 130 tỷ đồng từ nguồn Dịch vụ môi trường rừng, ý thức bảo vệ rừng trong Nhân dân ngày càng được nâng cao. Đã xuất hiện nhiều mô hình nông lâm kết hợp như mô hình: Trồng cây chuối, cây chít, cây dứa, cà phê .....ngày càng mở rộng, tạo cho những triền đất dốc, đồi núi mọt màu xanh của ấm no, đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Cùng với đó, một số sản phẩm nông sản đặc trưng từ rừng của địa phương như: Chè cây cao ở Pa Tần, mật ong rừng ở Chà Nưa, hàng thủ công mây tre đan của cộng đồng dân tộc Thái ở 3 Chà cũng đang trên đường xây dựng thương hiệu, nhằm tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, từng bước nâng cao đời sống gắn với rừng của người dân.
 
Làm thế nào để nâng cao nhận thức, giúp bà con các dân tộc xóa bỏ tập quán canh tác cũ, các hủ tục trong đời sống, áp dụng khoa học mới vào sản xuất và sinh hoạt, xây dựng được các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khả thi, thiết thực ở mỗi địa phương, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là yêu cầu huyện đặt ra đối với mỗi ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được phân công phụ trách cơ sở và đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã.

Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Năm 2013, Đảng bộ huyện có 33 tổ chức cơ sở đảng, 99 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với hơn 1.000 đảng viên; còn 20 bản, 8 trạm y tế, 11 trường học chưa có chi bộ, 6 bản, 3 trạm y tế chưa có đảng viên; 1.142 cán bộ, công chức, viên chức.

Sau 5 năm thành lập, Đảng bộ huyện ngày càng lớn mạnh; đến nay, có 40 tổ chức cơ sở đảng, 137 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với gần 2.152 đảng viên; 100% bản, trường học, trạm y tế đã thành lập được chi bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng: Toàn huyện có trên 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 59,5%, nữ 53,7%, trên 46 % có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học, trên 25% có trình độ lý luận chính trị trung cấp và cao cấp.

1
chương trình hành động của Đảng Bộ huyện đi vào cuộc sống, đã và đang tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

 

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; các Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các nghị quyết, đề án, kết luận của Tỉnh ủy Điện Biên khóa XIII và chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của Huyện ủy Nậm Pồ. Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền được đổi mới, phù hợp với tập quán, ngôn ngữ của đồng bào. Các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động đi vào cuộc sống, đã và đang tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiểm tra, giám sát được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm; đã tích cực chỉ đạo các tập thể, cá nhân thực hiện kế hoạch khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và nỗ lực, quyết tâm vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân nên đã tạo nên những bước phát triển quan trọng, đạt nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng, tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2013; thu ngân sách đạt kết quả cao, nhất là thu trên địa bàn, năm 2017 đạt trên trên 6 tỷ đồng, tăng 2,8 tỷ đồng so với năm 2013.

Tổng sản lượng lương thực có hạt trên 18.300  tấn, tăng 3.600 tấn so với năm 2013, lương thực bình quân đầu người đạt 380 kg/người, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện. Năm 2018, tổng diện tích cây trồng chính trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã đạt hơn 8.300 ha, tăng gần 1.200ha so với năm 2013; vụ đông xuân 2017 - 2018, lần đầu tiên đã chỉ đạo gieo trồng được gần 1.000ha cây trồng các loại; cũng là lần đầu tiên huyện vùng cao Nậm Pồ có 10/15 xã vận động Nhân dân gieo cấy được 173 ha lúa chiêm - xuân, tăng 6 xã so với năm 2013.
 
 Lĩnh vực nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung đã, đang hình thành, bước đầu phát huy hiệu quả và nhân rộng. Công tác khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Chăn nuôi phát triển ổn định toàn huyện có trên 65 ngàn con gia súc, trong đó trên 19 ngàn con trâu  4 ngàn con bò, 8500 con dê,  tỷ lệ tăng đàn bình quân đạt 6%/năm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân.

1
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đời sống nông dân, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt

 

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đời sống nông dân, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt; với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân, đến nay, huyện đã có 1 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới là Chà Tở; các tiêu chí bình quân đạt 12,8 tiêu chí/xã, tăng 7,3 tiêu chí so với năm 2013.
 
Với hành trình khởi đầu trong năm năm qua, có thể khẳng định rằng: Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện và vững chắc trên các lĩnh vực, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển, tạo niềm tin tưởng, phấn khởi và vào sự phát triển đi lên của huyện trong thời gian tới.

Những kết quả trên là những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo được Đảng bộ huyện Nậm Pồ rút ra, đó là: Phải luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời cụ thể hóa, vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của huyện; đồng thời chủ động phát huy nội lực, đoàn kết thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo, luôn phát huy dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung lựa chọn những việc trọng tâm, đột phá để tổ chức thực hiện; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra./.
                                                                       

 

 

Quang Phong – Ngọc Bích/DIENBIENTV.VN

.