Điện Biên

Động lực giúp hội viên nông dân thoát nghèo

Chủ Nhật, 16/09/2018, 16:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp. Thông qua phong trào, xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm các giống cây, con mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai để phá triển kinh tế có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH tại các vùng nông thôn trong tỉnh.

Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, các cấp Hội nông dân tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia, phát huy truyền thống đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững.

Việc thực hiện phong trào đã động viên hội viên, nông dân phát huy tinh thần yêu nước, bản chất cần cù, tính sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường, tích cực phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân vượt khó, tích cực thi đua sản xuất, thoát khỏi đói nghèo, nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến, được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương. Như mô hình kinh tế của gia đình ông Nguyễn Văn Huynh, đội 3, xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên.

Hiện nay ông Huynh là chủ cơ sở ấp trứng gia cầm lớn nhất xã Thanh Hưng. Năm 2012, thấy nhu cầu ấp nở trứng gia cầm rất lớn, mà trên địa bàn xã chưa có cơ sở ấp nở trứng. Người dân thường bán trứng gia cầm cho các cơ sở ấp trứng với giá rẻ quá nửa so với con giống. Thấy tiềm năng lớn, ông đã vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu tư một máy ấp trứng với công suất 1.000 quả/mẻ ấp. Sau đó, do nhu cầu của người dân lớn, ông tiếp tục vay vốn ngân hàng mua thêm một chiếc máy ấp trứng nữa với công suất gấp đôi máy trước.

Không chỉ vận hành 2 máy ấp trứng gia cầm có hiệu quả, hiện ông Huynh còn duy trì 3 ao nuôi cá rô phi với gần 2.000m2, thu hoạch từ 4 - 5 tấn cá thương phẩm; nuôi 3.000 con vịt thịt, vịt lấy trứng, ngày cao điểm, gia đình ông thu gần 2.000 quả trứng vịt. Mỗi năm, ông Huynh thu về từ cá, vịt; dịch vụ ấp trứng gia cầm số tiền từ 150 - 200 triệu đồng.

1
Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Bạc Cầm Phiu (người đứng giữa), bản Nà Dên, xã Búng Lao huyện Mường Ảng

 
Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Bạc Cầm Phiu, bản Nà Dên, xã Búng Lao huyện Mường Ảng là một điển hình của việc tận dụng và phát huy lợi thế địa phương. Với trên 10ha đất, ông Phiu đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình trang trại trồng cà phê, trồng rừng kết hợp chăn nuôi.

Ông nhận thấy rằng vấn đề quyết định đến sự thành bại trong sản xuất lâm nghiệp đó là khâu chọn giống và chăm sóc cây sau khi trồng. Bởi thế, ông đã sử dụng giống cây có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt của các đơn vị cung ứng uy tín và trồng rừng đúng quy trình, kỹ thuật. Với tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên, ông xác định để kinh tế gia đình đi lên một cách bền vững trong khi ít vốn thì phải thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tìm ra nguồn thu khác trong khi chờ diện tích rừng cho thu hoạch.

Nghĩ là làm, ông đã cải tạo lại nguồn quỹ đất sẵn có của gia đình thành ao cá với diện tích mặt nước gần 2.000m2 để nuôi cá thương phẩm. Mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 50 triệu đồng từ bán cá. Ðây cũng là nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và có thêm vốn đầu tư trồng rừng. Từ chỗ chỉ vài héc ta rừng, đến nay, gia đình ông đã mở rộng diện tích rừng trồng lên 10ha với giống cây chủ yếu là dổi găng.

Hiện nay, rừng trồng của ông Phiu ước tính khoảng trên 3.000 cây dổi găng chuẩn bị cho thu hoạch. Song song với trồng rừng, ông Phiu đã đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng cà phê, ông nhận thấy, cây cà phê thuộc loại thực vật ưa bóng mát và chắn gió chính vì vậy dưới tán rừng ông đã trồng gần 7ha cà phê.

Cùng với đó, ông Phiu còn trồng hơn 1ha chuối tiêu hồng, đây là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư không cao, thị trường tiêu thụ rộng, năng suất cao gấp nhiều lần so với các cây khác và điểm vượt trội là cho thu nhập ổn định. Với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp như thế này, trừ chi phí, mỗi năm ông cũng có thu nhập gần 200 triệu đồng.
 
Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Hội Nông dân xã Pa Ham, huyện Mường Chà đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Chà, đời sống Nhân dân Pa Ham còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế cho người dân luôn là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Để tìm hướng thoát nghèo cho người dân, trong những năm qua, Hội nông dân xã đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân phá bỏ lối canh tác lạc hậu; áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; đẩy mạnh khai hoang lúa nước, tăng cường đưa giống mới năng suất cao vào trồng. Do điều kiện ở vùng núi cao thuận lợi cho việc chăn nuôi nên xã đã triển khai một số mô hình thí điểm để có hướng phát triển mới như: Chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt; nuôi lợn và triển khai mô hình trồng ngô nếp lai cho gần 100 hộ nông dân trong xã.

Hội Nông dân xã Pa Ham nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình dự án như: Chương trình 135, Dự án 30a, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện tạo điều kiện để bà con tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, qua đó giúp người dân có vốn sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
 
Muốn biết hội viên, nông dân khó khăn ở khâu nào trong quá trình phát triển kinh tế, trong xóa đói giảm nghèo để giúp thì phải tìm hiểu để nắm tâm tư, nguyện vọng. Qua đó Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh bàn thảo rồi đưa ra các giải pháp tháo gỡ, trong đó ưu tiên hỗ trợ nhóm các hoạt động phù hợp với từng địa bàn, địa phương. Với cách làm này, Hội tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đang quản lý nguồn vốn gần 12 tỷ đồng. Tổng dư nợ Quỹ HTND các cấp tính đến thời điểm hiện tại đạt trên 11 tỷ đồng với hơn 300 hộ vay. Cùng với tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân tiếp cận đa dạng nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ, Hội còn tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

1
Người dân trên địa bàn tham quan mô hình đậu tương và tìm hiểu kỹ thuật trồng đậu tương ở xã Sá Tổng.

 

Vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có hiệu quả; mở rộng các dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với phương châm “sản xuất gắn với thị trường và bảo vệ môi trường”. Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội trong tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn, như: Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y mở hơn 30 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt thu hút hơn gần 2.000 hội viên tham gia.

Hội nông dân các cấp đã xây dựng mô hình “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn”, “mô hình xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù” ở 7 huyện, 14 xã trong tỉnh. Thông qua hoạt động triển khai các chương trình cho vay ưu đãi tín dụng, các cấp Hội đã giúp hội viên, nông dân có vốn để phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.
 
Thực hiện công tác phối hợp đào tạo nghề cho nông dân, Hội chỉ đạo hội nông dân cấp huyện, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân đẩy mạnh tuyên truyền về học nghề và chính sách học nghề tới hội viên, nông dân. Phối hợp với các phòng lao động, thương binh và xã hội, trung tâm dạy nghề các huyện, Trường Cao đẳng Nghề tỉnh dạy nghề, khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức dạy nghề cho nông dân. Nội dung đào tạo được thực hiện linh hoạt và theo yêu cầu của người học, đảm bảo nguyên tắc chỉ tập trung giảng dạy những kiến thức kỹ năng mà người học cần; chú trọng hướng dẫn thực hành tại hiện trường; gắn việc dạy nghề với các mô hình trình diễn khuyến nông nên học viên có thể áp dụng thực hành ngay vào thực tế.  
 
 Đồng hành với nông dân phát triển kinh tế - xã hội, hội nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng cụ thể, sâu sát, hướng mạnh về cơ sở. Đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhân rộng các mô hình điển hình. Tích cực phối hợp với các ngành tạo điều kiện hỗ trợ nông dân vay  vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ vật tư, kỹ thuật; chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương./.

 

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.