Điện Biên: Chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu, 14/09/2018, 15:59 [GMT+7]
Điện Biên TV - UBND tỉnh Điện Biên vừa có công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh.
 
Bệnh Dịch tả lợn Châu phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã), bệnh xảy ra ở mọi lứa, mọi loại lợn và gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
 
Vi rút gây ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời; do vậy, khó có thể loại trừ được bệnh nếu để bệnh xảy ra.
 
Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính: Phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
 
Thực hiện Công văn số 5983/BNN-TY ngày 6/8/2018 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
 
s
Công điện của UBND tỉnh Điện Biên về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, giảm thiểu thiệt hại cho ngành Chăn nuôi. UBND tỉnh Điện Biên vừa có công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu: 

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Đài Phát thanh và Truyền hình cấp huyện, UBND các xã tích cực tuyên truyền các nội dung về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; khi phát hiện động vật chết, mắc bệnh phải báo ngay với cơ quan thú y và chính quyền địa phương; không mua bán vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường theo dõi, giám sát, nếu phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc tại địa phương phải báo cáo và xử lý kịp thời, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; chuẩn bị kế hoạch tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm vụ thu đông năm 2018 theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Bố trí kinh phí tổ chức triển khai thực hiện "Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 năm 2018” tại khu vực ổ dịch cũ, địa bàn nguy cơ cao, khu vực gần đường giao thông, khu vực tập trung chăn nuôi trên địa bàn do địa phương quản lý....

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời các ô dịch phát sinh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra vào địa bàn tỉnh theo quy định; tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm bệnh để có cơ sở cảnh báo, ứng phó dịch bệnh, trong đó có cơ sở cho việc lựa chọn các loại vắc xin phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; Tổ chức triển khai các chương trình tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm vụ Thu đông năm 2018; thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 năm 2018.

Kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm như tiêm phòng, phun phòng; Thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo kịp thời về tình hình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh với UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định...

Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ tình hình thực tế để cân đối, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí cho Sở Nông nghiệp và PTNT mua hóa chất sát trùng cấp cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2 năm 2018, Hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải Quan tỉnh, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo các phòng, ban đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan thú y và UBND các xã tăng cường tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; không để động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ vận chuyển vào địa bàn; tuyệt đối không cho Phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn bất hợp pháp qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của dân cư biên giới; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, các nhân vi phạm.

Sở Y tế: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm và biện pháp phòng, chống các bệnh truyền lây giữa người và động vật như Cúm gia cầm, Dại, Liên cầu khuẩn....và tham gia hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện ''Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2018" trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh Điện Biên, Báo Điện Biên Phủ: Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn đến người chăn nuôi, ngành chăn nuôi; khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm của lợn nhập lậu, không có nguồn gốc.../.

 
 
 
 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.