Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Dân mong chờ gì sau khởi tố bị can?

Thứ Năm, 02/08/2018, 07:59 [GMT+7]

Sau khởi tố bị can, điều người dân mong mỏi nhất là điều tra, xác minh rạch ròi thí sinh nào được điểm cao nhờ “mua điểm”.
 
Liên quan đến vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La, sau nhiều ngày củng cố tài liệu, chứng cứ, xác minh hành vi của các đối tượng liên quan, chiều 31/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã chính thức khởi tố 5 bị can, trong đó bắt tạm giam 3 bị can, đều là cán bộ trong ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sơn La.

Đây là vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến công tác tổ chức thi THPT quốc gia của tỉnh, cũng như cả nước. Vì vậy, vụ việc đã nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của dư luận, đặc biệt là với những người đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Sơn La.
 

1
Khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Hữu Thủy, SN 1964, Phó Hiệu trưởng trường PTTH Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm.


Một ngày sau khi xảy ra việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi làm việc và nhà ở của các bị can có hành vi gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT của tỉnh năm 2018, nhiều người dân ở Sơn La vẫn chưa hết bàng hoàng. Những người thầy giáo, cô giáo vốn luôn được coi trọng trong xã hội, vì vi phạm pháp luật đã phải tra tay vào còng số 8. Đây thực sự là những hình ảnh mang đến cho nhiều người cảm giác không vui. Tuy nhiên, dù là ai, ở bất kỳ cương vị nào, khi đã vi phạm pháp luật đều phải trả giá.

Nhà giáo ưu tú Trần Luyến, 79 tuổi, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La bày tỏ nỗi buồn, sự đáng tiếc khi được chứng kiến những đồng nghiệp của mình – dù không cùng thế hệ, vướng vào vòng lao lý. Đây thực sự là “những con sâu làm rầu nồi canh”.

Việc gian lận, can thiệp điểm thi của các cán bộ, lãnh đạo Sở giáo dục và đào tạo tỉnh nhà trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua là hành động rất khó chấp nhận, bởi không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh danh người thầy nói chung, mà còn làm mất uy tín của người dân đối với nền giáo dục tỉnh nhà, đồng thời, có những ảnh hưởng nhất định đến danh dự của tỉnh Sơn La.
 

1
Nhà giáo ưu tú Trần Luyến.


NGUT Trần Luyến cho biết: "97% thí sinh được công nhận tốt nghiệp tức là chúng ta công nhận 97% là thắng lợi, chỉ có 3% là sai sót chứ không phải tất cả. Vì vậy, hiện nay chúng ta trông vào sự nghiêm minh và công bằng của cơ quan điều tra, không vì “con sâu làm rầu nồi canh”, không vì một vài thiếu sót, dù là nghiêm trọng chăng nữa mà đánh giá sự phát triển của giáo dục Sơn La là tồi tệ".

Sau khởi tố bị can, điều người dân mong mỏi nhất lúc này là các cơ quan chức năng sớm điều tra, xác minh rạch ròi thí sinh nào được điểm cao nhờ “mua điểm” để sớm trả lại công bằng cho những thí sinh đạt điểm bằng thực lực của mình, bởi những “lùm xùm” về gian lận điểm thi vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các thí sinh và phụ huynh có con học, thi bằng chính thực lực của mình.

Chị Vi Thị Mi Son, ở Thành phố Sơn La có con nằm trong danh sách hơn 40 thí sinh có điểm môn Ngữ văn cao "bất thường" cho biết: "Sau khi nhận được tin thì chính cháu là người đầu tiên bị sốc và cảm thấy bất bình vì bị liệt kê vào danh sách những thí sinh có điểm cao bất thường và có nghi vấn gian lận. Gia đình chúng tôi không hề có bất kỳ một can thiệp gì vào việc thi cử của con và con học thực lực mà lại bị nằm trong danh sách đấy, nên rất bất bình".

Ai cũng biết gian lận thi cử sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề, trước hết là làm tổn thương các thầy cô giáo chân chính và phụ huynh tử tế, mất uy tín nền giáo dục và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân… Vì vậy, người dân Sơn La mong muốn vụ việc sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ, xử lý đúng người, đúng tội, nghiêm minh trên tinh thần "không có vùng cấm"./.

 

 

Theo VOV

.