Khó khăn trong tiếp cận điều trị methadone ở vùng cao Điện Biên

Thứ Năm, 09/08/2018, 07:38 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với hơn 9.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tỉnh Điện Biên vẫn là điểm nóng về tình trạng nghiện ma túy trong cả nước. Phần lớn người nghiện ma túy mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị thay thế bằng Methadone. Tuy nhiên, do mật độ của các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone còn hạn chế, đặc biệt là ở các địa bàn vùng cao. Bởi vậy người nghiện ma túy vẫn còn nhiều khó khăn trong tiếp cận điều trị bằng Methadone.

Gần 2 năm nay, hằng ngày, anh Chá A Mua phải vượt quảng đường hơn 30km cả đi lẫn về để có thể từ bản Huổi Chan 2 xuống Trạm Y tế xã Mường Pồn uống Methadone. Đặc biệt là mùa mưa, đường sá trở nên lầy lội khiến cho việc xuống trung tâm xã để uống Methadone của anh thêm vất vả. Có những ngày anh phải mất 2 giờ đồng hồ để đi quãng đường hơn 15km từ bản xuống xã do đường lầy lội.

1
Hằng ngày, anh Chá A Mua phải vượt quảng đường hơn 30km cả đi lẫn về để có thể từ bản Huổi Chan 2 xuống Trạm Y tế xã Mường Pồn uống Methadone.

 

Anh Chá A Mua, bản Huổi Chan 2, Mường Pồn, Huyện Điện Biên cho biết: Không về uống cũng không được, uống thì cũng khổ. Xa vất vả quá. Về đây đi đến nhà nếu không mưa thì cũng nhanh, đi đến nhà khoảng 9h. Mưa thì có khi đến nhà phải 12h, hết ngày không làm được cái gì”

Xã Mường Pồn là một trong những xã biên giới thuộc huyện Điện Biên. Trên địa bàn xã hiện có 1 cơ sở cấp phát thuốc điều trị Methadone tại Trạm Y tế xã; cấp phát thuốc Methadone cho 18 người nghiện ma túy. Trong đó, khó khăn nhất là người nghiện ma túy ở các bản: Huổi Chan, Huổi Un, Pá Chả. Hằng ngày họ phải vượt quảng đường hàng chục Km để xuống trung tâm xã uống Methadone.

Dù còn nhiều khó khăn, song Mường Pồn vẫn còn may mắn hơn nhiều xã trên địa bàn tỉnh trong tiếp cận điều trị Methadone cho người nghiện. Dù được triển khai từ năm 2011, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có 29/131 xã, phường, thị trấn có cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Trong đó huyện Nậm Pồ chưa có cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát Methadone; nhiều huyện chỉ có gần một nửa số xã có cơ sở cấp phát Methadone.

Ông Vũ Hải Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho biết: Theo quy định của chương trình điều trị methadone thì những người tham gia uống methadone thì phải có khoảng cách từ nhà đến cơ sở điều trị methadone là từ 5 đến 7 km đường bình thường. Tuy nhiên tỉnh Điện Biên là tỉnh miền núi đi lại rất khó khăn, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa và mùa mưa thì người nghiện ma túy để tiếp cận điều trị methadone thì càng khó khăn hơn.”

1
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hơn 2.700 bệnh nhân đang điều trị Methadone

 

Tính đến cuối năm 2017, lũy tích điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh là gần 5.000 bệnh nhân; hơn 1.800 bệnh nhân đã ngừng điều trị do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chuyển ngoại tỉnh, tử vong, bị bắt do vi phạm pháp luật. Đặc biệt số bệnh nhân tự bỏ điều trị hơn 1.400 người, nguyên nhân chủ yếu là do rào cản về khoảng cách địa lý; người nghiện ma túy ở những xã vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận với Methadone.
 
Thực tế, con số hơn 2.700 bệnh nhân đang điều trị Methadone còn khá khiêm tốn so với hơn 9.000 người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh ta. Điều trị bằng Methadone phải thường xuyên và lâu dài trong khi khoảng cách địa lý chính là rào cản đối với người nghiện. Bởi vậy, cần phải đưa việc cấp thuốc phủ khắp các trạm y tế xã; các điểm uống thuốc lưu động tại các xã để giúp người nghiện thuận lợi hơn trong tiếp cận với Methadone./.
 

 

 

Đức Trung/Dienbientv.vn

.