Trả lời kiến nghị cử tri

Thứ Sáu, 20/07/2018, 07:33 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trang Thông tin Điện tử - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đăng tải Báo cáo số 140/BC-UBND của UBND tỉnh trả lời một số kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5 cần tiếp tục giải quyết; các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV.

I. Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5 cần tiếp tục tập trung xem xét, giải quyết

1. UBND tỉnh giải quyết đề nghị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Công văn số 1396/TTr-BCH ngày 30/6/2017) về việc cấp kinh phí khắc phục thiệt hại do thi công công trình AD-05, để giải quyết dứt điểm ý kiến kiến nghị của cử tri xã Mường Phăng, huyện Điện Biên trong năm 2018.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Theo Biên bản làm việc của hai đoàn công tác (Đoàn công tác kiểm tra hiện trường lần 1 và Đoàn công tác kiểm tra hiện trường lần 2) và Công văn số 658/BCH-BQLDA ngày 24/3/2017 của Bộ CHQS tỉnh, thì nguyên nhân thiệt hại chủ yếu là do thiên tai gây nên, trong đó có một phần đất trôi vào ruộng của người dân là từ khu vực thi công công trình AĐ-05. Thời điểm xảy ra thiệt hại năm 2014 nhưng thời điểm ghi nhận, xác định thiệt hại lại là năm 2017 (sau 3 năm kể từ ngày xảy ra sự việc), đến thời điểm này hiện trường thiệt hại không còn nguyên vẹn, phạm vi diện tích thiệt hại được ghi nhận, xác định là theo báo cáo của đại diện xã và của các trưởng bản. Tại thời điểm kiểm tra diện tích thiệt hại đã được khắc phục sản xuất bình thường là 25.069,5m2; diện tích không khắc phục được là 2.485m2.

Như vậy, nguyên nhân cơ bản gây nên thiệt hại là do yếu tố thiên tai, tuy nhiên chính quyền cơ sở và các bên liên quan không thực hiện các bước, thủ tục cần thiết để cấp có thẩm quyền thực hiện công bố thiên tai, tiến hành hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 39/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 và Thông tư số 33/2013/TT-BTC ngày 21/3/2013 của Bộ Tài chính. Hiện trường xảy ra thiệt hại sau 03 năm mới được ghi nhận, xác định là không đảm bảo cơ sở pháp lý. Do đó, việc hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai trong trường hợp này không có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện tại thời điểm hiện tại.

Bên cạnh yếu tố chủ yếu do thiên tai gây nên, có một phần đất trôi vào ruộng của người dân có nguyên nhân từ việc thi công công trình AĐ-05. Về yếu tố này, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư (Bộ CHQS tỉnh) phối hợp với các bên liên quan rà soát lại phương án thiết kế, giải pháp thi công, công tác thi công của các hạng mục công trình trong phạm vi có khả năng tác động gây ảnh hưởng, xem xét việc đảm bảo tuân thủ quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, trình tự thực hiện từ bước thiết kế đến việc đề xuất giải pháp thi công, thi công, giám sát thi công… qua đó xác định rõ trách nhiệm của đơn vị liên quan (nếu có). Trường hợp nguyên nhân chủ quan đến từ các khâu thiết kế, giải pháp thi công và thi công thì đơn vị liên quan đến các khâu đó phải chịu trách nhiệm hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Trong trường hợp thực hiện hỗ trợ thiệt hại, trước hết cần xem xét giải quyết đối với phần diện tích đất lúa bị thiệt hại không có khả năng khắc phục; các phần diện tích đất lúa khác yêu cầu thực hiện rà soát lại để đảm bảo cơ sở, căn cứ hỗ trợ đúng đối tượng, khối lượng.

2. Trong năm 2018, giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa xã Bó Sinh, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông và giữa xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên theo phương án đã được Chủ tịch UBND hai tỉnh Điện Biên và Sơn La thống nhất.

Về nội dung này: Thực hiện Kế hoạch của UBND hai tỉnh Điện Biên và Sơn La về giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC giữa hai tỉnh, Sở Nội vụ hai tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyện môn thuộc hai tỉnh và các huyện, các xã và các bản có liên quan thuộc hai tỉnh đã tổ chức 3 lần khảo sát, hiệp thương để thống nhất phương án giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến đường ĐGHC; qua 3 lượt, Đoàn công tác thuộc hai tỉnh và nhân dân các bản có liên quan đã thống nhất được phương án giải quyết của 19/20 điểm tranh chấp giữa các huyện giáp danh thuộc tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La, chỉ còn tồn tại 01 điểm tranh chấp giữa nhân dân bản Huổi My, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp với nhân dân các bản: Na Su, Chua Ta A, Chua Ta B, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông.

Đối với việc tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa xã Bó Sinh, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông và giữa xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nằm trong 15 điểm đã thống nhất và hai tỉnh đang thống nhất thực hiện như sau:

- Thống nhất để chỉ đạo Sở Nội vụ 2 tỉnh, các ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, UBND các xã giáp ranh triển khai hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó, theo Kế hoạch chung của UBND hai tỉnh lập 03 bộ hồ sơ gồm: 1. Hồ sơ xác định đường ĐGHC; 2. Hồ sơ đề nghị hiệu chỉnh đường ĐGHC; 3. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh đường ĐGHC đồng thời xác lập biên bản hiệp thương trên toàn tuyến ĐGHC giữa 02 tỉnh: Điện Biên – Sơn La (bao gồm cả tuyến có đường ĐGHC chưa rõ ràng hoặc khu vực tranh chấp và cả khu giáp ranh không xảy ra tranh chấp).

- Thống nhất để chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường 2 tỉnh phối hợp cơ quan chức năng có liên quan, UBND các huyện, các xã giáp ranh đo đạc địa chính, phạm vi, diện tích ở các khu vực thuộc 15 điểm mà hai tỉnh đã thống nhất để giao quyền sử dụng đất cho nhân dân ổn định sản xuất lâu dài.

- Thống nhất để chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân, tôn trọng những thỏa thuận mà Chủ tịch UBND hai tỉnh đã thống nhất ký kết tại biên bản Hội nghị hiệp thương giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến đường ĐGHC giữa 2 tỉnh ngày 12/8/2017; không để tái diễn tình trạng xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai xảy ra tại các khu vực này.

3. Dự án Trung tâm Văn hóa thanh, thiếu niên thuộc Tỉnh đoàn Điện Biên: UBND tỉnh cần làm rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, triển khai thực hiện; xác định rõ giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới; chỉ đạo Tỉnh đoàn Điện Biên tiếp tục báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đồng thời xem xét cân đối nguồn vốn để thực hiện nâng cấp, sửa chữa theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa thanh, thiếu niên thuộc Tỉnh đoàn Điện Biên được khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2005, với tổng mức đầu tư 7.000.000.000 đồng. Công trình đã qua 05 lần phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, lần gần đây nhất điều chỉnh lên 14.000.000.000 đồng tại Quyết định số 3586/QĐ-TƯĐTN ngày 10/10/2012 của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, song vì lý do năng lực quản lý dự án của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Điện Biên (chủ đầu tư) còn hạn chế, thiếu các giải pháp để xử lý triệt để những sai sót, tồn tại phát sinh dẫn đến dự án kéo dài nên hiện nay mới hoàn thành được 80% khối lượng công việc (dự án đã giải ngân được 11.171.029.000 đồng, còn nợ chưa thanh toán 1.048.359.000 đồng, số kinh phí cần để đầu tư cải tạo, sửa chữa dự kiến 5.500.000.000 đồng), do đó công trình vẫn chưa được nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng; một số hạng mục công trình đã xuống cấp do không được sử dụng, bảo trì thường xuyên gây lãng phí vốn đầu tư và chưa đạt được mục tiêu đầu tư.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra 02 lần toàn diện quá trình triển khai thực hiện dự án (lần 01 năm 2013, lần 02 năm 2018); trên cơ sở kết quả kiểm tra năm 2018, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành Văn bản số 1182/UBND-KGVX ngày 09/5/2018 đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với các tồn tại, hạn chế thuộc trách nhiệm của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Sau khi có ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh sẽ giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh phương án sửa chữa, cải tạo công trình Trung tâm Văn hóa thanh, thiếu niên tỉnh Điện Biên để sớm đưa Trung tâm Văn hóa thanh, thiếu nhi vào hoạt động phục vụ nhu cầu của thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh.

(còn nữa)

BBT

 

 

.