Tour du lịch 0 đồng: Ai thiệt thòi nhất?

Thứ Tư, 04/07/2018, 07:17 [GMT+7]

Khách đi tour du lịch 0 đồng đều được đưa vào những nơi mua sắm đắt đỏ, nếu muốn đi đâu lại phải trả thêm tiền.

Sự phát triển nóng từ mô hình kinh doanh tour du lịch 0 đồng tại thành phố Đà Nẵng đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường du lịch, giảm sút chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng quyền lợi của du khách.
 

1
Hiện nay lượng khách tại Đà Nẵng bằng tour du lịch giá rẻ rất đông.


Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có văn bản giao nhiệm vụ cho Sở Du lịch khẩn trương rà soát, báo cáo thực trạng hoạt động của các tour du lịch 0 đồng trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đón hơn 4 triệu lượt khách tới thăm quan, du lịch. Trong đó, khách Hàn Quốc có hơn 800.000 lượt, khách Trung Quốc gần 400.000 lượt tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự bùng nổ về thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến Đà Nẵng đã đóng góp vào nguồn thu cho thành phố nói chung và ngành du lịch thành phố nói riêng.

Tuy vậy, khách đến đông bằng tour du lịch 0 đồng lại là mối lo cho thành phố. Anh Nguyễn Văn A, một hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung cho biết, với những kiểu tổ chức tour du lịch 0 đồng, hướng dẫn viên du lịch và người dân bản địa kinh doanh các dịch vụ du lịch không hưởng được nguồn lợi nào.

“Thứ nhất là về lương rồi những chi phí khác tất cả đều đưa về Trung Quốc nắm giữ hết. Hướng dẫn viên Việt Nam mình thì chỉ nhận được công tác phí một ngày đó bao nhiêu thôi, còn tất cả các chi phí khác thì bên Trung Quốc nắm giữ hết”.

Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vitours Đà Nẵng, hiện nay, điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quy định đơn giản. Nhiều công ty nước ngoài lợi dụng chính sách thông thoáng đã tự ý đưa đón khách, bán tour, gây bất lợi cho các điểm đến.

Các tour du lịch 0 đồng thường có cách hoạt động phổ biến như: các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch 0 đồng, sau đó kết nối và bán lại cho công ty lữ hành của quốc gia được chọn làm điểm đến. Tại Đà Nẵng thì chủ yếu là khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Để bù vào chi phí tổ chức tour giá rẻ, khi tới điểm đến, họ bán thêm tour và đưa khách đi mua sắm tại những cửa hàng đã định sẵn để thu lợi nhuận.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết, dù không mất chi phí cho hoạt động tham quan, không phải lo nơi ăn chốn ở nhưng khách du lịch phải tiêu tốn nhiều tiền cho các trung tâm thương mại có giá rất đắt, chỉ chuyên phục vụ khách đi tour.

“Khách Trung Quốc và Hàn Quốc đi tour dưới giá vốn, tức là tour 0 đồng. Bán như vậy, thì khi qua đây để cân bằng lợi nhuận của họ bằng cách họ bán thêm tour tự chọn ví dụ như: họ làm tour 4 ngày 3 đêm nhưng không có tham quan gì cả. Sau đó họ bán thêm một tour riêng ra ví dụ ở Đà Nẵng đi Bà Nà, Hội An hay đi Huế thì họ sẽ bán giá cao hơn để họ bù lại việc họ bán tour dưới giá vốn, hay họ đưa đi shopping”, ông Lê Tấn Thanh Tùng nói.

Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tiến hành hơn 90 lượt kiểm tra hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch và các cơ sở kinh doanh lưu trú. Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 triệu đồng. Trước thực trạng này, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan, đề ra nhiều giải pháp hạn chế của tour du lịch 0 đồng.

Trước mắt, để hạn chế những du khách đến Đà Nẵng bằng tour du lịch giá rẻ, Sở Du lịch thành phố cũng nghiên cứu triển khai chiến lược xúc tiến mở rộng thị trường khách Đông Bắc Á, Úc, Ấn Độ, Nga, Tây Âu... đa dạng nguồn khách, tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: “Ủy ban nhân dân thành phố cũng đang giao cho Sở làm báo về tour giá rẻ, thì chúng tôi cũng đang hoàn thiện. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau, cho nên bây giờ mới họp xong và đang trình với Chính phủ”./.

 

 

Theo VOV

.