Mường nhé khắc phục hậu quả thiên tai

Thứ Bảy, 14/07/2018, 16:39 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mưa lớn kéo dài dịp cuối tháng 6 đã gây ngập lụt và sạt lở đất trên địa bàn các xã Leng Su Sìn, Sen Thượng, Mường Toong, Mường Nhé, Nậm Kè, Pá Mỳ để lại hậu quả nặng nề. Gần 70 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 3 nhà bị sập hoàn toàn, 1 nhà bị nước lũ cuốn trôi, nhiều 

Hơn 10 ngày khi cơn lũ đi qua, chúng tôi có mặt tại bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé. Những hậu quả nặng nề của cơn lũ để lại còn ngổn ngang, hàng chục ngôi nhà vẫn chưa thể ở do bùn đất vùi lấp. Những đứa trẻ vẫn ngây thơ đùa nghịch trước đống đổ nát trong khi những người lớn đang cố gắng khắc phục tạm thời nơi ăn, chốn ở.

Nhiều người dân bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé vẫn chưa quên nỗi kinh hoàng và sự mất mát to lớn do trận lũ quét gây ra. Chỉ sau một đêm, gần 30 ngôi nhà đã chịu ảnh hưởng nặng nề, phần lớn tài sản bị cuốn trôi.

1
Bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé bị thiệt hại khi cơn lũ đi qua. ảnh Gia đình Anh Sùng Chừ Cụa Bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn tang hoang sau cơn lũ

 

Gia đình anh Sùng Chừ Cụa có hai ngôi nhà bị thiệt hại đến nay vẫn chưa thể dựng lại được, tài sản gồm: Giường, chiếu, thóc ngô bị nước lũ cuốn trôi hết. Giờ đây căn nhà chỉ còn lại mái che, nhưng anh chị vẫn phải khắc phục để ở tạm thời. Trong căn nhà trống, vợ anh Sùng Chừ Cụa gấp lại những bộ quần áo mới được trợ giúp từ những nhà hảo tâm. Những gói mỳ tôm hàng cứu trợ và những con ốc vớt được sau lũ treo trên bếp kia là thực phẩm chính của anh chị trong những ngày này.
 
Thu dọn những bộ quần áo còn xót lại trong căn nhà đầy bùn đất do bị ngập chìm trong lũ, ông Giàng A Hủ chia sẻ: Hôm xảy ra lũ rất may là ông không ở nhà. Lũ xảy ra trong đêm, nước lớn chảy xiết và diễn ra rất nhanh, thân già nếu lại ở một mình khó mà trống chọi trước cơn lũ lớn.
 
Nhiều người dân bản Cà Là Pá còn chưa hết bàng hoàng vì từ khi về sinh sống tại bản Cà Là Pá, chưa từng có trận lũ nào lớn và hậu quả thiệt hại nặng nề như trận lũ lần này. Cơn lũ quét, nước lên rất nhanh, chảy xiết, lại xảy ra ban đêm nên nhiều người dân không kịp trở tay.
 

1
Gia đình anh Sùng Chừ Cụa Bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé tìm nhặt những tài sản còn lại khi cơn lũ đi qua

 

Sau trận lũ lớn, không chỉ có hàng chục căn nhà bị vùi lấp, hàng chục hộ bị cô lập, chia cắt bởi cây cầu treo duy nhất nối con suối Mo Phí bị lũ cuốn trôi.

Tại xã Sen Thượng, 10 ngày sau lũ, hai tuyến giao thông liên cụm bản Pa Ma và tuyến đi Đồn biên phòng Sen Thượng và bản Tả Ló San với chiều dài khoảng 60km, có trên 70 điểm sạt lở nghiêm trọng, trong đó gần 10 điểm sạt lở mất đường, chia cắt hoàn toàn, gây cô lập 5 thôn, bản bao gồm: Bản Chiếu Sừng, Tả Long San, Tả Ló San, Pa Ma và Lò San Chái, giao thông bị cô lập gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân.
 
Theo số liệu thống kê của huyện Mường Nhé, Mưa lũ cũng đã gây những thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, với khoảng trên gần 100ha diện tích lúa, ngô bị mất trắng và hàng chục ha diện tích hoa màu không còn khả năng khắc phục.

Mưa lũ cung cuốn trôi 4 con trâu, 1 con bò, 40 con lợn và hàng trăm con gia cầm; 20 hộ gia đình nuôi cá ao bị vỡ; hàng chục công trình thủy lợi, trường học, kè chống sạt lở tại các xã Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn, Nậm Vì, Pá Mỳ, Sen Thượng, Huổi Lếch, Quảng Lâm bị hư hỏng do lũ, sạt lở đất, ước tính thiệt hại là trên 30 tỷ đồng.

Để ổn định cuộc sống người dân vùng lũ, huyện Mường Nhé đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện để mở các tuyến đường tạm thời đến các bản bị cô lập do sạt lở đường. Công tác cứu hộ, cứu nạn đã được kịp thời triển khai.

1
Huyện Mường Nhé đã khẩn trương khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra đặc biệt là đảm bảo giao thông trong toàn huyện

 

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Sau khi lũ quét đi qua, huyện Mường Nhé xác định, việc quan trọng nhất là phải tập trung ổn định đời sống cho người dân vùng lũ, không để hộ nào phải sống trong cảnh đói, rét. Do đó, những ngày đầu sau lũ, huyện đã tập trung hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm để người dân yên tâm ổn định đời sống.
 
Sống trong nỗi lo âu là điều mà nhiều bà con ở bản Cà Là Pá chia sẻ: Sau một đêm nhiều gia đình bị dòng nước lũ cuốn trôi mất hết nhà cửa, ngô, thóc. Không còn nhà ở, họ phải đi ở nhờ, sống trong sự đùm bọc của hàng xóm, láng giềng và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cùng những tấm lòng thiện nguyện.

Những hộ may mắn hơn khi đất đá chỉ "ghé thăm” chứ chưa vùi lấp tất cả thì nay lại sống trong sợ hãi, khi mà trên những triền đồi sau nhà đã xuất hiện những vết nứt lớn, chỉ cần một cơn mưa lớn là có thể trôi xuống vùi lấp sản nghiệp của họ bất cứ lúc nào.

Để làm được căn nhà, ổn định đời sống như ngày hôm nay nhiều hộ gia đình ở bản Cà Là Pá phải rất nỗ lực và có sự hỗ trợ của Nhà nước mới làm được. Vì vậy, biết mình sống trong vùng không an toàn trong mùa mưa lũ và phải di dời đến nơi an toàn nhưng nhiều gia đình kinh tế khó khăn và với suy nghĩ chủ quan là theo quy luật chỉ 10 năm mới có một lần lũ lớn nên không muốn chuyển đi.
 
Chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết, thiên tai cực đoan, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mường Nhé đã ban hành công điện về việc chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó thiên tai và khắc phục thiệt hại sau mưa lũ trên địa bàn.

Theo đó, yêu cầu các ban, ngành, phòng ban chuyên môn, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về diễn biến tình hình mưa lũ để kịp thời sơ tán, di dời người và tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu người, tài sản tại các khu vực khi có thiên tai xảy ra.

1
Huyện Mường Nhé đã kịp thời hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm tại các khu vực bị chia cắt, vận động và kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở

 

Cùng với đó, bố trí lực lượng và chuẩn bị các điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân vùng thiên tai, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm tại các khu vực bị chia cắt, khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng và tại địa điểm sơ tán; hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại theo chế độ, chính sách hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương.

Đồng thời, vận động và kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, đặc biệt lưu ý ở các khu vực hai bên sông, suối, hạ lưu các ao, hồ, đập; đảm bảo an toàn giao thông và thông tin liên lạc thông suốt đáp ứng các yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai.
 
Mùa mưa bão đã đến, việc khẩn trương và chủ động trong công tác phòng chống lũ bão là việc làm cấp thiết. Song, bên cạnh sự chuẩn bị của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng thì một trong những yếu tố quan trọng chính là ý thức chủ động, tích cực hợp tác của mỗi người dân trong công tác phòng chống lũ bão. Có như vậy, mới hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra./.

                                          

 

 

Trần Sơn – Duy Hưng/Dienbientv.vn

.