Tuổi trẻ học Bác từ những điều nhỏ nhất

Thứ Hai, 11/06/2018, 11:03 [GMT+7]

 Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo HS-SV trên cả nước.
 
Suốt 4 năm nay có một cuộc thi do ngành giáo dục – đào tạo tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Đó là cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo chia sẻ của nhiều thí sinh, điều quý giá họ nhận được từ cuộc thi này không phải là giải thưởng mà chính là những bài học kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
 

1
Nhiều hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc


Việc thu hút hơn 1 triệu 120 ngàn thí sinh đến từ 14.000 trường phổ thông và trên 100 trường đại học, cao đẳng ở tất cả 63 tỉnh, thành tham gia đã cho thấy sức lan tỏa của cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018.
Các thí sinh này đại diện cho hàng triệu học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên luôn hăng hái học tập cái mới, điều hay, những tư tưởng, phong cách giúp những người trẻ như họ sống tốt hơn mỗi ngày để cống hiến nhiều hơn cho đất nước, quê hương.

Là học sinh phổ thông và đam mê hoạt động đoàn, công tác xã hội, ngay khi biết thông tin về cuộc thi, Trần Ngọc Diệp, học sinh Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A, thành phố Hà Nội đã tự tin đăng ký tham gia. Không ép buộc bản thân phải học một cách máy móc những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sách vở mà mỗi bài học, kinh nghiệm đều được cô trò nhỏ liên hệ với thực tế để hiểu đúng hơn, nhớ lâu hơn.

Giành ngôi vị á quân của bảng A dành cho học sinh phổ thông trong lần đầu tiên tham gia cuộc thi, Diệp rất vui và tự hào. Thế nhưng theo Trần Ngọc Diệp, những điều em nhận về từ cuộc thi ý nghĩa này còn nhiều hơn thế.

Trần Ngọc Diệp nói: “Điều chân thật nhất mà em có thể học được từ cuộc thi này là việc tu dưỡng đạo đức như Bác Hồ từng nói “Tu dưỡng bản thân như rửa mặt hàng ngày”. Em luôn tự nói với bản thân phải làm như thế nào để trở thành con ngoan, trò giỏi. Điều đó phải được thực hiện hàng ngày, hàng giờ, không bao giờ được quên mục tiêu của bản thân hoặc lơi lỏng phút giây nào”.

Nhiều thí sinh cho biết, chỉ một thời gian ngắn gắn bó với cuộc thi, các bạn đã hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống và nhận thấy mình trưởng thành hơn, muốn cho đi nhiều hơn thay vì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân. Khi nghe đến tên cuộc thi, nhiều bạn trẻ tỏ ra e dè. Thế nhưng càng vào các vòng trong, các thí sinh tự rút ra nhiều bài học quý giá từ tấm gương của một Anh hùng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng như nhiều thí sinh khác, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thảo My, giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cảm thấy biết ơn vì cuộc thi đã bổ sung cho chị nhiều kiến thức quý giá để từng bước thay đổi thói quen học tập, rèn luyện và giảng dạy.

Giảng viên trẻ này cho hay, nhờ tham gia cuộc thi mà chị hiểu hơn về cách mạng Việt Nam, về những gì mà Bác Hồ đã cống hiến và phẩm chất, tác phong quá tuyệt vời của Người. Điều Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thảo My tâm đắc nhất khi học Bác Hồ chính là cách sống, cách nghĩ và cách làm mọi thứ chỉn chu, nghiêm túc, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thảo My chia sẻ: “Trong những quyển sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những phương châm, tiêu chí về việc học tập tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh thì tôi thấy việc “nói đi đôi với làm” là tư tưởng mà mình phải thực hiện ngay. Đặc biệt là trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, rất nhiều bạn trẻ giỏi. Vì vậy các bạn nên kết hợp giữa việc nghĩ ra ý tưởng và thực hiện ý tưởng, sẽ giúp cho nước nhà phát triển hơn”.

Ba tháng gắn kết với cuộc thi, mỗi thí sinh đã tích lũy cho bản thân nhiều bài học quý giá từ tấm gương cao quý - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng theo bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, đại diện Ban tổ chức, mọi thứ chỉ mới bắt đầu.

Điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ khi bước ra từ cuộc thi phải lan tỏa được ý nghĩa từ những điều mình nhận thức bằng hành động cụ thể chứ không dừng lại ở lời nói suông. Có quá nhiều thứ để học và tôi luyện nên không thể vội vàng. Mỗi ngày học một ít từ Bác rồi chủ động vận dụng vào cuộc sống, người trẻ sẽ thấy mình trưởng thành hơn.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết “Chúng ta học được về quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối cách mạng, về những chủ trương lớn, về tấm gương đạo đức của Bác, hay phong cách làm việc khoa học, dân chủ, luôn vì dân. Đặc biệt chúng ta học được tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, về những lời dạy của Bác đối với thế hệ trẻ, đối với ngành giáo dục – đào tạo”.

Khi tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các thế hệ học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên hôm nay chuyển hóa thành các phong trào thi đua sôi nổi, tích cực trong môi trường giáo dục thì không xa nữa chúng ta sẽ có được một thế hệ trẻ đủ tài trí và đạo đức, sẵn sàng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh đúng như lời dặn của Người: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”./.

 

 

Theo VOV

.