Núa Ngam- Nỗi lo về sân chơi cho trẻ em trong ngày hè

Thứ Tư, 27/06/2018, 15:10 [GMT+7]

Điện Biên TV- Một mùa hè nữa lại về, nỗi lo về sân chơi cho trẻ em lại càng trở nên bức thiết. Tại xã miền núi khó khăn như Núa Ngam, huyện Điện Biên, mặc dù cấp ủy chính quyền và các đoàn thể đã quan tâm tổ chức các buổi sinh hoạt hè giúp các cháu có được ngày hè thiết thực, bổ ích. Song do thiếu sân chơi tập trung nên công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trong dịp hè còn đó nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, công tác quan tâm, chăm sóc trẻ nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn được Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Núa Ngam chú trọng. Qua trao đổi Anh Vì Văn Sinh, Bí thư Đoàn thanh niên xã Núa Ngam, huyện Điện Biên cho biết: “Để tạo được ngày hè bổ ích, ý nghĩa cho thiếu niên, nhi đồng, đoàn thể xã đã chỉ đạo cho lực lượng đoàn viên thanh niên phối kết hợp với các đoàn thể tổ chức các hoạt động hè cho thiếu niên, nhi đồng.

1
Do không có địa điểm vui chơi do vậy các bãi trống ven suối là điểm vui chơi của các em ở xã Núa Ngam. ảnh Đây là sân chơi của các trẻ tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên

 

Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao để thu hút các em tham gia nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ, góp phần nâng cao sự hiểu biết và cách tự bảo vệ bản thân trước các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, Đoàn xã đã chỉ đạo các chi đoàn thôn,bản lồng ghép những ngày giành cho trẻ như 1/6, tết Trung thu tổ chức cho các cháu được gặp gỡ giao lưu, phổ biến các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn từ việc các cháu tắm ở sông, suối, ao, hồ… và động viên khích lệ các cháu đạt thành tích học tập cao trong học tập

Tuy nhiên, do không có kinh phí tổ chức cùng với việc thiếu sân chơi tập trung nên các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao không tổ chức được mà chỉ chọn các nhà văn hóa thôn, bản tổ chức bánh kẹo cho các em”.

Là một xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo toàn xã có 216 hộ nghèo và 237 hộ cận nghèo, từ đó việc tổ chức sân chơi cho trẻ em trong ngày hè vô cùng khó khăn, đa phần các em ở các thôn bản xa trung tâm cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn và thời gian nghỉ hè là dịp để các em phụ giúp bố mẹ công việc nhà như: chăn trâu, bó lúa, rẽ nương… Trong điều kiện thiếu sân chơi tập trung và gia đình không có điều kiện nên chủ yếu các em tự chơi với nhau bằng những trò chơi quen thuộc như nhảy dây, đá bóng…

Em Lò Văn Huy, bản Na Sang II, xã Núa Ngam chia sẻ: “bọn em ở đây không có sân chơi nên việc chúng em làm mỗi khi rảnh là đi quăng chài bắt cá, ngoài ra bọn em còn tự chơi đá bóng với nhau ở bãi cạnh ven suối, nhưng hiện giờ nước lũ về nhiều ngập cả bãi nên bọn em không có sân chơi. 

Thời gian nghỉ hè cũng là thời điểm nông dân trong xã bận rộn thu hoạch lúa vụ Chiêm, khẩn trương khung thời vụ làm đất gieo cấy vụ mùa và mùa cấy rẽ trên nương bắt đầu, nên hầu như các bậc phụ huynh đều không có thời gian quan tâm đến con cái. Có chăng cũng chỉ là cho các cháu chơi với bạn bè vào mỗi buổi chiều tối, bởi thời gian ban ngày, các em còn phụ giúp bố mẹ công việc nhà.

1
Không có sân chơi tập trung nên việc các em nhỏ thường làm là đi quăng chài, bắt cá…

 

Chị Tòng Thị Phượng- bản Pá Bông, xã Núa Ngam cho hay: “vợ chồng chúng tôi quanh năm thì làm lụng vất vả, hết lúa nước thì làm lúa nương, trồng cây ngô, cây sắn trên nương, các con ở nhà đi học hết, lúc nghỉ hè thì về phụ giúp bố mẹ việc vặt trong nhà, còn chỗ chơi thì mấy đứa nhỏ chúng nó tự chơi với nhau, mà ít khi được đi chơi lắm vì gia đình còn nghèo điều kiện cho các con ra ngoài kia đi chơi là không có, với lại các cháu ở bản Khơ mú này đến tuổi dậy thì đều phải đi làm cùng bố mẹ hết”.

Cách trung tâm xã khoảng chừng 7km là bản Huổi Hua ở đây 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, có đến 99% tỷ lệ hộ nghèo thì để tạo điều kiện cho con em mình có chỗ chơi là điều không có, ngay cả ở trung tâm xã các em nhỏ còn không có sân chơi tập trung thì nói gì đến các em ở thôn, bản xa cơm ăn, áo mặc còn không có.

Khi được hỏi về mong muốn của các em trong ngày hè, em Mùa A Tà, bản Huổi Hua, xã Núa Ngam chia sẻ: “bây giờ là mùa làm nương nên em phải đi giúp bố mẹ, chiều về là chỉ có tắm suối hoặc trèo cây chơi. Em chỉ mong có chỗ chơi để em và các bạn nhỏ trong bản không phải vào rừng chơi nữa, bản chúng em cũng may nhờ sự quan tâm của Nhà nước nên đã được kéo điện đến bản mới được xem tivi”.

Đối với trẻ em, môi trường vui chơi lành mạnh, an toàn là điều kiện quan trọng và cần thiết giúp trẻ phát triển và hoàn thiện kỹ năng sống. Tuy nhiên, khi mà địa phương chưa có điều kiện để đầu tư, xây dựng điểm vui chơi tập trung, thì các bậc phụ huynh cần  quan tâm, chăm sóc con em, hướng các em những trò chơi lành mạnh, an toàn để các em có được dịp hè bổ ích, ý nghĩa./.


                                                                                                  

Thúy Hằng

.