Điện Biên: Ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi ngày càng tăng

Thứ Bảy, 23/06/2018, 15:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tình trạng ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang ngày càng trầm trọng khi phần nhiều nông dân không có biện pháp để xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra môi trường.

Ngành chăn nuôi của tỉnh Điện Biên trong những năm gần đây có những bước tiến đáng kể, theo số liệu thống kê năm 2017, hiện toàn tỉnh có tổng số đầu lợn trên 385.000 con, trâu bò hơn 187.000 con, gia cầm hơn 3.822.000 con.

Ước tính tổng số chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát thải khoảng gần 3 triệu tấn/năm. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón. Tuy nhiên trước khi đưa vào sử dụng, việc xử lý chất thải chăn nuôi có sự khác nhau theo quy mô chăn nuôi.

Với quy mô chăn nuôi trang trại và gia trại thì việc xử lý chất thải chăn nuôi phần lớn áp dụng theo phương pháp sinh học (Biogas, ủ…) các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gắn với sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi chủ yếu được chuyển từ chuồng nuôi ra ngoài đồng bón cho cây trồng, số lượng được xử lý rất ít. Hiện nay vẫn còn các hộ chăn nuôi có quy mô lớn hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý và đổ trực tiếp vào hệ thống thoát nước kênh, mương trong vùng.

1
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gắn với sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi chủ yếu được chuyển từ chuồng nuôi ra ngoài đồng bón cho cây trồng và đổ trực tiếp vào hệ thống thoát nước kênh, mương ra môi trường


Trong đó, nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chăn nuôi bao gồm: Chất thải rắn (lông, phân, rác, thức ăn thừa); chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, vệ sinh máng ăn, nước tắm rửa cho gia súc). Chất thải chăn nuoi không được thu gom triệt để sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, môi trường không khí, đất và nước.

Bên cạnh đó, tình trạng thả rông, chăn thả trên đất dốc, đầu nguồn nước… làm tăng diện tích xói mòn, suy giảm chất lượng nước. Ô nhiễm môi trường còn làm phát sinh dịch bệnh vật nuôi gây ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi, gây mất an toàn thực phẩm và có nguy cơ lây nhiễm sang người.

Trong thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 03 bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tuần Giao; cải tạo xử lý 01 bãi chôn lấp rác thải TP Điện Biên Phủ; 03 cơ sở xử lý rác thải bằng hình thức đốt kết hợp bãi chôn lấp.

Bên cạnh đó nhiều các công trình xử lý nước thải được triển khai và đưa vào sử dụng như: dự án Hệ thống thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường khu tái định cư Chi Luông, Đồi Cao, Cơ Khí, Nậm Cản thị xã Mường Lay; dự án Hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên do kinh phí đầu tư cho hoạt động quản lý, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt chủ yếu là do ngân sách địa phương nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác quản lý, thu gom tại các vùng nông thôn..

1
Trâu bò thả rông là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường do xả thải tự do


Một trong những nguyên nhân không nhỏ đó là nhận thức về bảo vệ môi trường của cơ sở chăn nuôi và người dân vẫn chưa tạo ra sự chuyển biến mới trong hành động để thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Phong tục tập quán của một số đồng bào vẫn chăn nuôi theo hình thức chăn thả, nuôi nhốt vật nuôi dưới gầm sàn, gây ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như công tác bảo đảm vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó phần lớn các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ không có đủ điều kiện về tài chính để đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn.

Để đạt mục tiêu ngành chăn nuôi phát triển theo hướng chăn nuôi công nghiệp tập trung và hiện đại, bảo đảm chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường nhằm phát triển bền vững, các tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động chăn nuôi cần có giải pháp xử lý môi trường phù hợp để quản lý hiệu quả hơn việc xử lý chất thải rắn, lỏng và khí từ các hoạt động chăn nuôi, góp phần nâng cao chăn nuôi an toàn sinh học, giảm dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho cộng đồng./.

 

 

Minh Trang

.