Điện Biên chủ động phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão

Chủ Nhật, 20/05/2018, 09:34 [GMT+7]
Điện Biên TV - Trong những năm qua, tình hình thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là xuất hiện mưa đá, gió lốc đã làm thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Chính vì thế bước vào mùa mưa, bão năm 2018 tỉnh Điện Biên đã chủ động đề ra các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế địa phương, nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và tài sản.
 
Nhìn lại mùa mưa bão năm ngoái.
 
s
Đoạn đường từ thành phố Điện Biên Phủ đi huyện Điện Biên Đông bị đất đá sạt lở và cây cối chắn ngang (ảnh kt)

s
Cầu treo tại xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên) bị đứt cáp khiến người và phương tiện đang lưu thông mắc kẹt; lực lượng chức năng địa phương đã tham gia cứu hộ (ảnh kt)

s
Tại dốc Na Lơi (cách thành phố Điện Biên Phủ 6 km), cảnh sát giao thông và người dân căng mình dọn dẹp cây đổ và bùn đất để mở đường (ảnh kt)

Như vậy, năm 2017, tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng bởi nhiều loại hình thời tiết. Các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm như mưa lớn, lũ lụt, dông sét... diễn biến khá phức tạp theo không gian và thời gian trên địa bàn toàn tỉnh. Trên các sông Nậm Mức, Nậm Nưa xuất hiện 7 trận lũ, trong đó có 1 trận đạt cấp độ báo động III.
 
Toàn tỉnh đã có 12 người chết, 1 người mất tích và 2 người bị thương. 379 nhà ở bị thiệt hại do lốc, lũ, sạt lở đất, cây đổ; trong đó 11 nhà bị đổ, 39 nhà thiệt hại 30 – 70%, 230 nhà bị thiệt hại dưới 30%, 82 nhà phải di dời khẩn cấp và 17 nhà có nguy cơ sạt lở. 30 điểm trường và 40 phòng học, phòng chức năng bị thiệt hại nặng; 1 trạm y tế và 4 phòng khám đa khoa bị thiệt hại. Về sản xuất nông, lâm nghiệp: gần 836ha lúa, trên 69ha hoa màu, 38 ha ngô và gần 75ha diện tích ao tôm cá bị thiệt hại do mưa, lũ. Về công trình thủy lợi: 57 công trình bị thiệt hại nặng, 3.740m kênh bị hư hỏng do sạt lở, 8 công trình nước sinh hoạt bị thiệt hại và trên 6.600m ống nước sinh hoạt bị đứt hỏng. Về hạ tầng giao thông: trên 755.520m3 đất đá sạt lở xuống đường, 1.145m2 mặt đường hư hỏng do mưa lũ, 1.480m đường sạt lở... Ước tính thiệt hại khoảng trên 156 tỷ đồng.
 
Cần chủ động phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão
 
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị  triển khai công tác phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn năm 2018.
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn năm 2018 vừa qua.

Trước tình hình khí hậu ngày càng biến đổi, thiên tai diễn ra thường xuyên với tần suất dầy và gây thiệt hại ngày càng nặng nề hơn đặc biệt là vào các tháng cuối năm, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên xác định đặt lên hàng đầu việc kiểm tra, rà soát và kịp thời tu sửa, bảo đảm an toàn các công trình hồ, đập, kè chống xói lở đang thi công vượt lũ, công trình thủy điện; tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai ở tất cả các cấp, ngành; xây dựng kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch để đáp ứng kịp thời khi có mưa lũ xẩy ra…

Năm 2018, với phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khân trương và hiệu quả" trong đó lấy phòng tránh là chính, Ban Chỉ đạo PCTT, TKCN tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động xây dựng phương án phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát xác định các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao có thể xảy ra hiện tượng sạt lở, xói, lở đất, ngập úng... xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.

Tập trung kiểm tra, rà soát và tu sửa bảo trì hồ, đập, kè; xây dựng phương án dự trữ lương thực, thực phẩm; các nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch... Tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là công tác dự báo thời tiết nguy hiểm, bất thường, có nguy cơ xảy ra thiệt hại lớn.

Đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm 2018, Công tác PCTT, TKCN, cần phát huy tối đa phương án "4 tại chỗ"; các huyện, thị, thành phố nên chủ động trong công tác PCTT, TKCN. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, chỉ đạo tốt công tác trực ban; triển khai thực hiện quỹ phòng chống thiên tai để có kế hoạch khi thiên tai xảy ra. Đồng thời đề nghị Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh yêu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố, các tổ chức kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động kiểm tra rà soát, xác định các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao có thể xảy ra hiện tượng sạt, xói, lở đất, ngập úng... để xây dựng phương án dự phòng, chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. Kiên quyết di rời hoặc sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nhất là vùng ven sông suối, nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Tổ chức kiểm tra, kiên quyết đình chỉ thi công đối với các dự án có thải đất đá cản trở thoát lũ hoặc gây sạt lở lấp dòng chảy tạo nguy cơ lũ bùn đá. Chỉ đạo tốt việc phòng chống, cảnh báo và có biện pháp cụ thể tại đơn vị, địa phương để ngăn ngừa các thiệt hại do thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

Công tác phòng phòng chống thiên tai, bão lũ không phải là việc làm mới, nhưng với điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, việc chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành, nhằm bảo vệ tốt hơn người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Tin tưởng rằng việc chuẩn bị tốt công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa năm nay, sẽ góp phần tích cực, làm giảm nhẹ thiệt hại do mưa bão gây ra./.

 

 

Tử Long

.