Huyện Nậm Pồ Tỉnh Điện Biên

Vàng Đán còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba, 10/04/2018, 16:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ là một trong 4 xã đặc biệt khó khăn và đạt tiêu chí NTM thấp nhất huyện Nậm Pồ, do điều kiện của một xã vùng sâu, vùng xa với địa bàn rộng, diện tích lớn, dân cư ở không tập trung, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo kế hoạch là điều thực sự khó khăn.

Ông Giàng A Cáng, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Đán cho biết: “Toàn xã hiện có 67% hộ nghèo. Ngoài bản 2 bản trung tâm thì 5 bản khác đều nằm cách trung tâm xã từ 5 – 10km. Do địa hình phân tán, dân cư thưa thớt nên ảnh hưởng khá nhiều tới xây dựng nông thôn mới. Ngoài 3 tiêu chí về: An ninh trật tự, quy hoạch và số lao động có việc làm thì trong năm 2018, xã Vàng Đán đang phấn đấu hoàn thành thêm tiêu chí thứ tư về y tế.

1
Công trình xây dựng điểm trường Tiểu học Vàng Đán đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ theo chươn trình NTM.

 

Tuy nhiên để hoàn thành tiêu chí này là điều vô cùng khó khăn bởi trình độ dân trí còn thấp, bà con chưa quan tâm tới việc khám chữa bệnh và không mặn mà với cơ sở y tế; việc chăm sóc sức khỏe chưa đảm bảo, số lượng trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng thấp (dưới 7%) trong khi số lượng trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi cao (trên 30%)”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy hiện nay cơ cấu kinh tế xã Vàng Đán còn yếu, sản xuất nông - lâm nghiệp chưa phát triển, chưa có vùng sản xuất chuyên canh. Bà con gieo trổng và sản xuất với quy mô nhỏ lẻ. Nông sản của bà con chủ yếu để tiêu dùng tại chỗ, chưa trở thành hàng hóa.

Phân tích điều này, Phó Chủ tịch xã Vàng Đán Giàng A Cáng cho biết thêm, do địa hình xã chủ yếu là đồi, núi cao, hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo nên nhiều năm nay, xã Vàng Đán thiếu nước sinh hoạt và sản xuất khá trầm trọng, chính vì thế ảnh hưởng nhiều tới việc gieo trồng, chăn nuôi và phát triển kinh tế của bà con.

Khó khăn tiếp nối khó khăn, do địa bàn cách trở, việc đi lại từ các bản ra trung tâm xã còn chưa thuận lợi, đường vào các bản đều là đường đất, vì thế muốn đầu tư và xây dựng các tiêu chí NTM thì trước tiên là hệ thống giao thông, thủy lợi trên địa bàn phải được đầu tư trước tiên và đảm bảo hơn. 

1
Người dân ở Vàng Đán phát triển chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tự cung tự cấp chứ chưa có mô hình chăn nuôi lớn.

 

Mặc dù vô vàn khó khăn, nhưng chính quyền xã Vàng Đán không nản lòng, trước mắt, xã đề ra nhiệm vụ tập trung xóa đói, giảm nghèo, thay đổi cơ cấu gieo trồng giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống. Phấn đấu hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm 10%. Song song với đó, xã kêu gọi nguồn đầu tư, hỗ trợ từ chương trình NTM để xây dựng đường giao thông liên bản, hệ thống thủy lợi, công trình trường, trạm...

Mục tiêu tới năm 2020, hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản được đảm bảo và thông suốt.
Có thể nói, để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM đối với một xã biên giới là nhiệm vụ khá nặng nề, khó khăn cần sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và ủng hộ của người dân.

Không chỉ riêng Vàng Đán, mà các xã khác trong huyện Nậm Pồ như: Na Cô Sa, Nậm Chua, Nậm Nhừ hiện nay đều nằm trong “top” các xã đặc biệt khó khăn có số tiêu chí NTM thấp. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay và quan tâm đầu tư xây dựng của các cấp, ngành chức năng trong huyện Nậm Pồ nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung trong việc kêu gọi nguồn lực đầu tư xã hội hóa, huy động sự ủng hộ từ phía người dân; đồng thời cần nghiên cứu, điều chỉnh các tiêu chí theo đặc thù, phù hợp điều kiện thực tế ở vùng cao.

 

 

CTV - Phương Liên

.