Điện Biên

Người "giữ lửa" cho nền Văn hóa dân tộc Lào

Thứ Năm, 19/04/2018, 07:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Một người dân điển hình đang “giữ lửa” cho nền Văn hóa dân tộc Lào, nhiều năm qua đã góp phần tích cực gìn giữ vào nền văn hóa dân tộc truyền thống cho cộng đồng dân tộc Lào nói riêng và 19 anh em dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 8 cá nhân tiêu biểu đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Họ được ví như là những “ Quyển sách sống” mang linh hồn dân tộc và một trong số họ là Bà Lường Thị Sao May ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên

1
Bà Lường Thị Sao May (Người đi đầu) ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên là người “giữ lửa” cho nền Văn hóa dân tộc Lào

 

Nếu như ai muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lào sống trên mảnh đất lịch sử Điện Biên như: nghệ thuật dân gian, các bài dân ca, các điệu hát ru, mừng bản mừng mường, giao duyên, cưới hỏi, hát tế lễ… hay các điệu múa: “Căm bản căm mường”, lăm vông, múa vui mùa vụ… và cả một số lễ hội, nghi thức dân gian thì có lẽ bà Lường Thị Sao May là người nắm rõ nhất.

Việc gìn giữ, trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc đối với bà May như một thói quen sinh hoạt đời thường, các hoạt động chung của bản và ngày lễ tết dân tộc, những bài ca, điệu múa truyền thống mà bà thể hiện, dàn dựng được người dân trong bản, đặc biệt là lớp trẻ tìm hiểu, tiếp thu. Từ đó, bản Na Sang dần trở thành cộng đồng dân tộc Lào nổi bật tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Trong nhiều sự kiện văn hóa, bà May được tỉnh Điện Biên cử đi tham dự nhiều chương trình trong nước, cũng như quốc tế, mỗi chuyến đi lại đầy ắp bao kỷ niệm. Bà Lường Thị Sao May tâm sự: “Năm 1992 tôi đoạt Huy chương vàng trong cuộc thi Hát ru con lần thứ nhất tại thành phố Huế

Năm 1996 khi được vinh dự được giao nhiệm vụ đọc lời phát biểu cho toàn tỉnh Lai Châu tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Sau khi đọc xong đã xin phép hát tặng hội nghị một bài và đã gây ấn tượng mạnh tới các đại biểu tham dự hội nghị năm đó.

Năm 2012, tôi được Nhà nước chọn đi dự hội nghị ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan tại Thái Lan tôi cũng thể hiện nhiều bài hát dân ca, mỗi bài hát tôi diễn tả lại tình hữu nghị của người dân Việt Nam đối với người dân của nước  Thái Lan, đặc biệt là những người Lào”.Bà May tâm sự.

Từ lúc bà May nghỉ hưu đến nay, các giá trị văn hóa trong dân tộc từ điệu múa cho đến các nghi lễ cổ truyền đã được bà May cùng Hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh phục dựng lại qua các lễ hội truyền thống của bản. Không chỉ có văn nghệ, trong trang phục dân tộc bà cũng dành nhiều tâm huyết vận động bà con trong bản giữ gìn. Vì vậy, đến nay, chị em trong bản mỗi khi đi tham dự lễ hội, tới chốn đông người đều có ý thức trong việc quảng bá hình ảnh hoa văn trên trang phục của dân tộc mình.

Không những vậy đối với dân bản bà May còn là một cây “đại thụ” giữ lửa cho nền văn hóa dân tộc không bị lãng quên. Ðặc biệt, mới đây Tết té nước (Bun huột nặm) của đồng bào dân tộc Lào được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, không ai khác một trong những người “đầu tàu” gìn giữ, dẫn dắt các hoạt động trong lễ hội là bà May.

1
Các giá trị Văn hóa trong dân tộc từ điệu múa cho đến các nghi lễ cổ truyền đã được bà May tích cực truyền dạy cho nhiều người

 

Không chỉ nhiệt huyết với việc bảo tồn các giá trị văn hóa trong bản sắc của dân tộc mình mà bà May còn tích cực truyền dạy, dàn dựng các bài hát, múa cổ truyền cho nhiều người, ở nhiều địa bàn khác nhau có dân tộc Lào sinh sống. Đây là những lời chia sẻ của anh Vì Văn Uôn- Trưởng bản Na Sang I xã Núa Ngam, huyện Điện Biên khi nói đến bà May.

Với những đóng góp xứng đáng của mình bà May đã được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do Nhà nước trao tặng. Đó là phần thưởng cao quý dành cho bà trong quá trình lao động, phấn đấu của bản thân cũng như sự tín nhiệm của bà con trong bản dành cho bà. Tuy không mở lớp học đúng nghĩa nhưng bà đã truyền dạy cho nhiều người và sẽ tiếp tục đem những kiến thức văn hóa dân tộc mà bà biết trao truyền cho thế hệ đi sau, đặc biệt là giới trẻ bằng những cách gần gũi nhất, để nét đẹp về Văn hóa truyền thống dân tộc Lào còn được gìn giữ mai sau/.
                                                                                                  

 

 

Thúy Hằng

.