Điện Biên: HĐND tỉnh giám sát Chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công

Thứ Tư, 18/04/2018, 15:14 [GMT+7]

Điện Biên TV – Thực hiện Chương trình giám sát Chuyên đề về chính sách, pháp luật đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng từ năm 2012 – 2017, sáng ngày 18/04, Đoàn Giám sát do đồng chí Lò Văn Muôn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh.

Làm việc với Đoàn có đồng chí Lê Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.


Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý trên 15.500 hồ sơ có công với cách mạng; trong đó có gần 1.180 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng và trên 14.340 đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần.

Tại cuộc giám sát, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên đã tiếp thu và giải trình một số ý kiến cụ thể như sau:

Nghĩa trang thanh niên xung phong (TNXP) vì sao chưa được công nhân là nghĩa trang liệt sỹ? Trả lời: Nghĩa trang TNXP là nơi an táng hài cốt của 18 TNXP thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ công trình Đại Thủy nông Nậm Rốm; trong đó có 7 đồng chí được công nhận là liệt sỹ. Nếu công nhận nghĩa trang TNXP là nghĩa trang liệt sỹ thì 11 đồng chí không đủ điều kiện (do không còn tài liệu, hồ sơ liên quan) cũng được xác nhận là liệt sỹ.

Chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công với cách mạng chưa qua hệ thống bưu điện? Trả lời: Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đang triển thí điểm tại 5 tỉnh trên phạm vi toàn quốc (không có tỉnh Điện Biên). Sau khi tổng kết thí điểm và được triển khai nhân rộng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện trên địa bàn.

Số liệu về giám định gen ADN đã giới thiệu được bao nhiêu trường hợp đi giám định và kết quả? Trả lời: Từ năm 2012 – 2017, có 146 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sỹ từ bên Lào về quy tập tại nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh về Cục Người có công để giám định ADN. Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với thân nhân gia đình liệt sỹ tiến hành lấy 12 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin gửi về Cục Người có công để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sỹ; kết quả có 4 mẫu sinh phẩm hài cốt trùng khớp với ADN.

Bằng nguồn quyên góp, ủng hộ từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, Quỹ Thiện tâm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ủa Quân đội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ làm nhà cho đối tượng chính sách người có công có bị trùng đối tượng từ hai nguồn khác nhau hay không? Trả lời: Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định 610/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, theo đó toàn tỉnh có 1.773 hộ gia đình người có công được hỗ trợ nhà ở (593 hộ cần xây mới, 1.180 hộ cần hỗ trợ cải tạo, sửa chữa) với tổng kinh phí trên 47, 5 tỷ đồng. Trước khi ban hành quyết định này, các huyện, thị, thành phố đã tiến hành rà soát, kiểm tra lại đối tượng lần 2, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định, tránh trường hợp trùng thừa, không đúng đối tượng.

Đồng chí Lò Văn Muôn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách đối với người có công đồng thời yêu cầu làm rõ số lượng hồ sơ tồn đọng chưa được giải quyết của các đối tượng; làm rõ nguyên nhân vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cấp tỉnh, huyện và xã trong việc giải quyết hồ sơ…những khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn chi trả chế độ chính sách cho đối tượng người có công.

Để thực hiện tốt hơn các chế độ chính sách cho người có công, tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu tiếp tục ban hành Thông tư hướng dẫn giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh cho các đối tượng người có công là người dân tộc thiểu số bị thương, hy sinh trong kháng chiến chống Phap nhưng không còn lưu giữ giấy tờ gốc. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu nâng mức hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sỹ theo hướng: hỗ trợ xây dựng vỏ mộ mức tối đa 3.000.000 đồng/mộ; chi hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng đài tưởng niệm liệt sỹ, đền thờ liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ: đối với các địa phương được ngân sách Trung ương bổ sung cân đối, mức hỗ trợ tối đa 70% tổng giá trị công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mức hỗ trợ cụ thể không quá 7 tỷ đồng/công trình cấp tỉnh, 4 tỷ đồng/công trình cấp huyện và 0,4 tỷ đồng/công trình cấp xã.../.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.