Sam Lang ngày trở lại

Chủ Nhật, 11/03/2018, 17:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ lâu, có lẽ khi nhắc đến Sam Lang, hẳn ai cũng phải tặc lưỡi vì sự nghèo khó đủ bề của bản trên mảnh đất Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Giờ đây, với nỗ lực vượt qua khó khăn của bà con, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, cuộc sống ở Sam Lang đang dần bước sang trang mới, họ có quyền nuôi cho mình những ước mơ về tương lai tươi sáng...

Trở lại Sam Lang vào những ngày đầu năm 2018, và có lẽ, do đau đáu với ý nghĩa muốn gặp lại bà con nơi đây, tìm hiểu cuộc sống của họ sau những năm tháng làm lụng vất vả nên với tôi, quãng đường từ trung tâm xã Nà Hỳ đến bản hơn 17 km dường như ngắn hơn, gần hơn.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ vừa được sửa sang gọn gàng sau khi đã hoàn thành “thủ tục” giới thiệu về bản thân, biết chúng tôi là phóng viên, Trưởng bản Giàng A Khoa sẵn lòng kể nhiều chuyện trong trong mấy năm qua. Hơn cả một lời khẳng định, ánh mắt dường như biết nói của Khoa khiến chúng tôi đoán được điều anh muốn khoe về sự khởi sắc của bản.

Nở nụ cười thật tươi, anh nói: “Năm nay, bản mình chẳng lo thiếu đói, lúa được mùa, ngô được mùa, sắn cũng được mùa. Tết này mời cán bộ về ăn Tết cùng bà con”. Lời nói mộc mạc mà giản dị với đôi mắt long lanh trong niềm hạnh phúc của trưởng bản đã làm cái giá lạnh của mùa đông trong tôi dường như không còn nữa.

1
Giờ đây ở Sam Lang, học sinh đã được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp

 

Như để chứng minh cho lời nói của mình, không để chúng tôi uống hết chén nước trắng đang bốc hơi nóng vừa bắc ra trên bếp củi, anh Khoa giục chúng tôi đến nhà anh Giàng A Páo. Chưa kịp bước vào nhà, anh nhanh nhẹn chỉ tay vào khu vực để ngô và thóc của gia đình Páo, rồi khoe: “Đấy, mình nói đúng không? Ngô này, thóc này, sắn này, những chỗ này cũng phải hơn 100 bao.

Ngoài đủ ăn cho 5 khẩu, còn có dư để chăn nuôi, rồi cả để bán nữa”. Sau khi tìm hiểu, được biết, anh Páo là một trong số rất nhiều người chịu thương, chịu khó của bản, biết tìm tòi, học hỏi để thoát nghèo. Bởi trước đây, gia đình anh cũng như các hộ khác, làm lụng vất vả quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn. Nhưng đó là khi chưa biết chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chưa bỏ các tập tục tư duy cũ trong sản xuất…

Giờ thì đã khác khi mà năm nay, với hơn 1ha nương rẫy, anh thu hoạch hơn 100 bao ngô, bao thóc. Trong niềm vui được mùa, anh Páo phấn khởi, chia sẻ: “May bà con bản mình nghe theo cán bộ xã, cán bộ huyện hướng dẫn chăm sóc cây trồng đúng cách, gieo đúng thời điểm, chọn những loại giống tốt nên mới được mùa. Bản mình ai cũng vui. Giờ chẳng lo đói nữa. Không chỉ thế, đầu năm nay, gia đình mình cũng đầu tư mua một cặp bò về nuôi, hiện rất khỏe mạnh, nếu không có gì thay đổi, đầu năm sau bò nhà mình sẽ đẻ con bê đầu tiên!”

Dời gia đình anh Giàng A Páo khi niềm vui vẫn còn đó, Trưởng bản Giàng A Khoa tiếp tục đưa chúng tôi tới nhà ông Vàng A Dia. Dù không hỏi nhưng dọc đường đi, Khoa cũng tâm sự lý do tại sao điểm đến thứ hai là nhà ông Dia. Theo anh, phải dẫn đến người già mới thấy hết được sự cố gắng của người dân trong bản. Chỉ cần gợi ý như vậy, chúng tôi cũng hiểu rằng: Với những người cao tuổi như ông Dia còn làm được, không chỉ làm được mà còn làm giàu thì cớ sao sức trẻ sao chịu thua để cam chịu đói nghèo và tư duy canh tác lạc hậu.

Đang dở dang câu chuyện, chúng tôi đã tới nhà ông Dia theo chỉ dẫn. Tại đây, cũng như gia đình anh Páo, nhà ông Dia thóc, ngô cũng được chất đầy nhà. Ở phía xa xa là đàn trâu. Tôi vội nhẩm nhanh thì số đó cũng gần chục con được nhốt cẩn thận trong chuồng. Nhưng điều mà chúng tôi để ý là các vật dụng sinh hoạt trong gia đình đều mới. Quạt máy, nồi cơm điện, ti vi… rất đầy đủ.

Như đoán được ý định, chưa để chúng tôi lên tiếng, ông Dia bảo: Năm nay được mùa, mình bán một ít thóc, ngô đi để sắm mấy đồ dùng này đấy. Có tiền thì mua luôn một thể. Vì nghe cán bộ xã nói, Nhà nước đã triển khai kéo đường điện hạ thế vào bản từ tháng 9 và đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ dự tính sẽ xong trước Tết để bà con sử dụng. Giờ cũng sắp Tết rồi, hoa màu thì thu hoạch xong, đến lúc nghỉ ngơi để đón xuân về”.

Gia đình anh Giàng A Páo và ông Vàng A Dia chỉ là 1 trong số nhiều hộ mà Trưởng bản Khoa dẫn chúng tôi tới thăm. Ở đây, bà con ai cũng chịu khó làm lụng, một lòng theo Đảng, luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Sau khi làm việc với Trưởng bản Giàng A Khoa, chúng tôi hiểu, đổi thay lớn nhất của gần 400 nhân khẩu với 100% người dân tộc Mông đó là họ đang dần từ bỏ được tập quán sản xuất lạc hậu sang cách làm mới.

Chính vì thế, hơn một năm trở lại đây, năng suất lúa từng bước tăng lên. Những thành quả đó lại được nhân lên gấp bội khi Nhà nước đầu tư mở đường, con đường rộng hơn 3m, đồng thời làm cầu treo qua suối Nậm Pồ - con suối từng là nỗi kinh hoàng của người dân, các thầy cô giáo cắm bản mỗi khi bước vào mùa mưa đã giúp việc đi lại, trao đổi hàng hóa trở nên thuận tiện hơn. Cùng với đó, bao năm qua, việc hỗ trợ, đầu tư cây, con giống, vật nuôi… của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án cũng đã và đang tạo động lực cho bà con nơi đây từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Chúng tôi rời Sam Lang khi trời đã nhá nhem. Những câu chuyện vui về bản còn dở dang. Trong kia, các lớp học điểm bản, học sinh vẫn vang đều những tiếng đánh vần, tập đọc. Hẳn các em sẽ rất hạnh phúc khi sau này nhận thức được rằng, chính nơi này, cha mẹ các em đã từng rất nỗ lực để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Và hơn thế, các em cũng có những người thầy, người cô không quản gian nan, vất vả, bất chấp cả tính mạng để đổi lấy kiến thức, ươm mầm tương lai cho các em. Chúng tôi mong rằng, sau này các em sẽ là những người mang ấm no về cho bản!

 

 

CTV - Văn Quyết

.