Lý do hồ sơ GS của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị để lại xem xét

Thứ Năm, 01/03/2018, 18:00 [GMT+7]

Có đơn khiếu nại về hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong quá trình xét duyệt chức danh giáo sư.

Nguồn tin riêng của VOV.VN có được, sau khi rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến tối 28/2,  trong số 1.226 hồ sơ đủ điều kiện được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã tạm để lại 97 hồ sơ GS, PGS. Trong đó, có 21 hồ sơ (2 GS và 19 PGS) của ngành Y tế.

Hồ sơ GS của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong danh sách 97 hồ sơ GS, PGS mà Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tạm để lại xem xét. Ngoài ra, Bộ trưởng Kim Tiến còn chỉ đứng ở danh sách thứ 2 là ứng cử viên đạt chức danh GS.

Được biết, trước đó, tại cuộc thanh tra về hồ sơ xét duyệt GS, PGS diễn ra tối 27/2, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã tạm để lại 129 hồ sơ GS, PGS của tất cả các ngành. Trong đó, có 29 hồ sơ (9 GS và 20 PGS) của ngành Y tế.

f
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến


Hồ sơ của Bộ trưởng Y tế có đơn khiếu nại

Giải thích về việc hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị để lại để xem xét, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế cho biết, hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có đơn khiếu nại trong quá trình xét duyệt chức danh giáo sư.

Đợt rà soát chức danh GS, PGS lần thứ nhất kéo dài 10 ngày với sự giám sát của Thanh tra Bộ GD-ĐT. Theo chỉ đạo, hội đồng sẽ rà soát đối tượng bị khiếu nại, đối tượng thanh tra phản biện, đối tượng là giảng viên kiêm nhiệm các đơn vị quản lý, Bộ trưởng, Thứ trưởng… Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thuộc 2 trong số đối tượng này. Lần thứ hai rà soát cũng là một số vấn đề cũ trong đơn khiếu nại.

Nếu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thuộc diện rà soát lần thứ 2 thì đó là điều bình thường. Thậm chí, rà soát lần thứ 2 chưa chắc đã xong, nếu xã hội chưa đồng tình, chúng ta cần làm rõ.

Có trường hợp một vài năm sau khi công nhận giáo sư vẫn phải rà soát nếu có vấn đề, thậm chí bỏ chức danh GS nếu sai phạm. Vì vậy, chúng ta cần làm minh bạch, đúng đắn và công khai.

Trước đó, Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế đã gặp 2 người có đơn thư khiếu nại về trường hợp Bộ trưởng Y tế. Đơn khiếu nại đề cập một số việc liên quan quản lý của bà Tiến như cho cán bộ nghỉ hưu, thuốc có vấn đề và các vấn đề chung trong ngành.

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã gửi Bộ Y tế để giải quyết, bởi trong việc phong GS, đây là những vấn đề “mềm” khi thuộc về đạo đức, quản lý. Còn lại, các vấn đề thuộc phần “cứng” như giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Kim Tiến đều thừa tiêu chuẩn.

Tất cả điều đó nói lên việc bỏ phiếu công nhận chức danh GS cho Bộ trưởng Tiến không dễ dàng. Các thành viên trong hội đồng đã cân nhắc kỹ lưỡng. Số phiếu đạt được không phải 100%.

“Nếu xét về nghiên cứu khoa học, tôi không đắn đo khi bỏ phiếu cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Tuy nhiên, đơn khiếu nại cũng là vấn đề phải xem xét, cân nhắc”, GS Phạm Gia Khánh nói.

Các nhà khoa học nói gì?

Sau khi biết thông tin hồ sơ của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tạm để lại xem xét, nhiều thành viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y và các nhà khoa học đã bày tỏ sự phản đối.

Theo GS.TSKH Phùng Đắc Cam, thành viên Hội đồng chức danh GS ngành Y và là một trong những nhà khoa học đầu ngành về Y học dự phòng, trước khi đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã có thời gian 25 năm hoạt động rất tích cực và miệt mài, có nhiều cống hiến trong lĩnh vực Y học dự phòng. Bộ trưởng từng là Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, chủ trì nhiều đề tài Nhà nước và cấp Bộ.

Về tiêu chí giảng dạy, bà Tiến đã đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, bà còn tham gia giảng dạy tại trường ĐH Y dược TP HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn; giảng dạy tại ĐH Y Hà Nội. Bà Tiến có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn cũng như có nhiều bài báo công bố ở trong nước và quốc tế.

Bà Tiến còn được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp, là giảng viên thỉnh giảng tại ĐH Oxford nổi tiếng của Anh quốc 2 nhiệm kỳ. Ở Việt Nam chưa có nhà khoa nào được mời thỉnh giảng 2 lần tại đại học danh tiếng như ĐH Oxford. Bản thân trường ĐH này cũng xét duyệt hồ sơ rất kỹ của những nhà khoa học trước khi mời cá nhân tham gia giảng dạy.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì rất nhiều hội nghị khoa học về y khoa quốc tế.

Khi đứng trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, thay mặt ngành Y của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói tiếng Anh, tiếng Pháp như những nhà ngoại giao, trao đổi với giới chuyên môn trong ngành y của nhiều nước rất tự tin.

“Sự cống hiến của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm rạng danh cho nền Y học Việt Nam nên tiêu chí để xét tặng chức danh GS cho bà là quá thừa. Đối với những nhà khoa học như tôi cảm thấy rất bức xúc khi trong danh sách ứng cử viên đạt chức danh GS, bà ở danh sách phải xem xét lại. Bà xứng đáng đứng ở danh sách thứ nhất, được công bố đầu tiên”, GS.TSKH Phùng Đắc Cam bày tỏ.

Còn GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam nhận định, ngoài những cống hiến và thành tích như trên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến Tiến còn có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy đổi cao (34,38). Trong khi đó, chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là nhà quản lý nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Với những cống hiến và thành tích đóng góp đối với nền Y học và nghiên cứu khoa học, bà hoàn toàn xứng đáng được nhận chức danh GS.

Theo GS.TS Lê Thị Hợp, theo Quyết định 174, những ứng cử viên nào đạt được chức danh GS phải được công bố luôn. Nếu người nào có đơn khiếu kiện chính danh thì mới để lại hồ sơ để xem xét lại. Về sau này mà phát hiện người nào có sai phạm, gian lận thì Hội đồng chức danh GS Nhà nước sẽ tước bỏ chức danh.

Đối với trường hợp của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có quá thừa tiêu chí để đạt được chức danh GS và không thấy có đơn kiện chính danh nào thì không thể để lại hồ sơ./.

 

Theo VOV.VN

 

.