Hiệu quả mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng GAP

Thứ Tư, 31/01/2018, 16:41 [GMT+7]

Điện Biên TV – Trong thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT tỉnh Điện Biên) đã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng GAP cơ bản trên địa bàn toàn tỉnh bước đầu đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hội nghị Tổng kết
Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất RAT theo hướng GAP năm 2017.

 

Từ năm 2016, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) triển khai hoạt động sản xuất RAT theo hướng GAP cơ bản đến các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Điện Biên như huyện Điện Biên (xã Noong Luống, Pom Lót, Sam Mứn, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Xương), huyện Tuần Giáo (Thị trấn Tuần Giáo, xã Quài Cang), TP. Điện Biên Phủ (Phường Thanh Trường, Noong Bua). Với mục tiêu cụ thể là phổ biến kiến thức cơ bản về thực hành nông nghiệp tốt (GAP) giúp người sản xuất tiếp cận với GAP một cách dễ dàng; từng bước thay đổi nhận thức của người trồng rau về sản xuất RAT so với sản xuất rau truyền thống; ứng dụng GAP cơ bản trong sản xuất rau; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân; chuyển giao quy trình kỹ thuật RAT phù hợp với chính quyền địa phương để áp dụng, phổ biến, nhân rộng.

Trong năm 2017, Chi cục BVTV đã tổ chức 27 lớp tập huấn mở rộng cho 810 lượt hộ nông dân trồng rau và 3 lớp tập huấn gắn với mô hình cho 71 hộ nông dân. Các lớp tập huấn kỹ thuật được lồng ghép giữa lý thuyết và thực hành thông qua mô hình sản xuất cụ thể. Từng khâu kỹ thuật như bố trí vụ mùa, gieo hạt, ươm dưỡng cây, làm đất, chăm sóc... đều được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ngay tại đồng ruộng. Các hộ tham gia sản xuất RAT đã dần tiếp cận với GAP cơ bản, bước đầu thực hiện một số quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn, nâng cao ý thức trong việc ghi chép nhật ký sản xuất, người tiêu dùng có lòng tin hơn về RAT từ việc sản xuất của người dân và hệ thống quản lý của chính quyền cơ sở.

Ông Nguyễn Hữu Tân – Giám đốc HTX sản xuất RAT Thanh Đông (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) cho biết: Vừa qua, HTX đã triển khai mô hình sản xuất RAT theo hướng GAP trên địa bàn với diện tích 2,5ha và 8 hộ dân tham gia trồng cải thảo, cà chua và súp lơ. Sản xuất RAT đã giúp nông dân giảm chi phí về thuốc BVTV, phân bón, do đó lợi nhuận thu được cao hơn so với sản xuất rau truyền thống, nhất là cà chua.

Mô hình sản xuất RAT của HTX Thanh Đông (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên).
Mô hình sản xuất RAT của HTX Thanh Đông (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên).

Bên cạnh hiệu quả về xã hội, việc sản xuất RAT theo hướng GAP còn mang lại hiệu quả về môi trường. Bởi trong sản xuất RAT sử dụng phân bón có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh và phân chuồng ủ hoai đầu vụ hạn chế sử dụng phân hóa học làm giảm thiểu ảnh hướng tiêu cực đến môi trường đất, nước. Thuốc BVTV được sử dụng trong sản xuất RAT là thuốc nằm trong danh mục được phép sử dụng trên rau tại Việt Nam, các thuốc thuộc nhóm có độ độc thập, có nguồn gốc sinh học, hoạt chất phân hủy nhanh; giảm số lần phun so với sản xuất trước đây và với các hộ nông dân ngoài mô hình. 90% hộ nông dân trong mô hình không sử dụng thuốc trừ cỏ, 100% các hộ có ý thức thu gom vỏ bao bì thuốc sau sử dụng và bỏ đúng nơi quy định. Do đó, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm trên rau, hạn chế việc tiếp xúc hóa chất của người dân, tăng thiên địch cân bằng hệ sinh thái, hạn chế ô nhiễm không khí.

Ông Nguyễn Trọng Kính – Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: mô hình sản xuất RAT theo hướng GAP đã góp phần tuyên truyền, nhân rộng, nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất, tiêu thụ RAT; định hướng sản xuất trong thời gian tới. Góp phần thay đổi tập quán sản xuất hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; tạo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân tại địa bàn và từng bước mở rộng ra các vùng lân cận. Để đảm bảo sản xuất RAT phát triển bền vững, cần quan tâm phát triển sản xuất RAT theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi tại xã Noong Luống, Thanh Xương, hỗ trợ để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Đối với chính quyền địa phương hưởng lợi từ hoạt động cần có chính sách đầu tư cho phát triển vùng RAT như đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống tưới tiêu, sơ chế, vận chuyển, tiêu thụ./.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.