Cuộc sống mới ở Kê Nênh

Thứ Ba, 30/01/2018, 10:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trở lại bản Kê Nênh, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ sau vài năm, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Nếu như chỉ cách đây 5 năm, cuộc sống của bà con ở Kê Nênh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn với trên 50% hộ nghèo thì giờ đây, nhờ sự nỗ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tỷ lệ hộ nghèo trong bản giờ chỉ còn 5%.

Chia tách được 15 năm trên cơ sở vô vàn khó khăn, thiếu thốn, song người Mông ở Kê Nênh không hề nản chí. Vốn có bản chất cần cù, chịu khó, bà con vẫn canh tác trên nương rẫy, trồng sắn, ngô, khoai và lúa nương; chăn nuôi lợn, gà để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên có thời gian cả bản đều lâm vào tình trạng thiếu đói, không đủ ăn đủ mặc, nhất là vào tháng giáp hạt, cả bản có trên 20 hộ đói.

Ông Dương Văn Minh, Trưởng bản Kê Nênh cho biết: “Nguyên nhân người dân chịu khó nhưng vẫn đói nghèo là do bà con vẫn sử dụng phương thức lao động cũ, nên năng suất và chất lượng không cao. Từ khi được chính quyền các cấp quan tâm cho vay vốn làm ăn, đầu tư, hỗ trợ vật nuôi, con giống rồi cử cán bộ xuống hướng dẫn phương thức trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến hơn, thì bà con đã bắt đầu thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp.

1
Ông Dương Văn Minh, Trưởng bản Kê Nênh, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ ttuyên truyền chính sách vay vốn phát triển kinh tế gia đình cho các hộ dân trong bản.

 

Giờ đây người Mông bản tôi đã chuyển từ phương thức canh tác trên nương xuống canh tác ở vùng đất thấp; biết gieo trồng theo đúng thời vụ, sử dụng phân bón ruộng hợp lý; chăn nuôi theo hướng trang trại, xây dựng các mô hình VAC, mô hình 3 sạch để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó là đời sống được từng bước cải thiện hơn”.

Theo thống kê của trưởng bản Dương Văn Minh, hiện nay trong bản có 65/65 hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó có 10 hộ làm trang trại nuôi trâu, bò số lượng lớn, 15 hộ xây dựng mô hình VAC, 6 hộ phát triển mô hình ao nuôi cá, tôm.

Ngoài cung cấp đủ cho nhu cầu của gia đình, các sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt được bà con buôn bán theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, chỉ vài năm xây dựng mô hình, đời sống vật chất của bà con bản Kê Nênh đã thay đổi rõ rệt. Nhiều hộ đã trả được các vốn vay; nhà nào cũng được sửa sang, xây dựng khang trang và sắm được tivi, xe máy; 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường theo học đầy đủ.

Gia đình Trưởng bản Dương Văn Minh là một trong những hộ chăn nuôi bò số lượng lớn nhất trong bản Kê Nênh. Trước đây, từ khoản vay của Ngân hàng Chính sách & Xã hội tỉnh, ông Minh đã đầu tư mua 5 con bò sinh sản về nuôi. Chỉ sau vài năm chăn nuôi đảm bảo, đàn bò sinh sản tốt, đến nay đã có trên 20 con. Mỗi lứa bán bò lấy thịt, ông Minh thu lãi từ 20 – 30 triệu đồng.

Gia đình bà Ngô Thị Mỵ là hộ phát triển mô hình nuôi cá đầu tiên trong bản Kê Nênh với 2 ao cá có diện tích trên 1.500m3 nuôi các loại cá: Chép, trắm, rô phi. Chia sẻ với chúng tôi, bà Mỵ cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong bản. Từ khi được chính quyền tuyên truyền, vận động và hướng dẫn làm mô hình nuôi cá, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn để làm ao nuôi. Vài năm nay, mô hình phát triển tốt nên gia đình tôi đã thoát nghèo, yên tâm phát triển kinh tế, đồng thời các con tôi có thêm điều kiện để ăn học”.

Từ khi đời sống vật chất được đảm bảo, người dân Kê Nênh cũng ý thức hơn trong việc xây dựng nếp sống văn hóa. Nhờ 100% bà con trong bản chịu khó lao động, giữ gìn vệ sinh môi trường, nói không với các tệ nạn xã hội mà bản Kê Nênh đã trở thành bản văn hóa của xã Tà Lèng (năm 2014).

Gặp gỡ già làng Khoàng Văn Dinh trong bản Kê Nênh, chúng tôi được ông chia sẻ: “Tôi năm nay đã gần 100 tuổi, là người sống và chứng kiến rõ sự thay đổi của bản Kê Nênh trong những năm gần đây, tôi thấy bà con rất đoàn kết, nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa gia đình. Bản tôi giờ không có người nghiện ma túy, 100% là gia đình văn hóa, nên chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi”.

Quá khứ về cái đói, nghèo đã lùi xa. Giờ đây, ở bản Kê Nênh là một cuộc sống tươi mới, đủ đầy, bà con yên tâm lao động sản xuất và tiếp tục làm giầu trên chính mảnh đất gian khó ngày nào.

 

 

CTV - Phương Liên

.