Việt Nam có 8 triệu người khuyết tật

Thứ Sáu, 01/12/2017, 08:41 [GMT+7]

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT, hiện nay, Việt Nam có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số
 
Chiều 30/11, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT) đã tổ chức hội nghị Biểu dương doanh nghiệp tiêu biểu tạo việc làm với người khuyết tật lần thứ nhất.

Đây là dịp để tuyên dương 100 doanh nghiệp tiêu biểu đã có công tạo việc và thu nhập ổn định cho NKT được biểu dương. Trong số này có nhiều chủ doanh nghiệp là những NKT. Họ là những người không chịu đầu hàng trước những khó khăn, rào cản của NKT, bền bỉ vươn lên khẳng định giá trị bản thân và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn khác.
 

1
Toàn cảnh hội nghị.


Tại Hội nghị vấn đề làm thế nào để NKT có cuộc sống ổn định cũng như huy động xã hội tham gia vào công tác đào tạo và hỗ trợ việc làm cho NKT cũng được đưa ra thảo luận.

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT, hiện nay, Việt Nam có khoảng 8 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, 58% NKT là phụ nữ, 10% NKT thuộc hộ nghèo.  

Để đảm bảo và chăm sóc cho NKT, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho NKT. Nhiều văn bản đã ban hành như Bộ luật Lao động, Luật NKT... Các văn bản pháp luật này đã tạo cơ sở triển khai các chính sách đến NKT tại các địa phương. Nhờ đó đến nay đã có nhiều địa phương thành lập và bố trí kinh phí từ Quỹ việc làm cho NKT để hỗ trợ, tạo việc làm cho NKT.

Hiện nay có hơn 15.000 lao động là NKT và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc được hỗ trợ từ Quỹ việc làm.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong số những NKT nhận được hỗ trợ về dạy nghề và tạo việc làm, có gần 41% nhận được tư vấn về học nghề, tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm, gần 18% được miễn giảm học phí...

Đáng chú ý số cơ sở dạy nghề ở Việt Nam đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay có 156 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho NKT, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho NKT và trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT.

Bên cạnh đó các tổ chức của NKT cũng đóng góp tích cực gia tăng số lượng NKT học nghề và tạo việc làm hàng năm.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố giai đoạn 2012-2017, ước mỗi năm các tổ chức này đã dạy nghề và hỗ trợ hàng chục nghìn NKT có việc làm. Tuy nhiên công tác đào tạo và tạo việc làm cho NKT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó việc đào tạo và hỗ trợ việc làm cho NKT phần lớn là tư vấn, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các trung tâm dịch vụ việc làm với các doanh nghiệp. Do vậy rất ít NKT tìm được việc làm ổn định.

Nhận định về vấn đề này, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng bộ LĐ-TB-XH cho rằng: “Tự tạo việc làm cho NKT đã và đang triển khai chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, tỷ lệ NKT có việc làm trong các cơ sở kinh doanh là rất thấp, khoảng trên dưới 10%, còn lại là lao động tự làm, lao động hộ gia đình, tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa phương với các công việc chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, bấp bênh và có thu nhập thấp”.

Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan do tác động của các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng, đời sống của người khuyết tật, đặc biệt NKT thuộc hộ nghèo, NKT ở vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, cần nhiều hơn nữa quyết tâm, nỗ lực chung tay hành động của các cấp, các ngành, sự sẻ chia của các tổ chức, cá nhân đối với NKT, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về dạy nghề, tạo việc làm và trợ giúp xã hội để nâng cao đời sống, giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT; nâng cao năng lực của các cơ sở trợ giúp NKT, cơ sở đào tạo nghề cho NKT.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, 100% NKT có khả năng lao động, có kỹ năng nghề có việc làm bên cạnh việc rà soát hoàn thiện chính sách thì rất cần sự chung tay, sẻ chia của toàn xã hội.

"NKT dù họ bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng họ là những người không khiếm khuyết về nghị lực chính vì vậy chúng ta cần nhiều hơn nữa “ chiếc cầu” để NKT có điều kiện, cơ hội được làm việc và ổn định cuộc sống. Trong đó đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT là một nhân tố vô cùng quan trọng giúp NKT có cơ hội có việc làm ổn định để hòa nhập với xã hội ”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh./.

 

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

.