Hơn 50% trẻ em khi ra đường không đội mũ bảo hiểm

Thứ Bảy, 16/12/2017, 09:34 [GMT+7]

Sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em mới đạt từ 35-40%.
 
“Tỷ lệ tổn thương não nghiêm trọng do tai nạn giao thông tại Việt Nam đã giảm gần 50%, sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe gắn máy”. Đây là kết quả báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam, do Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan thành viên và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức.

Sau 10 năm triển khai quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ người chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông tăng từ 30% lên đến hơn 90% vào năm 2017. Đây là một yếu tố góp phần quan trọng trong việc kéo giảm tai nạn giao thông trong 10 năm qua. Đồng thời quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng hạn chế những thương tích nặng, đặc biệt là những ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông gây ra.
 

1
Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam.


Những nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho thấy, đội mũ bảo hiểm đã ngăn ngừa 29.000 trường hợp chấn thương sọ não, tiết kiệm 31 triệu USD và giảm 2.200 người chết trong vòng 1 năm. Số liệu thu thập tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Hải Dương tỉ lệ tổn thương não nghiêm trọng đã giảm từ 21% năm 2007 xuống 13,6% năm 2016.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công An) cho biết, cả nước hiện có 47 triệu mô tô, xe gắn máy, trung bình mỗi năm có 2,5 triệu xe máy mới đăng ký. Mô tô, xe gắn máy hiện vẫn là phương tiện giao thông phổ biến, chiếm số lượng lớn nhất khi tham gia giao thông. Trong 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc xử lý gần 7 triệu trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

“Vấn đề khó khăn nhất trong việc xử lý của cảnh sát giao thông là xử lý người đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn. Trong khi xử lý đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm đúng quy cách đã được làm rất tốt, việc xử lý mũ bảo hiểm không đạt chuẩn cần phải có chiến lược, có quy định cụ thể của pháp luật mới tạo điều kiện cho lực lượng thực thi nhiệm vụ xử lý”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.  

Hiện việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã trở thành nếp văn hóa giao thông đã giảm trên 15.000 người bị chết vì tai nạn giao thông, đây là kết quả đáng tự hào. Tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em còn ở mức thấp chỉ từ 35-40%, mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả, mũ nhái kiểu dáng còn phổ biến.         

“Lực lượng công an các cấp, các bộ ngành, quản lý thị trường cần tăng cường tuần tra kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng, góp phần giúp người dân sử dụng mũ chất lượng tốt. Khi tăng cường kiểm soát, suy nghĩ của một bộ phận người dân về vấn đề này sẽ thay đổi và sẽ có trách nhiệm hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị./.

 
 

Hoài Lam/VOV

.