Điện Biên: Phấn đấu đến năm 2020 độ che phủ rừng đạt 42%

Thứ Ba, 12/12/2017, 14:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đây là một trong những mục tiêu nằm trong Kế hoạch hành động "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng" tỉnh Điện Biên được công bố sáng ngày 12/12.

Đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

 

REDD+ là chữ viết tắt tiếng Anh của Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation - tạm dịch là Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng. REDD+ là một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính: Hạn chế mất rừng; Hạn chế suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng các bon rừng; Quản lý bền vững tài nguyên rừng; Tăng cường trữ lượng các bon rừng.

Tại tỉnh Điện Biên, REDD+ được triển khai với mục tiêu chung nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường trữ lượng các bon rừng, qua đó hỗ trợ đạt được mục tiêu của chương trình hành động Quốc gia về giảm thiểu biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động REDD+ Quốc gia. Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện còn, từng bước phát triển thêm diện tích, chất lượng rừng nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Thúc đẩy công tác bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, thông qua việc cải tiến các vấn đề liên quan tới kỹ thuật lâm sinh, phục hồi rừng, đẩy mạnh kinh tế lâm nghiệp và hướng tới xã hội hóa ngành lâm nghiệp.

Cụ thể: bảo vệ 367.450 ha diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 độ che phủ rừng đạt 42%. Số vụ phá rừng làm nương bình quân/năm giảm 10% trở lên so với giai đoạn 2010 - 2016. Đảm bảo việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác tác động tối thiểu lên tài nguyên rừng. Số vụ cháy rừng bình quân/năm giảm 10% so với giai đoạn 2010 - 2016. Nâng cao hiệu quả của hệ thống theo dõi diễn biến rừng. Tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, cải thiện sinh kế nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học và chức năng của hệ sinh thái rừng. Thúc đẩy sự phối hợp đa ngành trong việc hài hòa công tác bảo vệ và phát triển rừng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là phát triển nông nghiệp với cơ sở hạ tầng; xây dựng, phát triển rừng phải gắn liền với khai thác, sử dụng, hưởng lợi từ rừng, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ lâm sản nhằm phát triển thị trường lâm sản hàng hóa thúc đẩy kinh tế rừng phát triển bền vững.

Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, Kế hoạch hành động "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng" tỉnh Điện Biên tập trung vào triển khai các hợp phần như bảo vệ, phát triển rừng, trồng 2 triệu cây phân tán, kiểm soát hành vi phá rừng làm nương, tuyên truyền, vận động sử dụng các loại nguyên liệu thay thế gỗ...

Đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch hành động REED+ tại 39 xã ưu tiên trên địa bàn 9 huyện, thị xã; đồng thời phải đảm bảo việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động REED+ của tỉnh trên cơ sở lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình, dự án và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đề ra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xây dựng kế hoạch trong đó có các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.