Trả lời một số kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, thứ 5 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV (Kỳ 6) Mường Chà)

Chủ Nhật, 19/11/2017, 14:05 [GMT+7]

Điện Biên TV – Sau khi nhân được Báo cáo kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 và thứ 5 của HĐND tỉnh khóa XIV. UBND tỉnh  Điện Biên đã giao các Sở, ngành, địa phương xem xét giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri. Dienbientv.vn xin đăng tải nội dung trả lời những kiến nghị của cử tri. (Kỳ 6 – Trả lời kiến nghị của cử tri huyện Tuần Giáo và huyện Mường Chà)

(Tiếp theo)

8. Cử tri huyện Tuần Giáo kiến nghị

*Cử tri xã Rạng Đông: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu một số loại giống cây mới, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương (đất cao, có độ dốc lớn...) và có giá trị kinh tế cao; Có giải pháp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp (ngô) trên địa bàn, để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tiếp thu ý kiến của cử tri; Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực tiếp xuống phối hợp với UBND huyện Tuần Giáo, UBND xã Rạng Đông để giải quyết; hầu hết các kiến nghị của cử tri xã Rạng Đông đã được UBND huyện Tuần Giáo và UBND xã Rạng Đông giải đáp đầy đủ và đã được cử tri xã Rạng Đông đồng thuận.

Về nghiên cứu một số loại giống cây trồng mới, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương: Đối với diện tích đất dốc dưới 150: UBND huyện Tuần Giáo đã thống nhất chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư của huyện xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn để triển khai thí điểm mô hình Nhãn chín muộn, Bưởi da xanh làm cơ sở đánh giá tính hiệu quả, tính phù hợp để khuyến cáo người dân nhân rộng. Đối với diện tích đất cao, dốc trên 150: Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Tuần Giáo đã thống nhất và đề nghị UBND xã Rạng Đông tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng chống xói mòn, sa mạc hóa theo kế hoạch trồng rừng của dự án Bảo vệ và phát triển rừng huyện Tuần Giáo giai đoạn 2012-2020.

Về giải pháp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp (ngô) trên địa bàn: Hiện tại do giá ngô hạt trên thị trường xuống thấp trong khi chi phí đầu tư trồng ngô lại cao; đây là khó khăn, tình trạng chung đối với những địa phương trồng ngô của cả nước. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn trên, một mặt chính quyền địa phương và người dân cần nghiên cứu phát triển câyngô trên địa bàn theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm ngô như: Phát triển ngô sinh khối, ngô hạt,… phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc của gia đình, địa phương và bán ra thị trường. Mặt khác, khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thế mạnh của địa phương và nhu cầu thị trường nhằm thích ứng kịp với sự biến động của thị trường, tránh tình trạng “cung vượt quá cầu, dẫn đến rớt giá, không tiêu thụ được”. Để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, người dân nên thành lập các Tổ hợp tác trồng ngô (sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng), Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ các Tổ hợp tác xúc tiến thương mại, làm cầu nối để các Tổ hợp tác xây dựng chuỗi liên kết với doanh nghiệp để cùng tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.

*Cử tri xã Ta Ma: Đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai chính sách hỗ trợ, đầu tư nước sinh hoạt phân tán theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Đề án triển khai Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được UBND tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các Sở, ngành tỉnh xây dựng. Đề án đã được UBND tỉnh gửi xin ý kiến các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban dân tộc tại Tờ trình số 2682/Tr-UBND ngày 19/9/2017; sau khi có ý kiến tham gia của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Dân tộc tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh nội dung Đề án gửi Sở kế hoạch và đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, khi Đề án được bố trí kế hoạch vốn, sẽ triển khai thực hiện theo kế hoạch.

9. Cử tri huyện Mường Chà kiến nghị

*Cử tri xã Nậm Nèn kiến nghị: Trạm biến áp đặt tại địa phận bản Phiêng Đất A đã bị quá tải, nguồn điện yếu, không ổn định. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nâng cấp trạm biến áp để đảm bảo nguồn điện cho người dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tiếp thu ý kiến của cử tri, Công ty Điện lực Điện Biên đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra hiện trạng đường dây tại khu vực bản Phiêng Đất A, xã Nậm Nèn. Kết quả kiểm tra cho thấy, nguyên nhân nguồn điện yếu và không ổn định là do tại vị trí cột 48 cuối đường dây có 11 công tơ, đường dây sau công tơ có chiều dài lớn từ 70m-150m, dây dẫn sử dụng nhiều năm chất lượng kém dẫn đến chất lượng điện áp thấp. Để đảm bảo chất lượng điện năng ổn định đề nghị khách hàng thay thế dây dẫn (dây dẫn đấu nối từ công tơ về các hộ gia đình) có chất lượng tốt hơn, tiết diện lớn hơn để đảm bảo ổn định điện áp.

10. Các ý kiến khác

*Cử tri các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên, Mường Nhé tiếp tục kiến nghị, hiện nay còn một số bản chưa có điện sinh hoạt, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo cơ quan chức năng sớm đầu tư đường điện lưới Quốc gia cho nhân dân phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện dự án đầu tư cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 - 2020 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 802/QĐ-UBND ngày 22/10/2014), theo đó các bản thuộc các huyện Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên, Mường Nhé đã cơ bản có trong nội dung đầu tư của dự án  được duyệt. Tuy nhiên đến nay theo kế hoạch giao vốn trung hạn 2016 - 2020, số vốn mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu. Do đó tỉnh sẽ tiếp tục rà soát lựa chọn các thôn bản trên địa bàn tỉnh có suất đầu tư thấp, quy mô số hộ được sử dụng điện lớn, để đảm bảo mang lại hiệu qủa đầu tư lớn nhất, trong đó xem xét ưu tiên cho các xã, bản có yêu cầu cấp bách về xây dựng nông thôn mới và các tiêu chí cấp bách khác để lựa chọn đầu tư xây dựng.

Đối với số thôn bản chưa có điện còn lại không thuộc pham vi của dự án theo Quyết định số 802/QĐ-UBND ngày 22/10/2014; tại Huyện Điện Biên là 697 hộ thuộc một số bản của các xã Nà Nhạn, Pa Thơm, Núa Ngam, Na Tông, Mường Nhà, Phu luông, Mường Lói, Mường Pồn và Hẹ Muông; Huyện Mường Chà là 211 hộ thuộc một số bản của các xã Huổi Lèng, Mường Mươn, Hừa Ngài và Ma Thì Hồ; Huyện Mường Nhé là 320 hộ thuộc một số bản của các xã Sen Thượng, Mường Toong, Quảng Lâm, Nậm kè và Sín Thầu; Huyện Tuần Giáo là 247 hộ thuộc một số bản của các xã Tỏa Tình, Tênh Phông, Mùn Chung, Mường Mùn, Pú Xi và Mường Thín. UBND tỉnh đã đăng ký thực hiện Dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2015-2020 sử dụng nguồn vốn ODA do Ngân hàng phát triển Châu Á tài trợ tại Văn bản số 2387/UBND-CN ngày 29/6/2015 và sẽ triển khai thực hiện đầu tư khi được bố trí kế hoạch vốn.

*Cử tri xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa; xã Núa Ngam, huyện Điện Biên kiến nghị: Tại Khoản 2, Điều 3, Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND, ngày 24/7/2015 của UBND tỉnh về việc giao số lượng cán bộ, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa có chức danh Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp cho Chi hội trưởng người cao tuổi như các chức danh Trưởng các đoàn thể khác.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và Tình hình thực tế ở địa phương.

Trên cơ sở Nghị quyết số 368/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 24/7/2015 về việc giao số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; trong đó, quy định ở thôn, bản, tổ dân phố gồm: Trưởng ban công tác Mặt trận tổ quốc và các Chi hội trưởng các đoàn thể: Bí thư Chi đoàn thanh niên CS HCM, Chi hội trưởng Hội nông dân, Chi hội trưởng Hội phụ nữ, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh được hưởng phụ cấp.

Trưởng ban công tác mặt trận tổ quốc và các Chi hội trưởng các đoàn thể ở thôn, bản, tổ dân phố có tính chất là hệ thống kéo dài của MTTQ và các Đoàn thể ở cấp tỉnh, huyện, xã. Chi hội trưởng Hội người cao tuổi cũng có vai trò quan trọng ở thôn, bản, tổ dân phố để thực hiện chức năng bảo vệ và hỗ trợ các hoạt động của người cao tuổi...Tuy nhiên, do ngân sách Trung ương cấp rất eo hẹp (2/3 mức lương cơ sở), ngân sách địa phương không thể cân đối được.

Do vậy, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi ở thôn, bản, tổ dân phố chưa được hưởng phụ cấp như Trưởng ban công tác MTTQ và các chi hội trưởng các đoàn thể. Thời gian tới, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các Văn bản của Chính phủ; tỉnh sẽ quy định áp dụng mức khoán chi phụ cấp cho các chức danh theo quy định.

(Còn tiếp)

 

BBT/Dienbientv.vn

.