Nhức nhối tội phạm mua bán người

Thứ Bảy, 25/11/2017, 16:28 [GMT+7]

Điện Biên TV - Điện Biên là tỉnh miền núi cao phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên trên 9.500km2, có đường biên giới dài trên 400km tiếp giáp với hai quốc gia Lào và Trung Quốc. Lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt qua biên giới và trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, bọn tội phạm đã hình thành nhiều đường dây buôn bán người qua Trung Quốc. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tệ nạn nhức nhối trên gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân, làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khu vực biên giới thêm phức tạp.

Thủ đoạn tinh vi

Trong những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, xu hưởng ngày càng gia tăng. Tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng nhằm vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, lợi dụng trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn để lừa gạt nạn nhân dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm, rủ rê đi làm ăn buôn bán, du lịch, thăm thân, sau đó đưa nạn nhân quan biên giới bán cho các đối tượng ở Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái bán dâm... Cá biệt một số trường hợp đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, sau đó lại quay trở về nước dưới danh nghĩa thăm thân đã câu kết với đối tượng trên địa bàn để lừa gạt và đưa nạn nhân bán sang Trung Quốc. Cũng có đối tượng đã giả vờ yêu đương, sau một thời gian qua lại, gần gũi, lấy được lòng tin rồi lừa nạn nhân đi du lịch hoặc lừa về ra mắt gia đình sau đó tìm cách môi giới lừa bán sang Trung Quốc. Cũng có một số đối tượng môi giới, lôi kéo và đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động làm thuê, đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện tội phạm mua bán người. Nạn nhân chủ yếu là người dân tộc Mông, Thái cư trú tại các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Nậm Pồ.

z
Các đối tượng mua bán người bị cơ quan điều tra Công an huyện Mường Chà bắt giữ. (Ảnh:KT)

 

Tội phạm là giới trẻ lười làm, hám lợi

Nguyên nhân khiến tội phạm mua bán người gia tăng là do siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người, mất cân bằng về giới, sự phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, thiếu hiểu biết nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em bị đối tượng dụ dỗ, lừa gạt. Tính từ tháng 10 năm 2014 đến hết tháng 5 năm 2017, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ án mua bán người, lực lượng chức năng đã điều tra 36 vụ, bắt giữ 70 bị cáo với 64 nạn nhân bị mua bán. Trong đó, đã đưa ra xét xử 33 vụ với 57 bị cáo, 59 nạn nhân. Trong tổng số 57 bị cáo đã đưa ra xét xử có 2 bị cáo bị xử phạt từ 3 năm tù trở xuống; 31 bị cáo bị phạt tù từ trên 3 năm đến 7 năm; 17 bị cáo bị xử phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm; 7 bị cáo bị xử phạt từ trên 15 năm đến 20 năm tù và 2 bị cáo bị xử phạt 22 năm tù. Các bị cáo phạm tội mua bán người phần lớn là nam giới có độ tuổi rất trẻ từ 18 - 30 tuổi (chiếm tỷ lệ gần 44%) và chủ yếu là người dân tộc thiểu số sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn.

Nạn nhân bị lừa bán đi đâu?

Trong 59 nạn nhân thì có 54 bị lừa bán sang Trung Quốc (trong đó 37 người bị làm gái mại dâm, 11 người bị chọn làm vợ, 6 người nhằm mục đích khác), còn 5 người bị lừa bán trong nước. Nạn nhân chủ yếu sống tại các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông.

Hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ (89,83%) người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, có trình độ học vấn thấp, kiến thức xã hội và kỹ năng sống còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi để kẻ phạm tội lợi dụng dụ dỗ, mua chuộc và lừa gạt thực hiện hành vi mua bán người qua biên giới.

Nạn mua bán người không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thiệt hại về kinh tế cho gia đình và toàn xã hội. Thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì mỗi người dân hãy tự nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người, di cư lao động an toàn; Tích cực chủ động tìm hiểu thông tin và trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân, gia đình trước nạn mua bán người; Đặc biết là tham gia phát hiện và tố giác tội phạm, đồng thời kịp thời báo với chính quyền, đoàn thể địa phương khi phát hiện dấu hiệu mua bán người./.

 

Phương Thu

.