Lỗi "đánh máy" hay công chức tắc trách?

Thứ Ba, 28/11/2017, 14:21 [GMT+7]

Thông tư được ban hành phải qua bao tầng nấc kiểm soát nhưng vì sao lại mắc một lỗi tày trời do… đánh máy?

Ngay sau khi Thông tư 45 về sửa đổi Thông tư 01/2016/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam được công bố đã nhận được rất nhiều ý kiến không đồng tình. Cụ thể, theo Thông tư này, thẻ nhà báo, thẻ đảng viên, giấy phép lái xe có ảnh sẽ không có giá trị khi làm thủ tục lên máy bay.

Sau vài tiếng thông tin được phát đi, lãnh đạo Cục Hàng không - đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư 45 sửa đổi, cho biết các loại giấy tờ này vẫn được sử dụng làm giấy tờ tùy thân đi máy bay đối với hành khách trên 14 tuổi.

Việc thiếu sót các giấy tờ này trong Thông tư 45 sửa đổi do sai sót trong quá trình soạn thảo thông tư, lỗi đánh máy, cắt dán thiếu từ thông tư cũ. Cục đang xin Bộ được đính chính và sẽ có rà soát, kiểm điểm với các cán bộ liên quan.
 

1

Lỗi đánh máy, cắt dán văn bản - cái lỗi nực cười mà lâu nay người ta vẫn đưa ra để bao biện cho lối làm ăn tắc trách thì nay lại chính thức được một cơ quan Nhà nước sử dụng. Ai tin đó là lỗi đánh máy khi một văn bản được soạn thảo, rà soát và trình ký qua  bao nhiêu tầng nấc rồi mới được đưa lên cổng thông tin điện tử để công khai thời hiệu.

Đánh máy – anh là ai mà có trách nhiệm lớn như vậy? Nếu tất cả lỗi lầm đổ cho ông đánh máy thì cả một hệ thống tầng tầng lớp lớp các đơn vị sinh ra để kiểm soát văn bản, nghiên cứu chính sách quản lý lĩnh vực, ngành… đang ngồi hưởng lương nhà nước làm gì mà để lọt một văn bản vô trách nhiệm như vậy? Nhiều người chua chát nói rằng, hãy để mấy ông lãnh đạo, chuyên viên làm đánh máy thì may ra mới hết được mấy cái lỗi đánh máy tai hại chết người này.

Không riêng gì văn bản của Cục hàng không, thời gian qua có quá nhiều văn bản qui phạm pháp luật của các bộ, ngành, thậm chí là văn bản Luật được ban hành chưa đi vào cuộc sống đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Đơn cử, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 được thông qua và có hiệu lực nhưng 2 điều luật quan trọng nhất liên quan đến người lao động là việc hưởng BHXH một lần (Điều 60) và thay đổi cách tính lương hưu (Điều 54) đều chưa áp dụng vào thực tế đã vấp phải nhiều bất cập mà cơ quan soạn thảo, tư vấn xây dựng luật không dự liệu trước được.

Trở lại câu chuyện ban hành Thông tư. Thông tư là để hướng dẫn, cụ thể Luật đi vào đời sống, nhưng nhiều thông tư được ban hành theo ý chí của các bộ, ngành để quản lý theo ý muốn riêng của mình nên vấp phải sự phản đối của dư luận. Sau những vụ việc như thế này, các đơn vị lại rà soát xem lầm lỗi là từ đâu. Chắc chắn “người đánh máy” bị xử nặng nhất, có khi là thôi việc, còn những người liên quan thì nghiêm túc kiểm điểm, khiển trách hoặc luân chuyển đi đâu đó… Nhưng xem ra, các hình thức như vậy không mấy ai sợ. Bởi thực tế, nhiều vị bị khiển trách, cảnh cáo, sau một thời gian “ở ẩn” lại thăng tiến hơn xưa.

Mong rằng, từ những sự việc đáng tiếc thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc trong việc ban hành văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành luật. Các văn bản này cần phải được nghiên cứu kỹ càng, nghiêm túc, có trách nhiệm, không thể ban hành rồi thấy sai lại sửa. Sửa sai mãi chỉ làm xã hội chậm phát triển, làm mất niềm tin cuả dân vào cơ quan Nhà nước, làm bất ổn xã hội mà thôi./.

 

 

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

.