Hội LHPN Điện Biên

Nâng cao công tác vận động, tập hợp hội viên dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 13/11/2017, 17:12 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hội LHPN tỉnh Điện Biên xác định, công tác vận động, tập hợp thu hút hội viên phụ nữ dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, xây dựng và nhân rộng các mô hình phù hợp có hiệu quả đã thu hút  đông hội viên phụ nữ là dân tộc thiểu số tham gia  

Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách mới triển khai đối với các vùng dân tộc, nhất là các chính sách đối với các đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Do vậy, đời sống của nhân dân nói chung, hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện, nâng lên.  

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào dân tộc đặc biệt là phụ nữ các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn; nhận thức về luật pháp, chính sách còn hạn chế; tập quán canh tác lạc hậu, tình trạng vượt biên trái phép, tuyên truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do còn phức tạp; tệ nạn xã hội gia tăng như: tình trạng buôn bán ma túy, nạn tảo hôn, tự tử bằng lá ngón, phụ nữ đi khỏi địa bàn không rõ nguyên nhân…vẫn diễn ra trên địa bàn của một số xã thuộc các huyện như Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa…

1
Mô hình Hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái, xã Thanh Nưa do Hội Phụ nữ giúp đỡ thành lập, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ Dân tộc nông thôn. (ảnh KT)

 

Những năm qua Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh từng bước giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn; phát huy vai trò của tổ chức Hội các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp phụ nữ và người dân; hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy, mại dâm, AIDS, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số… Nội dung tuyên truyền được nghiên cứu sát thực, phù hợp với đặc thù từng vùng dân tộc, từ các quy định, hương ước của từng dòng họ, thôn bản, chủ trương và quy định của xã, huyện tỉnh cho đến các văn bản quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... Từ năm 2014 đến nay đã tổ chức được 17 hội nghị cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, bản với trên 1.200 người tham gia

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, như vận động nhân dân xây dựng quy ước và xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại xã Na Son, Keo Lôm, Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông), xã Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở (huyện Tuần Giáo).

Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực phát hiện và ngăn chặn các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo phụ nữ vào các âm mưu chống phá nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng dân cư.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên đã vận động các nguồn lực từ Trung ương Hội và của tỉnh hỗ trợ, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Phát huy thế mạnh của huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai mô hình "Lúa chất lượng cao" với diện tích 25 ha, góp phần phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao và thương hiệu gạo an toàn.

Xây dựng mô hình, hỗ trợ tạo việc làm  cho phụ nữ lúc nông nhàn và phát huy ưu thế của phụ nữ dân tộc Mông, dân tộc Thái. Phối hợp thực hiện đề án "Dạy nghề cho lao động nông thôn", góp phần đưa tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề đạt trên 43%, trong đó trên 70% có việc làm sau học nghề.

Vận động phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Mỗi hộ gia đình nông thôn có 1 vườn rau sạch và nuôi từ 5 con gia cầm trở lên”. Đến nay đã có gần 14.000 hộ gia đình hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số có vườn rau sạch và nuôi từ 5 con gia cầm trở lên.

1
Nhờ nguồn vốn vay do Hội LHPN đứng ra tín chấp, nhiều hội viên đã làm kinh tế vươn lên thoát nghèo. 

 

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hướng dẫn xây dựng mô hình Tổ/nhóm phụ nữ liên kết sản xuất - kinh doanh - dịch vụ phát triển kinh tế. Từ năm 2014 đến năm 2016 đã hướng dẫn 3 huyện Mường Ảng, Tủa Chùa, thị xã Mường Lay thành lập được 03 tổ/nhóm liên kết sản xuất kinh doanh với 60 thành viên tham gia.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ nữ dân tộc luôn được Hội LHPN các cấp chú trọng. Trong 3 năm Hội LHPN tỉnh đã mở 8 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 240 hội viên, xây dựng 2 mô hình "Tự học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân và cộng đồng" với hơn 70 thành viên tham gia tại xã Pú Nhi, xã Pú Hồng - huyện Điện Biên Đông. Qua đánh giá, tổng kết 2 mô hình đã đạt được kết quả, trên 80% số chị em tham gia mô hình đã biết đọc, biết viết, làm phép cộng trừ đơn giản. Mở 02 lớp Truyền thông về phòng, chống Bạo lực gia đình; phòng, chống Mua bán người cho 340 hội viên, phụ nữ tại ở 02 huyện Điện Biên Đông và Tuần Giáo  

Những năm qua Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã tạo ra các điểm nhấn trong hoạt động Hội thông qua các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, cải tạo vệ sinh gia đình, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị có hiệu quả; phát hiện, xây dựng và bồi dưỡng hội viên nòng cốt. Làm tốt công tác biểu dương điển hình, lấy hội viên nòng cốt làm tuyên truyền viên, hướng dẫn hội viên nâng cao nhận thức thay đổi hành vi nhằm đưa lại lợi ích thiết thức cho hội viên. 

1
Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. ảnh - Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên trao tặng Dê giống cho Hội viên phụ nữ xã Na Son ( Điện Biên Đông) để phát triển kinh tế

 
Cùng với các hoạt động tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; cử cán bộ và hội viên nòng cốt kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ hội viên, phụ nữ lúc ốm đau hoạn nạn. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Điện Biên cũng chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình, câu lạc bộ, như CLB không sinh con thứ 3, mô hình tiết kiệm tín dụng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho hội viên..  

Tuy nhiên, trong quá trình vận động, tập hợp thu hút hội viên phụ nữ dân tộc của Hội LHPN tỉnh Điện Biên cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là tỷ lệ hội viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo còn cao; trình độ, nhận thức còn thấp, đa số chị em phụ nữ dân tộc thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Một số cán bộ chi hội, hội viên nòng cốt trình độ, năng lực còn hạn chế,  kỹ năng vận động quần chúng chưa cao.
 
Để tập hợp thu hút phụ nữ dân tộc đạt hiệu quả, trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa các mô hình tập hợp phụ nữ theo nhu cầu, lứa tuổi và điều kiện tập quán của từng vùng. Chú trọng thu hút hội viên, phụ nữ vào sinh hoạt các câu lạc bộ, tổ, nhóm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của phụ nữ trên các lĩnh vực, giúp các chị em được hoạt động, tiếp cận thông tin, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức, từng bước mạnh dạn, tự tin hơn trong tổ chức cuộc sống gia đình; đặc biệt quan tâm hỗ trợ, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số và đây cũng chính là cơ sở, nền tảng để tập hợp, thu hút phụ nữ, duy trì và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.

 

 

Hương Trà/Dienbientv.vn

.