Bất cập từ "hợp đồng lao động miệng" của giúp việc gia đình

Thứ Bảy, 11/11/2017, 09:21 [GMT+7]

Hiện nay phần lớn lao động giúp việc gia đình không ký kết hợp đồng lao động, không được tham gia BHXH, cũng như BHYT.

Ngày 10/11, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, Tổ chức lao động thế giới ILO tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo Tham vấn đề hợp đồng tiêu chuẩn đối với lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng lao động giúp việc gia đình ngày càng tăng. Đến nay, mặc dù những quy định của pháp luật về hợp đồng lao động giúp việc gia đình đã tương đối đầy đủ rõ ràng nhưng hiệu quả áp dụng lại rất thấp, nghề giúp việc gia đình vẫn đang phát triển một cách tự phát.
 

1
Hiện nay người làm giúp việc gia đình và chủ sử dụng lao động không có hợp đồng lao động. (Ảnh minh họa)


Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng, hiện nay lao động giúp việc gia đình tại nước ta có đến  98,6% là nữ giới, tập trung ở độ tuổi trung bình khoảng 44,8 tuổi. Điều đáng nói là phần lớn trong số họ là những người chưa qua đào tạo, trình độ học vấn thấp, 20% có trình độ dưới tiểu học, 57% học hết THCS.

Bà Ngọc Anh cũng cho biết, qua khảo sát thực tế, những giúp việc gia đình và người đang có mong muốn làm công việc giúp việc gia đình đều không quan tâm, hiểu về các điều luật, hợp đồng liên quan đến giúp việc gia đình. Theo luật, người làm công việc giúp việc gia đình được tham gia  BHXH, BHYT, nhưng thực tế, lại có đến 91,6% người giúp việc gia đình không có lương hưu và trợ cấp xã hội thường xuyên.

Chỉ có khoảng 3%  lao động giúp việc gia đình có BHXH, nhưng phần lớn do họ tham gia khi còn công tác tại các đơn vị khác trước khi làm giúp việc gia đình. Có 19,5% người làm công việc này có BHYT, trong đó, đa số là tự mua hoặc được Nhà nước chi trả theo diện gia đình chính sách, hộ nghèo.
“Hầu hết người lao động giúp việc gia đình khi đi làm thường không quan tâm đến vấn đề BHXH, BHYT, điều họ quan tâm đầu tiên là có tiền cho con đi học, làm sao để có tiền xây nhà, chữa bệnh, việc tham gia BHYT, BHXH vẫn còn rất xa vời”, bà Ngô Thị Ngọc Anh nói thêm.
 

1
Bà Ngô Thị Ngọc Anh Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng nói về vấn đề lao động giúp việc gia đình.


Cũng theo chuyên gia này, lao động giúp việc gia đình hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều thách thức trong quá trình làm việc như không được qua đào tạo, dẫn đến khó khăn khi làm một số công việc gia đình; bất đồng về lối sống với gia đình nhà chủ; định kiến xã hội về nghề nghiệp. Nhiều người còn coi họ là những người đi làm thuê, ở đợ, chưa có thái độ tôn trọng. Ngoài ra những người giúp việc gia đình cũng bị hạn chế cơ hội giao tiếp với bên ngoài.

Ngoài mức lương người lao động có thể vẫn được hưởng thêm những khoản phụ cấp, thưởng khác. Tuy nhiên, do không có hợp đồng lao động, nên tất cả những khoản này đều phụ thuộc vào lòng hảo tâm của chủ nhà, không mang tính cố định, vững chắc.

Từ thực tế này, bà Tống Thị Minh – Cục trưởng Cục quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng cần bổ sung điều khoản đặc biệt ngoài tiêu chuẩn chung để đảm bảo được quyền lợi của nhóm lao động này. Mặc dù hành lang pháp lý đối với nhóm lao động giúp việc gia đình đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện các luật này vẫn chưa được hiệu quả. Vì vậy, theo bà Minh cần thiết phải có hợp đồng mẫu mang tính chất gợi ý,  khuyến cáo để các bên có thể tham khảo đưa vào thỏa thuận hợp đồng tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, việc đưa ra một hợp đồng lao động cho nhóm lao động giúp việc gia đình lại đang gặp phải sự bất đồng từ cả phía người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình. Một phần, họ cho rằng, đây là những công việc giản đơn, có thể thỏa thuận miệng mà không cần đến hợp đồng lao động.

Qua khảo sát ở một số khu đô thị, bà Ngô Thị Ngọc Anh cho biết, nhiều chủ sử dụng lao động nhận thấy các điều luật hiện nay vẫn đang nghiêng về phía người lao động giúp việc gia đình, trong khi đó, quyền lợi của bản thân họ lại không thấy đâu.

“Điều đó làm chúng tôi băn khoăn. Trong bất cứ mối quan hệ lao động nào, cũng phải đảm bảo lợi ích của cả người sử dụng lao động và người lao động. Hiện nay theo Nghị định số 27 và Thông tư 19 vẫn quan tâm nhiều hơn đến người giúp việc gia đình. Trong 10 năm trở lại đây, mặc dù nhóm lao động này được quan tâm, chú ý, nhưng quyền lợi của họ vẫn còn rất chơi vơi, hoàn toàn phụ thuộc vào người chủ sử dụng lao động, chứ không theo pháp luật. Chúng tôi mong muốn bản thân người sử dụng lao động có những thay đổi nhận thức, coi họ như những đối tác cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, bóng dáng, quyền lợi của người chủ còn rất ít, do đó rất khó để đưa hợp đồng lao động vào thực tế cuộc sống”, bà Ngọc Anh nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng cần có những nghiên cứu, tham vấn kỹ lưỡng, đưa ra những điều lệ phù hợp cân đối lợi ích các bên để sớm đưa hợp đồng lao động vào khung giúp việc gia đình, đảm bảo quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động./.

 

Theo VOV

.