Người dân tham gia chấm điểm là phương thức để cải cách hành chính

Thứ Tư, 16/08/2017, 14:18 [GMT+7]

Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC dựa trên kinh nghiệm triển khai các chương trình, dự án tại cấp cơ sở
 
Sáng nay (16/8), tại thành phố Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, người dân tham gia chấm điểm dịch vụ hành chính công là phương thức tốt để cải cách thủ tục hành chính hiện nay.  
 

1
Hội thảo về cải cách thủ tục hành chính.


Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được triển khai gần 14 năm nay. Đây tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ xác định làm trọng tâm của Chương trình Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính dựa trên kinh nghiệm triển khai các chương trình, dự án tại cấp cơ sở.

Nội dung Dự thảo Nghị định này nhấn mạnh vai trò của người dân trong trong giám sát, đánh giá các thủ tục hành chính công; Đồng thời khuyến nghị hoàn thiện hệ thống dịch vụ hành chính công theo hướng đặt người dân làm trung tâm của cải cách hành chính, đẩy mạnh công khai minh bạch, kết nối nhanh chóng giữa người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí giao dịch, tạo điều kiện loại bỏ mọi chi phí không chính thức thông qua việc xây dựng hệ thống dịch vụ hành chính công điện tử, cổng chính phủ điện tử và công dân điện tử.

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc của Oxfam tại Việt Nam góp ý: “Nghị định cần quy định giám sát dịch vụ hành chính công thông qua ý kiến đánh giá độc lập, khách quan của các tổ chức, quy định lộ trình xây dựng và vận hành hệ thống một cửa điện tử phù hợp với lộ trình chung vận hành Chính phủ điện tử; Xây dựng hệ thống giám sát và các chỉ số đánh giá, trong đó có sự tham gia của người dân. Đặc biệt là sự tham gia của nhóm yếu thế, phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật”./.

 

Theo VOV

.