Siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh

Thứ Sáu, 21/07/2017, 08:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trước thực trạng thực phẩm bẩn diễn biến phức tạp như hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của con người, cùng với công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra định kỳ, các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Thời gian gần đây, trên các phương tiên thông tin đại chúng liên tiếp truyền thông các vụ ngộ độc, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, từ các loại rau, củ, quả tồn dư quá mức thuốc bảo vệ thực vật đến thực phẩm gia súc, gia cầm tươi sống được nuôi bằng thức ăn pha trộn chất tăng trọng, tạo nạc, thực phẩm dùng chất phụ gia trái với quy định để chế biến thức ăn, khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng. Trước thực trạng đó, các ngành chức năng, đặc biệt là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.

s
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập hơn 210 đoàn thanh kiểm tra trên 3.100 lượt cơ sở

 

Bà Nguyễn Thuý Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Mục tiêu của đợt này là để kiểm soát toàn bộ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh và khống chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra. Chi cục An toàn thực phẩm là đầu mối tổ chức các hoạt động kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh; cũng đồng bộ với hoạt động này thì tại tuyến huyện, thị thì chúng tôi cũng có 10 đoàn kiểm tra liên ngành do phòng y tế và trung tâm y tế tổ chức thanh, kiểm tra.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập hơn 210 đoàn thanh kiểm tra trên 3.100 lượt cơ sở, qua đó đã phát hiện và xử lý gần 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó phạt hành chính 9 cơ sở với số tiền là trên 7.300 nghìn đồng, tiêu huỷ tại chỗ 50 sản phẩm của 8 cơ sở trị giá 28 triệu đồng.

Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng đã tham mưu cho Sở Y tế tổ chức 1 lớp tập huấn nghiệp vụ thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho 50 cán bộ tuyến tỉnh và huyện, mở 8 lớp tập huấn sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn cho 160 người.

Ngoài ra, Chi cục còn tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ sản xuất, kinh doanh cũng như vai trò của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các kiến thức về đảm bảo vệ sinh, an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm nông sản, trong nhập khẩu thực phẩm. Vận động, hướng dẫn người dân cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, không dùng chất cấm trong chăn nuôi, thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia trong chế biến thức ăn. Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, hiểu biết của người quản lý, người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về trách nhiệm, hành vi an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dùng thuốc bảo vệ thực vật quá, sử dụng chất phụ gia trong chế biến bảo quản thức ăn quá mức trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra khá phổ biến, khó kiểm soát. Để đẩy lùi tiến tới bài trừ thực phẩm bẩn ra khỏi đời sống xã hội, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể thì trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm của mỗi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu. Có như vậy, mối nguy hại do thực phẩm bẩn gây ra cho xã hội, bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng mới từng bước được loại bỏ./.

 

Duy Sinh - Chí Công

 

.