Kỷ niệm Ngày giải phóng Trường Sa

Hiên ngang chủ quyền đất nước nơi đầu sóng

Thứ Bảy, 29/04/2017, 14:37 [GMT+7]

Tròn 42 năm được giải phóng, Trường Sa đang thay đổi từng ngày, hiên ngang khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước ở nơi đầu sóng ngọn gió.
 

1
Các chiến sỹ trẻ giao lưu văn nghệ với đoàn công tác.


Vào những ngày này cách đây 42 năm, với tinh thần thần tốc, táo bạo và bất ngờ, Quân chủng Hải quân Hải quân Việt Nam đã mở đợt tấn công, lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tròn 42 năm đã trôi qua, với nỗ lực, cùng  ý chí vươn lên của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo, Trường Sa đang thay đổi từng ngày, hiên ngang khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước ở nơi đầu sóng ngọn gió.
 

1
Hàng, "tấm lòng của đất liền" theo đoàn công tác ra với bà con nhân dân và chiến sỹ đang canh giữ nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.


 Đúng vào ngày đảo Song Tử Tây, đảo đầu tiên trên quần đảo Trường Sa được giải phóng cách đây 42 năm (15/4/1975-15/4/2017), tàu KN 490 bắt đầu khởi hành từ Quân cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, đưa chúng tôi đến với Trường Sa. Trải qua hải trình 48 tiếng, đảo Song Tử Tây dần hiện ra, xanh mướt với những hàng cây phong ba tuyệt đẹp, thanh bình, hiên ngang giữa biển khơi. Trên tàu, nhiều người xúc động, vui sướng háo hức leo lên boong tàu để ngắm đảo, trong lòng dâng lên niềm tin và sự tự hào khôn tả. Sau Song Tử Tây, chúng tôi may mắn được lần lượt ghé thăm 4 đảo giải phóng năm 1975 gồm Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa, cùng nhiều đảo khác như Cô Lin, Đá Nam, Đá Đông B, Đá Đông C, Đá Tây A và Nhà giàn DK1.
 

1
Nhẹ nhàng, cẩn thận nâng niu trân trọng từng hộp quà.


Tàu ghé mạn cập cầu tàu trên đảo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo ra tận cầu cảng để đón chào, không dấu nổi niềm vui, trân trọng những tình cảm mến yêu mà đất liền dành tặng đảo. Dù chưa bao giờ quen, cũng chưa từng một lần gặp mặt, nhưng những ánh mắt đã ngời sáng lên khi gặp nhau và những cái bắt tay thật chặt, thật nồng nhiệt như cuộc gặp của những người thân lâu ngày gặp lại bất chấp nắng gió Trường Sa bỏng rát.
 

1
Ấm áp tình quân dân.


 "Mình ra Trường Sa đây là lần đầu tiên. Hôm nay được đi đến đảo thì đó là một trong những cảm xúc rất xúc động, bồi hồi. Mình nghĩ rằng cha ông ta đã có công rất lớn trên đảo này. Khi đến, tận mắt chứng kiến những sinh hoạt của người dân, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ thì tôi hết sức xúc động, thấy các chiến sĩ, cùng người dân ở biển đảo Trường Sa đồng lòng xây dựng đảo hết sức xanh tươi. Và khi lần đầu tiên tôi được chào cờ trên đảo, đó là một việc hết sức xúc động và nghe các anh có 10 lời thề, trong đó có lời thề thiêng liêng là sẵn sàng chiến đấu vì chủ quyền biển đảo tổ quốc thì đó là việc mà ngay từ đất liền mỗi người dân Việt Nam phải có trách nhiệm với đảo", đó là chia sẻ cảm xúc của bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh lần đầu ra thăm đảo.
 

1
Cuộc sống thường ngày của quân và dân trên đảo Song Tử Tây.


Cùng tâm trạng như bà Bình, bà Nguyễn Thị Cường, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình (Bộ Tài chính) nghẹn nghào khi lần đầu được đến với Trường Sa, mảnh đất máu thịt nơi tuyến đầu Tổ Quốc: "Tôi gặp những chiến sĩ Trường Sa rất trẻ. Tất cả các cháu đều tâm huyết với tình yêu đất nước. Mặc dù rất nhớ nhà nhưng mà nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao thì các cháu rất là kiên cường. Một số cháu sinh năm 97, rất trẻ, gần như sau khi học xong là các cháu ra ngoài này. Tôi rất là tự hào".
 

1
Duyệt binh trên đảo Trường Sa lớn


Tâm trạng xúc động, tự hào, là điểm chung của những người lần đầu tiên đến quần đảo Trường Sa, càng vui mừng hơn khi được nghe Chỉ huy các đảo báo cáo về chặng đường xây dựng và phát triển của đơn vị suốt 42 năm qua: Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa đã đầu tư hàng triệu triệu ngày công để tu sửa, san lấp mặt bằng, trồng cây xanh xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp.
"Khi tôi bước chân lên đảo thì cho đến giờ phút này cảnh quan môi trường của đơn vị có nhiều tiến bộ tột bậc. Từ các khu vực tâm linh cho đến khu vực trục đường thanh niên, hoặc là hệ thống vườn hoa, cây cảnh hiện nay đã có sự thay đổi rất nhiều so với trước", Đại úy Dương Xuân Trịnh, đảo Nam Yết nói.

1
Một chiến sỹ trẻ cười tươi khi đoàn công tác thăm đảo.


Theo chỉ huy Bộ tư lệnh Hải quân đi cùng đoàn cho biết, một số đảo như Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca có nhiều cây bão táp, mù u, phong ba cổ thụ, đang chuẩn bị làm hồ sơ để được công nhận là cây di sản. Các công trình như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, các trạm phát sóng FM, viễn thông và các công trình dân sinh như trường học, thư viện, bệnh xá...được đầu tư xây dựng phục vụ đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Hiện 100% số hộ dân trên quần đảo Trường Sa và đầu mối các đơn vị phối thuộc được trang bị ti vi. Các công trình văn hóa như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà khách Thủ đô, nhà văn hóa, Tượng đài Trần Hưng Đạo, Tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bia thờ bài thơ "Thần" của Lý Thường Kiệt, các ngôi chùa...không chỉ trở thành nơi sinh hoạt tinh thần, giáo dục truyền thống yêu nước cho quân dân trên đảo, mà còn khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào, tự tôn dân tộc của hàng chục triệu người Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc và khắp năm châu.
 

1
Kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo.

 

Dù cơ sở vật chất chưa thể đầy đủ, tiện nghi như ở đất liền nhưng đã cơ bản được đáp ứng, tạo điều kiện giúp các cán bộ chiến sĩ Trường Sa ở xa nhà yên tâm công tác. Không quản nắng gió thời tiết khắc nghiệt, bất chấp sóng cả biển khơi, trên những gương mặt sạm đen ánh lên màu thép luôn có nụ cười hồn nhiên và tươi tắn.

Thượng úy Trần Quốc Hiệp, quê ở Vĩnh Phúc, Trợ lý Hậu cần ở đảo Sơn Ca  tâm sự: "Cán bộ chiến sĩ trước khi đặt chân ra đảo công tác đã xác định rõ tư tưởng nhiệm vụ, ra đây để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, bảo vệ cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản và tiếp nối cha ông đã giải phóng quần đảo Trường Sa. Bản thân em ra đây xa gia đình, xa đất liền, em luôn xác định ra đây để cống hiến và chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
 
Khâm phục ý chí và nghị lực kiên cường của các cán bộ chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, những người mang hơi ấm từ đất liền ra với đảo ai cũng mong muốn có những việc làm ý nghĩa vì biển đảo thân yêu. Nhiều bác là cán bộ hưu trí từ tỉnh vùng cao Yên Bái xa xôi đã lặng lẽ mang những nắm đất nhỏ từ quê hương ra góp phần tôn tạo và xây dựng quần đảo Trường Sa. Những tiết mục giao lưu văn nghệ được tổ chức giản dị, nhưng sâu lắng tình người, tình yêu đất nước quê hương: “đảo theo người đi khắp nẻo đường, câu hát trăm miền đổ lại. Tổ quốc đẹp trong mỗi khúc dân ca”, như càng làm cho đất liền với biển đảo gần hơn.
Giây phút chia tay, nhiều nụ cười xen lẫn nước mắt, hòa trong gió biển ì ầm. Và những cái ôm thân thiết như những người ruột thịt. Những lời chúc, lời chào tạm biệt được cất lên không chỉ từ trái tim của những người lính đảo:
-         Tạm biệt Trường Sa!
-         Chúc hải lộ bình an!
-         Việt Nam muôn năm!
-         Hồ Chí Minh muôn năm!
-         Chúng tôi yêu Trường Sa!
Giây phút ấy, ai cũng hiểu và cảm nhận sâu sắc, rằng Trường Sa không xa, vì Trường Sa luôn ở trong trái tim của mỗi người dân đất Việt./.

 

Theo VOV
 

.