Không chia xa đâu những đồng đội của tôi!

Thứ Hai, 20/02/2017, 15:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong số những người lính đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ A1 những ngày đầu năm 2017, tôi gặp và thăm hỏi, được biết đa số họ đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên, hoặc tham gia phục vụ mặt trận Điện Biên cách đây sáu mươi ba năm. Song, khác với những người lính cùng thời đang yên nghỉ nơi đây, họ là những người có chút may mắn hơn – còn sống, để hôm nay tiếp tục về Điện Biên, khi tiếng súng trận mạc của một thời đã lùi xa.

Gặp lại nhau trong khuôn viên của Nghĩa trang liệt sỹ A1 trong ngày cả nước chuẩn bị kỷ niệm 63 năm Ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954-13/3/2017). Người nằm sâu trong lòng đất mẹ và người hiện hữu nơi dương gian cùng nói về Điện Biên, những tâm sự mà họ nói với nhau sao có thể viết hết thành lời... Bác Nguyễn Đình Thắng, cựu thanh niên xung phong (TNXP) người thành phố Thanh Hóa bồi hồi nhớ lại: Ngày đó, tuy không phải là đơn vị trực tiếp chiến đấu nhưng đơn vị chúng tôi nhận một nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là vận tải lương thực hay nói đúng hơn là thồ gạo bằng xe đạp, chi viện cho Điện Biên, nhằm giúp cho chiến sỹ ta ở mặt trận Điện Biên ăn no đánh thắng. Khi đó, tôi vẫn nhớ không khí hừng hừng cả nước hướng về mặt trận Điện Biên. Có thể nói, tham gia chiến dịch Điện Biên là toàn quốc, là mọi người dân. TNXP cũng thế. Tuy không gian khổ bằng chiến sỹ ta trực tiếp cầm súng chiến đấu ở mặt trận nhưng công việc thồ gạo của chúng tôi cũng hết sức vất vả, nguy hiểm. Máy bay địch bắn phá, biệt kích, đường trơn, dốc cao... cũng luôn dình dập, đe dọa mạng sống. Nhưng cả đội quân xe thồ cho chiến dịch Điện Biên không ai nản chí, đều nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, tất cả để trận chiến Điện Biên Phủ toàn thắng. Các anh biết đấy, lúc đầu, mỗi xe chỉ thồ được 100kg lương thực. Sau đó cải tiến dần và chở được 200-300kg. Tôi được cấp trên phổ biến, trong chiến dịch này, có một đồng chí người Phú Thọ có sáng kiến ốp thêm vật gì đó vào khung và bánh xe để tăng sức chịu tải, nên đã chở được 352kg một chuyến. Những đóng góp đó cũng đáng kể lắm chứ. Song, giọng ông bỗng chùng xuống: “Đến nay, tôi vẫn cứ băn khoăn tại sao hàng vạn dân công đã hy sinh mà lâu nay hầu như ta ít nhắc đến. Đây là một lực lượng vô cùng quan trọng góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên”. Trong chiến dịch này đã có 2,5 vạn xe thồ tham gia chở vũ khí đạn dược, lương thực ra mặt trận. Vì vậy, mà bộ đội ta ở mật trận chưa bị đói bữa nào. Đây quả là một con số kỷ lục khiến bạn bè thế giới phải nể phục ý chí, quyết tâm của dân tộc ta. Với đôi mắt ngấn lệ, ông cúi xuống và đặt tay lên một tấm bia mộ, cất giọng run run: “Những chiến sỹ đang nằm đây và cả những người còn sống hôm nay, hầu hết đã được ăn những nắm cơm vắt từ hạt gạo do cánh xe thồ chúng tôi vận chuyển. Không được cầm tay các anh ngày hôm nay, nhưng tôi vẫn hy vọng các anh luôn nhận được tình cảm, trách nhiệm của chúng tôi hôm nay với các anh như ngày nào”. Thinh không bỗng vang lên tiếng nấc nghẹn ngào của người cựu TNXP “Thương nhớ lắm đồng đội ơi!”.

v
Nghĩa trang liệt sỹ A1 (Ảnh: Nguồn internet)

 

Ông Phạm Nhật Khánh, cựu chiến binh huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bồi hồi tâm sự: Sau hơn 60 năm, tôi không ngờ lại có ngày được trở lại chiến trường cũ, nơi ngày xưa mình đã chiến đấu và hôm nay còn được đến để nhìn lại Mường Thanh. Tôi không hiểu, 63 năm qua, đã có bao nhiêu chuyện xảy ra, bao nhiêu nước sông Nậm Rốm chảy qua cầu Mường Thanh, bao nhiêu lá đã rụng ở đồi A1; thế mà mình vẫn còn sống. Thế mới hiểu hết được ý nghĩa câu nói của Võ Tổng tư lệnh (Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - TG) căn dặn chúng ta khi Tư lệnh về thăm lại chiến trường vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên “gặp lại nhau đây quý lắm rồi”. Hướng về các hàng bia mộ ông nói tiếp: Ở đâu chúng ta cũng là quân nhân, người sống và người đã nằm xuống vẫn luôn xếp thành đội ngũ chỉnh tề, thẳng hàng, ngẩng cao đầu xốc tới, xứng đáng là người lính Cụ Hồ - Chiến sỹ Điện Biên.

Tôi cũng rất nhớ đã có nhiều lần trao đổi với bác Nguyễn Đình Hòa, cựu chiến binh phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, nguyên là lính e174, f316 đơn vị trực tiếp chiến đấu trong trận đánh Đồi A1. Ông đã từng phát biểu trên diễn đàn, hoặc trực tiếp tâm sự với tôi rằng ông luôn tự hào về việc sau khi Điện Biên được giải phóng, ông và nhiều đồng đội đã được Đảng, Bác Hồ, Quân đội giao nhiệm vụ ở lại xây dựng Điện Biên. Công việc lúc đầu cũng có nhiều gian nan, vất vả, nhưng ông vẫn khẳng định rằng “dù sao chăng nữa thì việc được tổ chức phân công ở lại chiến trường xưa cũng là một hạnh phúc lớn lao”. Trong mỗi tâm sự, ông đều đằm sâu một câu nói: Mình không tin mình đã là một cựu chiến mình sống được đến ngần ấy tuổi. Và cho biết, hàng năm, cứ đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, ông lại suy tư thật nhiều. Giọng rưng rưng ông nói tiếp: “Tôi cứ nghĩ đến những anh em đồng đội của mình đã ngã xuống anh dũng ở Điện Biên mà không cầm được nước mắt. Trong trận đánh đầu tiên ngày 30 tháng 3, Tiểu đoàn tôi chỉ còn lại 1/4. Số anh em còn sống không đủ để đưa thương binh về. Riêng Đồi A1 đã có gần 2.000 tử sỹ. Tôi còn sống hôm nay quả là một sự may mắn. Suốt 38 ngày đêm chúng tôi chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: đánh Đồi A1. Trước đó, các Trung đoàn 102 và 22 đã vào đánh nhưng phải bật ra. Cuộc chiến ở đây vô cùng khốc liệt. Có trải qua nhưng ngày tháng ấy mới cảm thấy hạnh phúc đến nhường nào khi kết thúc chiến dịch, được đứng trên Đồi A1, tận mắt nhìn cảnh tan hoang trong đồn địch, nhìn hàng trăm hàng nghìn lá cờ trắng xin hàng của giặc Pháp túa ra từ các chiến hào”.

Cũng có chung may mắn như bác Nguyễn Đình Hòa, bác Nguyễn Đức Tiến (người mới qua đời do tuổi cao, sức yếu) là cựu chiến binh phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ cũng là một trong những người được trực tiếp tham gia chiến đấu tại các điểm nóng tại mặt trận Điện Biên. Khi đó, ông chiến đấu ở đơn vị phòng không nhưng không phải đơn vị pháo cao xạ mà là đơn vị chuyên đánh tầm thấp để bảo vệ bộ binh của ta bao vây sân bay của địch. Mặc dù tuổi đã cao, trí nhớ có phần giảm sút nhưng cuối năm 2016, gặp tôi ông vẫn hào hứng kể lại: “Đồi A1 quan trọng với khu phía Đông của mặt trận như thế nào thì sân bay cũng quan trọng như vậy đối với mặt trận phía Tây như thế. Có thể ví nó như cái dạ dày của mặt trận phía Tây. Ở trận địa của chúng tôi phải chịu mọi thử thách ác nghiệt. Có khi máy bay ném bom bộ binh, nhưng bộ binh di chuyển rồi, vậy là anh phòng không đằng sau phải chịu trận. Trận địa không ngày nào không có máy bay quần đảo. Máy bay bổ nhào xuống, anh phòng không thì cứ phải ngẩng mặt lên. Có vậy mình mới thắng nó. Vậy mà hàng trăm nghìn sinh mạng đồng đội ta cũng đã phải ngã xuống. Song không ai nao núng, không một ai rời trận địa. Cả một tháng trời, chúng tôi phơi mình trên cánh đồng. Dưới giao thông hào lúc nào cũng lõng bõng nước đến mắt cá chân. Có khi trời mưa, nước ngập đến tận thắt lưng. Anh em cứ chân đất mà dầm. Cả một tháng trời như thế không tắm giặt, không có quần áo thay. Hàng sáng anh em cứ rót nước vào bi đông để lau mặt và uống, nhưng ai cũng vui. Khi kể chuyện, mắt ông bỗng như bừng sáng, khuôn mặt rạng ngời, với giọng nói hóm hỉnh ông nói: Bây giờ tôi cứ nói với con cái trong nhà là “các con đừng cứ nhìn thấy ông này ông nọ sắm ô tô, xe máy mà cho là sang trọng, giàu có. Bố đây cũng rất giàu, nhưng bố giàu là ở chỗ được tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc”.

63 năm sau ngày khi bước vào chiến dịch và với 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường “máu trộn bùn non” chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng là cả một chặng đường dài. Đất nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng đã có những thay đổi lớn lao kể từ ngày ấy. Song, để có được ngày hôm nay, chúng ta không bao giờ quên sự đóng góp và hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại của dân tộc. Ý chí, nghị lực, tình cảm, quyết tâm của những người lính Điện Biên năm xưa, tình cảm và mối liên hệ của đồng đội với đồng đội người sống, giữa dương gian với người đã vĩnh viễn nằm lại đất mẹ Điện Biên sẽ mãi mãi là những bài học vô cùng quý giá về lòng yêu nước, tình cảm trân thành giữa đồng chí, đồng đội và tinh thần dân tộc để lại cho chúng ta học tập và noi theo./.

 

Nguyễn Vân Chương

 
 

.